Ga Sài Gòn khắc phục nhanh sự cố mua vé tàu Tết qua mạng

VOV.VN - Đa số các trường hợp gặp sự cố được phía nhà ga giải quyết phương án phù hợp với nguyện vọng của hành khách.

>> Hơn 300 hành khách đặt mua vé tàu online gặp sự cố
>> Hơn 17.500 vé được bán trong ngày đầu bán vé tàu Tết
>> Khách vẫn đến mua trực tiếp tại ga Sài Gòn trong ngày đầu bán vé

Liên tục mấy ngày qua, khá đông hành khách vào trang web đặt vé tàu Tết đều không gặp sự cố nghẽn mạng. Thế nhưng lại xảy ra nhiều sự cố khác như đặt chỗ thành công; khi thanh toán nhận được thông báo vé đã bị mất; hành khách không thanh toán kịp trong thời gian 10 phút cho phép của hệ thống nên không thể thanh toán hoặc mất vé… Hiện ngành đường sắt Việt Nam đang nỗ lực khắc phục tình trạng này.

Ngay trong 4/12, vẫn còn khá nhiều hành khách đến Ga Sài Gòn để phản ánh tình trạng đã thanh toán tiền qua ngân hàng hoặc bưu điện nhưng không lấy được vé. Anh Phạm Văn Tuấn, đang làm việc ở Bình Dương cho biết, anh đặt 8 vé khứ hồi Sài Gòn - Hà Nội qua mạng và thanh toán tiền qua bưu điện. Nhưng khi mang hóa đơn thanh toán ở bưu điện đến ga để lấy vé, anh chỉ nhận được 4 vé lượt vào và 1 vé lượt ra. Nhân viên nhà ga giải thích rằng hệ thống không ghi nhận 3 vé lượt ra của anh.

Anh bức xúc vì việc đặt vé qua mạng rất nhanh, nhưng khi thanh toán tiền cũng mất 1 ngày với bưu điện. “Bình thường đi mua vé phải mất 1 ngày, nay đăng kí qua mạng tiết kiệm thời gian hơn nhưng lại mất nhiều thời gian đi nộp tiền do có đông người đến thanh toán tiền tại bưu điện”, anh Tuấn nói. 

 Hành khách đến giải quyết trục trặc mua vé tàu Tết 2015
Nhiều hành khách khác hiện cũng đang trong tình cảnh như anh Tuấn. Có người mua vé qua mạng thành công nhưng đến thanh toán tiền ở bưu điện hoặc ngân hàng thì hệ thống báo không còn vé trong mã đặt vé của hành khách nữa.

Trả lời về tình trạng này, ông Nguyễn Hồng Hải - Phó giám đốc Trung tâm Giải pháp ITS, thuộc FPT - đơn vị cung cấp dịch vụ mạng bán vé tàu tết cho biết, khi xây dựng hệ thống này, FPT xây dựng trên cơ sở lấy booking (đặt vé) vé máy bay làm tham chiếu. Mục tiêu là làm thế nào để thuận tiện hơn so với đặt vé máy bay.

Theo đó, hành khách không cần nhập tài khoản, email, số điện thoại nhưng quy trình này đang bộc lộ một số điểm yếu: Khi có ai đó ăn cắp được mã booking của người khác thì hoàn toàn có thể lên trang web gỡ vé đó ra khỏi mã đặt vé. Một số kẻ xấu lợi dụng điều này để khai thác nhằm trục lợi. Những trường hợp này khi hành khách đi thanh toán tiền sẽ bị lỗi. Một số hành khách đặt 6 vé thì có thể mất 2 vé, thậm chí cũng có trường hợp bị mất toàn bộ số vé đã đặt.

“Người dân không thể biết rằng mình có thể bị mất vé bởi trên hệ thống FPT ghi nhận là người dân tự gỡ vé đó ra khỏi mã booking của mình. Ngay 2 tiếng sau khi vận hành hệ thống, FPT đã phát hiện ra và khởi động hệ thống phòng vệ. Nếu địa chỉ IP nào book quá nhiều vé, sẽ tiến hành tạm thời khóa địa chỉ IP đấy lại, và khóa luôn chức năng hủy vé online và muốn hủy vé phải ra ga”, ông Nguyễn Hồng Hải giải thích về sự cố.

Một lỗi khác cũng xảy ra là nếu hành khách không thanh toán kịp trong thời gian 10 phút của hệ thống, hành khách sẽ không thể thanh toán hoặc bị mất vé. Hiện lỗi này đã được công ty FPT và Đường sắt Việt Nam khắc phục bằng cách kéo dài thời gian thanh toán online lên tới 48 giờ.

Tuy nhiên, quy trình phối hợp giữa ngành đường sắt, hệ thống ngân hàng, bưu điện vẫn chưa đồng bộ nên xảy ra trường hợp khách thanh toán rồi nhưng đến ga vẫn không có vé…

 Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng ga Sài Gòn tiếp nhận phản ảnh của hành khách

Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng ga Sài Gòn cho biết, sở dĩ có nhiều trường hợp mã đặt chỗ gặp trục trặc là vì hành khách nhập sai số CMND hay tên hành khách khi đặt vé. Đối với những trường hợp này, khi hành khách đến ga thì sẽ có nhân viên giải quyết ngay.

Đối với các trường hợp đặt giữ chỗ nhưng lại bị mất, hoặc thanh toán rồi nhưng lại nhận được thông báo chưa thanh toán, bị mất chỗ… sẽ có nhân viên ghi lại số điện thoại và giải quyết sau. Sau khi phía Ga đã xác minh thành công, sẽ có nhân viên liên hệ trực tiếp để giải đáp, giải quyết đúng như quy định. Tức là hành khách sẽ được hoán đổi số ghế hoặc giảm giá vé…

Ông Nguyễn Văn Thành cũng khuyến cáo, hành khách cần làm đúng quy trình đặt vé và thông tin của hành khách cũng cần đặt chính xác, tránh sai sót.

“Hành khách thao tác sai vẫn bắt buộc phải đặt chỗ lại. Yêu cầu đặt chỗ trên mạng phải đúng tên hoặc số CMND, hoặc giấy tờ khác hợp lệ được pháp luật công nhận. Ví dụ khách hàng A đặt vé cho khách hàng B nhưng vẫn lên ga bắt ngành đường sắt thay đổi thành hành khách A là không quy định”, ông Thành cho biết.

Ngành đường sắt với đặc thù có nhiều ga đi, đến, nhiều loại vé, nên việc xây dựng hệ thống bán vé điện tử khá phức tạp, không thể hoàn thiện một sớm một chiều. Ông Đinh Văn Sang, Phó Tổng Giám đốc Công ty vận tải hành khách Sài Gòn cho rằng, hệ thống bán vé tàu mới chỉ được xây dựng ở giai đoạn 1, chưa hoàn chỉnh, sắp tới trong giai đoạn 2 sẽ hoàn thiện hơn.

“Thời gian tới trong kế hoạch phát triển hệ thống, hành khách chỉ cần ở nhà đặt và in ra thẻ lên tàu, không phải đến ga in vé như hiện nay. Muốn làm được điều này nhiều cơ chế phải thay đổi. Trong đó, Bộ GTVT cũng phải thay đổi thể lệ vận chuyển. Bộ Tài chính cũng phải có quy định thay đổi tích kê vé và ngành đường sắt phải thay đổi thể lệ vận chuyển đi tàu phải có vé. Giai đoạn hai của bán vé sẽ được hoàn chỉnh hơn trong thời gian tới”, ông Thành khẳng định.

Đến thời điểm hiện tại đã có hơn 110.000 vé điện tử được bán thành công. Sau khi việc bán vé đường dài ổn định, hệ thống kho vé sẽ mở bán vé đường ngắn. Ga Sài Gòn cũng cho biết, dịp tết Nguyên Đán, từ ngày 30 tháng Chạp đến mùng 3 tháng Giêng sẽ có 5 đôi tàu Thống Nhất và 14 chuyến tàu địa phương với khoảng 8.000 chỗ một ngày được lưu thông. Với phương án này, công ty Đường sắt Việt Nam sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu của những hành khách về quê ăn tết muộn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên