Bỉ cam kết đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam

Bỉ đã là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam trong khối EU

Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Hubert Cooreman khẳng định như vậy và cho biết Bỉ có vị trí địa lý quan trọng và là trung tâm chính trị của khối EU, có vai trò làm đầu mối kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp các nước EU, là thị trường xuất khẩu nhiều tiềm năng đối với hàng hóa Việt Nam. Theo Ngài Hubert Cooreman, tính đến thời điểm hiện tại, Bỉ đã là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam trong khối EU.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Bỉ trong thập kỷ vừa qua có bước tăng trưởng khá nhanh. Năm 2003, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Bỉ đạt 391,368 triệu USD, đến năm 2006 con số tương tự là 687,488 triệu USD, năm 2010 là 848,838 triệu USD (năm 2003 Việt Nam nhập khẩu từ Bỉ 167,789 triệu USD, năm 2010 nhập khẩu từ Bỉ 320,151 triệu USD).

Năm 2010 Việt Nam xuất khẩu sang Bỉ các mặt hàng gồm đá và kim loại quý, bánh kẹo, sản phẩm từ ngũ cốc, cà phê, cao su, chất dẻo nguyên liệu, chè, dây điện và cáp điện, gạo, gỗ và sản phẩm từ gỗ, giầy dép, rau quả, hàng thủy sản, hạt điều, hạt tiêu, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, máy vi tính, sản phẩm điện tử, dệt may, gốm sứ, máy móc, thiết bị, dụng cụ và một số hàng hóa khác; nhập khẩu từ Bỉ đá quý, kim loại quý và sản phẩm, bông các loại, cao su, chất dẻo nguyên liệu, dược phẩm, giấy, linh kiện ô tô và phụ tùng xe máy, phân bón, sữa, hóa chất, sắt thép, thức ăn gia súc, thuốc trừ sâu, phương tiện vận tải, vải, xơ sợi dệt, máy móc thiết bị - phụ tùng và một số mặt hàng khác.

Về đầu tư, mặc dù Việt Nam và Bỉ ký đã ký kết Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư từ năm 1991, song đến nay đầu tư của Bỉ vào Việt Nam vẫn khá khiêm tốn. Tính đến cuối năm 2010, Bỉ có 38 dự án đầu tư ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký 76,03 triệu USD, đứng thứ 41/92 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam (vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 61 triệu USD), tập trung chủ yếu ở lĩnh vực công nghiệp (chiếm 58% số dự án và 71,6% tổng vốn đầu tư) dưới hình thức 100% vốn Bỉ, quy mô tương đối nhỏ với mức trung bình 2,7 triệu USD/dự án (mức trung bình các dự án FDI ở Việt Nam là 10,5 triệu USD/dự án).

Phía Việt Nam cũng mới chỉ có 2 dự án đầu tư sang Bỉ gồm một dự án trung tâm xúc tiến thương mại (vốn đầu tư 152.000 USD) và một dự án của Công ty cổ phần Đầu tư thương mại thủy sản châu Âu (vốn đầu tư 90.000 USD).

Mới đây, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Bỉ đã thỏa thuận cùng nhau thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại… giữa hai nước lên một tầm cao mới. Theo đó, Ủy ban hỗn hợp Liên chính phủ giữa hai nước Việt Nam – Bỉ đã được thành lập và phiên họp đầu tiên thảo luận, bàn bạc các giải pháp đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong thời gian tới giữa hai nước đã khai mạc tại Hà Nội ngày 21/6/2011.

Ngài Hubert Cooreman khẳng định, đoàn đại biểu Chính phủ Bỉ sang Việt Nam tham dự cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Hỗn hợp Liên chính phủ ngoài việc thực hiện thỏa thuận của lãnh đạo hai bên, còn thể hiện cam kết mạnh mẽ từ phía Bỉ quyết tâm đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam. Cũng theo ông Hubert Cooreman, Chính phủ Bỉ sẽ nâng mức hỗ trợ vốn ODA cho Việt Nam gấp đôi so với mức hiện nay trong vài năm tới.

Đại diện Chính phủ Bỉ khẳng định, các doanh nghiệp Bỉ sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam ở một số lĩnh vực nước này có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu đầu tư cao như cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, giáo dục đào tạo (nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao)… Hiện đã có gần 90 văn phòng đại diện, chi nhánh công ty, hoặc liên doanh của Bỉ hoạt động ở Việt Nam.

Tại Hội thảo “Đầu tư của Bỉ - Cơ hội tài chính cho doanh nghiệp Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Đại sứ quán Bỉ tổ chức ở Hà Nội ngày 20/6/2011 nhân dịp Kỳ họp đầu tiên của Ủy ban liên chính phủ hai nước diễn ra, BIO (Belgian Investment Company for Developing Countries) một doanh nghiệp tư nhân chuyên đầu tư về tài chính của Bỉ cũng đã giới thiệu cơ hội tiếp cận nguồn vốn từ tổ chức này cho các doanh nghiệp Việt Nam. Trước đó, BIO cũng đã đầu tư và cho một số tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam vay vốn như Ngân hàng Sacombank, Quỹ đầu tư Dragon Capital, Quỹ đầu tư Mekong Capital, Công ty Grand Place Việt Nam…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên