Doanh nghiệp chế biến thủy sản thiếu nguyên liệu

Cùng với tín hiệu vui về đầu ra của thị trường xuất khẩu, ngành chế biến xuất khẩu thủy sản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tình trạng thiếu nguyên liệu có thể kéo dài từ đây đến hết năm 2010, nhất là với một số loại thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm, cá tra...

Sự khan hiếm không chỉ với thủy sản đánh bắt mà cả với thủy sản nuôi trồng. Nguyên nhân là giá nguyên liệu thủy sản tăng cao trong thời gian gần đây khiến các hộ nuôi đẩy mạnh thu hoạch. Thêm vào đó, tại một số nơi, người dân có xu hướng chuyển đổi sang nuôi một số loài thủy sản có giá trị kinh tế cao hơn khiến nguồn nguyên liệu nuôi như tôm, basa... cũng giảm sút mạnh.

Trong điều kiện thiếu nguyên liệu trầm trọng, một số doanh nghiệp đã chuyển hướng chiến lược sản xuất kinh doanh và thực hiện một số giải giáp cơ bản như: sản xuất mặt hàng có giá trị gia tăng cao, tức làm hàng tinh chế, để giảm lượng nguyên liệu, nhưng vẫn đảm bảo doanh thu và lợi nhuận; xây dựng hệ thống kho lạnh để trữ nguyên liệu; chuyển dịch cơ cấu từ sử dụng nguyên liệu đánh bắt (biển) sang nguyên liệu nuôi trồng. Ngoài ra nhập khẩu nguyên liệu từ các nước cũng là giải pháp phổ biến của nhiều doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc nhập khẩu sẽ có nhiều hạn chế như mức độ phụ thuộc vào nước ngoài lớn, chi phí tăng cao trong khi giá bán khó tăng tương ứng. Trong khi đó, việc cạnh tranh về giá trên thị trường quốc tế ngày càng gay gắt. Hiện nay, khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam là cạnh tranh giá bán với các nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan, một đối thủ cạnh tranh với ngành xuất khẩu thủy sản đánh bắt của Việt Nam tại hai thị trường châu Âu và Nhật Bản, nhất là các mặt hàng như bạch tuộc, mực, cá thu, cá ngừ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên