Doanh nghiệp Phú Yên khó tiếp cận vốn vay ngân hàng

Mặc dù lãi suất hạ nhưng vẫn còn ở mức cao, đặc biệt là vốn vay trung và dài hạn nên hầu như các doanh nghiệp không tiếp cận được.

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có quyết định giảm lãi suất huy động vốn còn 12 %/năm, một số ngân hàng thương mại ở Phú Yên đã công bố hạ lãi suất cho vay để gỡ khó cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo phản hồi của nhiều doanh nghiệp, việc tiếp cận vốn vẫn không mấy khả quan.

Nhiều doanh nghiệp tại Phú Yên vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng. (Ảnh: K.T)

Ông Nguyễn Ngọc Khố, Giám đốc NHNN Chi nhánh Phú Yên cho biết, ngay sau khi NHNN ban hành thông tư về việc hạ lãi suất, NHNN Chi nhánh Phú Yên đã chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh thực hiện hạ lãi suất để tạo điều kiện do các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

“Lãi suất cho vay trước đây bình quân 17% - 19% nay hạ xuống còn 14% - 16%, đặc biệt đối với lĩnh vực cho vay nông thôn, nông nghiệp, xuất khẩu của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp nào làm ăn tốt có đủ điều kiện vay vốn đến ngân hàng sẽ giải quyết cho vay ngay vì hiện nay ngân hàng vốn không thiếu” – ông Khố cho hay.

Việc hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng ở Phú Yên trong thời điểm hiện nay được xem là động thái tích cực để giúp đỡ doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng khó khăn. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, mặc dù lãi suất hạ nhưng vẫn còn ở mức cao, đặc biệt là vốn vay trung và dài hạn thì hầu như doanh nghiệp không tiếp cận được.

Ông Lưu Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần I.D.P, thành phố Tuy Hoà cho biết, khó khăn nhất trong thời điểm hiện tại là việc mở rộng sản xuất kinh doanh. Đã có nhiều dự án chuẩn bị triển khai nhưng không tìm được nguồn vay trung dài hạn. Đặc biệt lãi suất trên thực tế vẫn còn cao, nằm trong các khoản vay 18%.

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc tiếp cận nguồn vốn lại càng khó khăn hơn do thiếu tài sản thế chấp. Theo ông Lê Kỳ, Xí nghiệp xây dựng Ngọc Thành, thị xã Sông Cầu cho biết, trong điều kiện kinh tế khó khăn, doanh nghiệp đã áp dụng biện pháp thu hẹp quy mô, lĩnh vực sản xuất kinh doanh để bảo đảm nguồn vốn. Việc tiếp cận vốn vay rất khó khăn do thời hạn vay ngắn, doanh nghiệp không xoay kịp để trả cả vốn và lãi cho ngân hàng.

“Chúng tôi đề nghị ngân hàng cho vay vốn ưu đãi có thời gian 12 tháng trở lên. Nếu giới hạn vay trong thời gian 6 tháng doanh nghiệp sẽ phải lo trả vốn sớm cho ngân hàng mà không kịp để kinh doanh” – ông Lê Kỳ bày tỏ.

Theo ông Ngô Đa Thọ - Chủ tịch Hội doanh nghiệp tỉnh Phú Yên, với mức lãi suất dù có giảm như hiện nay, ngân hàng có sẵn sàng, thì nhiều doanh nghiệp vẫn không dám vay, bởi không thể trả nổi.

“Dấu hiệu giảm lãi suất đã có nhưng để doanh nghiệp tiếp cận được vẫn còn ở mức cao (đầu vào 12%, mà đầu ra tới 17% -18%), còn các ngân hàng cổ phần là 23% - 24%. Nếu doanh nghiệp có tiếp cận nguồn vốn lãi suất cao như vậy cũng sẽ khó kinh doanh hiệu quả trong khi chi phí đầu vào tăng lên lên, như vậy chắc chắn doanh nghiệp không vay được vốn” - Ông Ngô Đa Thọ cho biết.

Thực tế hiện nay, doanh nghiệp ở Phú Yên không chỉ khó khăn về vốn mà còn khó khăn về thị trường tiêu thụ. Tình trạng hàng tồn kho, ứ đọng rất đáng báo động, nhất là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng, xuất khẩu, sản xuất nông thuỷ sản… Vì vậy, Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ đồng bộ, để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tránh tình trạng này kéo dài./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên