Chuyện nông dân đất chín rồng

Tự hào là vùng đất “nước nổi” trù phú, vựa lúa và cá lớn nhất cả nước nhưng ĐBSCL vẫn luôn phải thấp thỏm trong vũ điệu chìm nổi của “mùa – giá”.

Sống chung với lũ

Bao đời này, người dân châu thổ Cửu Long vẫn gọi giai đoạn nước dâng vào cuối mùa mưa là “mùa nước nổi”. Mỗi khi mùa nước nổi về, cá từ Biển Hồ Campuchia đổ về tha hồ mà khai thác – nhất là loại cá linh – một đặc sản giàu chất đạm chỉ có trong mùa lũ. Các món chế biến từ cá linh như nấu canh chua với bông điên điển vàng rực; hay cá linh nướng chấm mắm me, cá linh tẩm bột chiên giòn và lẩu mắm cá linh... Tất cả mọi người đều nôn nao chờ mùa nước nổi.

Nuôi cá ở ĐBSCL (Ảnh KT)

Tỉnh An Giang mở hẳn một tua du lịch đưa khách tham quan trong mùa nước nổi với việc thả hỏa đăng trên sông nước mênh mông hay chèo xuồng đi giăng câu, vừa giăng câu vừa nghe vài câu vọng cổ ngọt như mía lùi khiến du khách ngất ngây.

Cũng trong mùa nước nổi, người dân tận dụng mặt nước nuôi cá, nuôi lươn trong “vèo”, nuôi đăng quầng trong những ao nhân tạo làm bằng ni lông để nuôi sống cả gia đình. Chưa kể năm nào có lũ lớn thì năm sau lúa lại trúng mùa vì nhiều phù sa, làm tươi tốt thêm đồng ruộng. Tỉnh An Giang thống kê, hằng năm “lũ đẹp” mang về cho tỉnh nguồn thu không dưới 1 ngàn tỷ đồng.

Những năm nào nước to, con nước dâng cao, tạo ra những hố sâu vùng xoáy, bà con mới gọi là “có lũ”. Đáng ngại là, tần suất “có lũ lớn” trong mùa nước nổi có vẻ như không theo  quy luật nào.

Năm 2011, dự báo “lũ đẹp” ban đầu của các chuyên gia bị “trật lấc” vì cường suất lũ ngày một tăng, bà con trở tay không kịp. Một trong những nguyên nhân là đã gần 10 năm nay, ĐBSCL không có lũ lớn; bà con tranh thủ ruộng đồng xuống giống lúa vụ 3 với diện tích lớn; rồi bờ, bao, cống bọng lâu không có lũ “thử thách” đâm ra cũng yếu. Thế là cuối tháng 9/2011, lũ đột ngột tăng tốc khiến cả chính quyền và hộ dân đều lúng túng.

Cũng may lũ ở Nam bộ từ từ lên và cũng từ từ ... xuống; bà con nông dân vừa tăng cường gia cố bờ bao; vừa tranh thủ “làm giàu” từ lũ. Điều đáng mừng là qua mùa lũ 2011, nông dân mình lại “ngộ” ra nhiều điều từ việc sống chung với lũ; nhất là các công trình cụm, tuyến dân cư vượt lũ; điểm giữ trẻ trong mùa lũ, bờ bao lửng trong sản xuất đã phát huy tác dụng, cần nhân rộng trong mùa lũ tới.

Mừng vì lúa trúng mùa, trúng giá!

Cả năm nay, toàn vùng ĐBSCL sản xuất lúa trúng lớn từ vụ đông xuân đến vụ hè thu và cả lúa vụ 3 với tổng sản lượng lúa cả năm ước đạt 22,8 triệu tấn, tăng gần 1,3 triệu tấn so với năm 2010. Xuất khẩu gạo đạt gần 6 triệu tấn; chiếm 91% lượng gạo xuất khẩu của cả nước, thu về gần 3 tỷ USD. Lúa trúng với năng suất trung bình từ 6 – 7 tấn/ha. Giá lại luôn duy trì ở mức hơn 6.000 đ/kg; đảm bảo nông dân có lãi 30%.

Điều nông dân mừng nhất là năm nay không bị mấy ông thương lái, doanh nghiệp làm eo, làm sách. Thương lái đến tận ruộng mua lúa tươi, mua đến đâu thanh toán tiền đến đó. Nhờ vậy sau khi trừ chi phí, mỗi ha bà con lời khoảng 20 triệu đồng.

Mừng hơn là Nghị quyết Trung ương 13 vừa rồi nêu quyết tâm giữ cho được 3,8 triệu ha đất lúa; chú ý phát triển vùng trồng lúa, nhất là vùng ĐBSCL. Bà con không ai bảo ai, mình làm lúa trúng lớn năm nay cũng là góp phần cùng Đảng, Nhà nước kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Do vậy, bà con động viên nhau ráng làm để xứng danh “Hai Lúa thời @”.

Và những thao thức, trăn trở...

Trúng mùa, được giá nhưng bà con vẫn lo vì giá cả hàng hóa năm nay cứ “vọt” lên khiến nhiều hộ điêu đứng; nhất là phân bón vật tư. Do vậy, cầm đồng tiền mà cứ lo ngay ngáy vì mất giá. Cũng may là Chính phủ và chính quyền địa phương làm tốt công tác an sinh xã hội nên nông dân nghèo đỡ khổ. Bà con đành “thắt lưng buộc bụng” nín thở chờ qua cơn khó khăn này. Một điều đáng mừng nữa là chủ trương xây dựng nông thôn mới được triển khai, tuy khi làm hé lộ nhiều cái khó vì nhiều nơi điều kiện đi lại còn khó khăn bởi đò giang; hay dân cứ quá thưa thớt heo hút, điện nước nào kéo đến được.

Nghị quyết Trung ương 13 nêu quyết tâm giữ cho được 3,8 triệu ha lúa; chú ý phát triển vùng trồng lúa, nhất là vùng ĐBSCL. Bà con không ai bảo ai, mình làm lúa trúng lớn năm nay cũng là góp phần cùng Đảng, Nhà nước kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Do vậy, bà con động viên nhau ráng làm để xứng danh “Hai Lúa thời @”

Bà con cũng bảo, nghe báo, đài nói nhiều khi mắc cỡ vì vùng mình là một trong những vùng có nhiều cái “nhất” của cả nước như “tỷ lệ hộ nghèo cao nhất – hơn 10%”; “dân trí thấp nhất”; “điều kiện cơ sở hạ tầng kém nhất”. Mà thật vậy, mới tự hào được có sân bay Quốc tế Cần Thơ, cầu Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận, cầu Rạch Miễu; đường cao tốc Trung Lương... song vẫn còn nhiều tuyến quốc lộ xuống cấp mà chưa được sửa chữa như quốc lộ 91; quốc lộ 80; quốc lộ 53.... ấy là chưa kể đường liên tỉnh, liên huyện còn khó khăn trăm phần dù đã có sự đầu tư của Nhà nước. Rồi đường liên xã, liên ấp; đường vào vùng sâu, vùng xa.

Không ở đâu nhiều sông rạch như đất chín rồng; nếu cứ làm hết đợt cầu này thì quay lại làm từ đầu là vừa vì nhiều quá, làm cả chục năm chưa chắc đã hết. Còn chuyện học hành của con em thì cũng trăm nỗi bận tâm. Tỷ lệ học sinh bỏ học trong vùng vẫn còn cao hơn bình quân cả nước; bình quân mới có 85 sinh viên/vạn dân.

Đó là chưa kể điều kiện học hành của con em còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia cả vùng là 11%; tỷ lệ đầu tư cho giáo dục đào tạo và dạy nghề còn quá thấp, mới có 18%. Bên cạnh các “nông dân nghèo nuôi con học thành tài” thì còn không ít hộ có tâm lý “trời sinh voi, trời sinh cỏ”; cho con bỏ học giữa chừng để về “mần ruộng” hay làm thuê, làm mướn.

Mà có lẽ ở xứ chín rồng đầy cù lao, sông nước này bàn gì thì bàn rồi cũng quay về con cá, cây lúa. Không hiểu vì sao mấy tháng nay dừa, trái cây rớt giá ghê gớm, khiến bà con nhà vườn lao đao; trong khi trái cây ngoại đang ngập tràn thị trường. Rồi con cá tra, sau một hồi “tái cấu trúc” nghề nuôi, người nuôi vẫn chưa trở lại thời “hoàng kim”. Điệp khúc “trúng mùa rớt giá, được giá mất mùa” cứ như vòng luẩn quẩn bám riết lấy nông hộ đồng bằng.

Bà con chỉ mong, bằng đường hướng của mình, Đảng, Nhà nước cùng cácc ấp, các ngành “xắn tay áo” cùng bà con nhiều hơn nữa để tháo gỡ khó khăn. Phần bà con thì cũng đang tự tìm lời giải cho mình. Mong sao năm mới Nhâm Thìn bà con mình lại trúng mùa, trúng giá; đất chín rồng sẽ vươn dậy hơn nữa để cùng cả nước bay bổng trên bầu trời công nghiệp hóa, hiện đại hóa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên