Giải quyết nợ xấu – mấu chốt của tái cơ cấu ngân hàng

(VOV) -Nợ xấu làm tắc nghẽn kênh huy động vốn của nền kinh tế, không giải quyết được thì không thể tái cơ cấu các NHTM.

Sau hơn 20 năm đổi mới, hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy tiến trình đổi mới và phát triển của đất nước. Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì cũng bộc lộ một số bất cập như trình độ quản trị, nguồn nhân lực còn yếu, tỷ lệ nợ xấu gia tăng, thanh khoản thấp… Chính vì vậy, một trong những ưu tiên của tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế nước ta trong năm 2013 và những năm tiếp theo vẫn là thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Và trong bối cảnh hiện nay, việc triển khai đề án này có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào khả năng giải quyết vấn đề nợ xấu…

Thực hiện đề án tái cấu trúc ngành ngân hàng, cuối năm 2011, lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước đã chính thức chấp thuận hợp nhất 3 ngân hàng thương mại cổ phần được cho là hoạt động không tốt, gồm: Ngân hàng Đệ Nhất (Ficombank), Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Ngân hàng Sài Gòn (SCB). Đây được coi là bước đi cụ thể đầu tiên trong nỗ lực tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Chính phủ. Kể từ thời điểm hợp nhất đến nay, các ngân hàng hàng này đã đi vào hoạt động khá ổn định.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đào Duy Huân, Trường Đại học Tài chính – Marketing, đến thời điểm này không có hiện tượng gì bất cập lớn. Cái được tiếp theo được ông Huân nêu ra, là thể hiện được sự quyết tâm và nhất quán của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước trong câu chuyện tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có hệ thống các tổ chức tín dụng.

Hiệu quả bước đầu cũng đã thấy, song nhìn chung vấn đề tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, tiến trình tái cơ cấu NHTM đang diễn ra chậm chạp, chưa triệt để. Nguyên nhân do chúng ta chưa có văn bản pháp lý cụ thể về vấn đề này. Hơn nữa, thời gian qua số lượng các ngân hàng thương mại tăng lên quá nhanh. Theo thống kê, Việt Nam hiện có trên 80 ngân hàng. Số lượng nhiều, cạnh tranh mạnh đã dẫn đến một số ngân hàng quy mô nhỏ năng lực yếu kém, thiếu hụt vốn và khả năng thanh khoản. Bên cạnh đó, các ngân hàng sở hữu chồng chéo, góp vốn cho vay lẫn nhau hoặc đầu tư chung các dự án lớn do đó khi chủ dự án mất khả năng trả nợ thì hệ thống ngân hàng phát sinh những khoản nợ khó đòi đầy rủi ro.

Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng Eximbank cảnh báo, nợ xấu ở các NHTM đang tăng. Với tình hình nợ xấu như thế các doanh nghiệp trả gốc và lãi cũng rất khó; lợi nhuận của hệ thống giảm sút lớn nên các NH  phải chọn các khách hàng, DN lớn để cho vay.

Đồng quan điểm với ông Trương Văn Phước, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM phân tích thêm về các nguyên nhân dẫn đến thực trạng NHTM như hiện nay. Theo đó, bước đầu chúng ta cho mở các ngân hàng quá dễ dàng, rồi lại cho ngân hàng đẩy dư nợ ngân hàng lên quá cao. Từ đó các ngân hàng đua nhau đẩy lãi suất lên cao, sau đó chúng ta lại áp dụng biện pháp thắt chặt. Nhưng hiện nay tình hình nợ xấu của các ngân hàng rất lớn. “Do đó tái cấu trúc ngân hàng đồng nghĩa với việc giải quyết nợ xấu. Nếu không giải quyết được nợ xấu thì không thể tái cấu trúc ngân hàng được” ông Hưng nói.

Theo công bố của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, hiện nay tỷ lệ nợ xấu ở các ngân hàng của Việt Nam đã lên đến 10%. Đáng chú ý, một số lượng lớn nợ xấu lại bắt nguồn từ những khoản vay của các tập đoàn doanh nghiệp Nhà nước vốn được ưu tiên quá nhiều khi tiếp cận vốn. Nợ xấu đã làm tắc nghẽn kênh huy động vốn của nền kinh tế. Vì vậy trong thời gian qua, dù các ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay, song doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn vay.

Theo một số chuyên gia kinh tế, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại vào thời điểm này là thích hợp nhưng cần thận trọng. Để quá trình tái cấu trúc diễn ra suôn sẻ, các ngân hàng cần xây dựng một quy trình quản lý nguồn tín dụng chặt chẽ, xác định đúng đối tượng cho vay. Đồng thời, Chính phủ cần xây dựng cơ chế giám sát thường xuyên, bài bản, đảm bảo tiến trình tái cấu trúc được diễn ra đồng bộ và có chiều sâu.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng TP HCM nhận xét: “Việc tái cấu trúc ngân hàng bắt đầu và cũng đang diễn ra với các cách khác nhau và hình thức đa dạng hơn (hợp nhất, sáp nhập, và mua lại)”.

Theo ông Dương, cái được lớn nhất sau khi tái cơ cấu là các NH phải hoạt động theo chuẩn quốc tế và hiện đại. Với cách làm này, trong tổng lợi nhuận thì thu nhập từ tín dụng giảm và từ phí dịch vụ tăng. Một xu hướng nữa là chắc chắn lượng ngân hàng sẽ giảm.

Định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu rõ: trong 5 năm tới, củng cố chấn chỉnh và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là nhiệm vụ cấp bách để thực hiện thành công chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Song nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Tái cấu trúc không là việc riêng của hệ thống ngân hàng, mà cần đặt trong mối quan hệ chung của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. Hạ thấp nợ xấu, thông thoáng các thủ tục vay vốn sẽ là những giải pháp hiệu quả để khơi thông nền kinh tế vốn đang vô cùng khó khăn hiện nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên