Giá thịt heo ở chợ tăng 3 - 4 lần so với trang trại

VOV.VN -Qua ba đến bốn khâu trung gian, giá thịt heo đến tay người tiêu dùng đã đội lên rất nhiều

Thời gian gần đây, giá heo hơi ở các tỉnh miền Đông Nam bộ đang tăng từ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Tại các chợ truyền thống và các siêu thị ở thành  phố Hồ Chí Minh giá  thịt heo cũng tăng từ 5.000 đến 10.000 đồng 1kg. 

Giá heo tăng là tín hiệu tích cực giúp người chăn nuôi có lãi sau một thời gian dài thua lỗ. Tuy nhiên, với nhiều người tiêu dùng, mức giá như vậy là bất hợp lý.

Bà Huỳnh Thị Bảy nhà ở đường Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1 mấy ngày nay đi chợ cứ phải cân nhắc từng món khi mua thức ăn. Vì trước đây, gia đình bà có 6 người, tiền thức ăn mỗi ngày khoảng 100.000 đồng/ngày là đủ. Còn bây giờ giá thịt heo tăng và các thứ  khác cũng tăng nên bà phải chi thêm từ 10.000 – 20.000 đồng thì mới có 2 bữa cơm tươm tất cho gia đình.

Bà Bà Huỳnh Thị Bảy chia sẻ: “Trước tôi đi chợ mua thịt sườn chỉ có 120 ngàn/kg, nay 130 ngàn/kg, sườn cốt lết 90 ngàn nay 95-97 ngàn đồng kg, giá tăng thì cũng phải mua vì phải đảm bảo đủ chất cho cả gia đình”.

Không chỉ ở chợ mà giá thịt heo ở một số siêu thị ở thành  phố Hồ Chí Minh cũng đã tăng  hơn 1 tuần nay. Tại Siêu thị Coopmart Nguyễn Đình Chiểu, Q3 giá thịt bình ổn của Vissan đã điều chỉnh tăng từ ngày 1/4. .

Có 1 điều bất hợp lý là giá heo hơi ở các trại chăn nuôi chỉ tăng trong 2-3 ngày nay, nhưng giá thịt ở chợ và siêu thị đã tăng hơn 1 tuần. Hiện giá heo hơi chỉ tăng 2-3 ngàn đồng/kg thì ở chợ đã  tăng 5-10 ngàn đồng/kg.

Anh Nguyễn Quốc Thái, chủ trang trại heo ở xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom đang chuẩn bị xuất chuồng 400 con heo thịt.  Với giá mức giá hiện nay lứa heo này anh lãi gần 240 triệu đồng. Sau một thời gian dài thua lỗ nặng, với giá này, anh Thái và nhiều  người chăn nuôi  khác có thể  duy trì chăn nuôi  ổn định. Điều anh và nhiều người chăn nuôi hiện nay mong muốn là mức giá này được duy trì ổn định.  

Anh Thái nói: “Nhà nước phải tổ chức khâu phân phối để giảm tầng nấc trung gian, giảm chi phí. Hiện thương lái đi gom thu mua heo, tập kết ở 1 điểm và bán lại cho lò giết mổ. Sau đó lò giết mổ bán lại cho thương lái, bán cho người bán lẻ, người bán lẻ bán cho người tiêu dùng. Như vậy là phải qua ba bốn khâu trung gian, chi phí cũng từ đó mà đội lên”.

Từ thực tế cho thấy, nhiều bất hợp lý trong khâu phân phối đến tiêu thụ các sản phẩm thịt gia súc và gia cầm. Nếu được các ngành chức năng phối hợp cùng doanh nghiệp, người chăn nuôi  giải quyết căn cơ sẽ góp phần cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi với sản phẩm thịt chất lượng ổn định, an toàn và giá tốt./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên