Áp trần giá sữa: Chỉ là biện pháp hành chính, hiệu quả sẽ không cao

VOV.VN - Phóng viên VOV phỏng vấn chuyên gia về giá Vũ Vinh Phú xung quanh việc áp trần giá sữa từ 1/6

Quyết định áp giá trần đối với 25 mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của Bộ Tài chính bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/6 tới đang tác động mạnh đến thị trường. Trong khi người tiêu dùng khấp khởi mừng vì sắp được mua sữa giá hợp lý, các doanh nghiệp sữa lại đang tìm mọi cách để lách luật, tăng giá, thay đổi mẫu mã…

Vậy diễn biến thị trường sữa dự báo sau ngày 1/6 sẽ như thế nào? Làm sao để công tác kiểm soát giá của cơ quan nhà nước vừa đúng luật vừa không tạo kẽ hở cho doanh nghiệp lách để trục lợi.

Phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN với chuyên gia về giá, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị thành phố Hà Nội.

Nghe nội dung cuộc phỏng vấn tại đây:


PV:
Thưa ông, người tiêu dùng khá hồ hởi khi Bộ Tài chính áp giá trần với mặt hàng sữa. Là chuyên gia trong lĩnh vực này ông nhận thấy quy định liệu có khả thi trong cuộc sống?

Ông Vũ Vinh Phú: Tôi cho rằng, việc áp trần giá sữa là cần thiết vì các doanh nghiệp đã có những động thái vượt quá giới hạn trong vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Nhưng đây không phải là biện pháp cơ bản.

Vấn đề quan trọng chúng ta phải tổ chức thực hiện áp trần chu đáo để chứng minh cho người dân thấy rằng, việc áp trần giá sữa hiệu quả. Tất cả những việc này phải công khai minh bạch, giám sát của người tiêu dùng, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Nhưng tôi cho rằng, đây là biện pháp hành chính nên sẽ không hiệu quả.

PV: Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sữa đối phó với quy định này bằng cách thay đổi mẫu mã, trọng lượng để tránh rơi vào danh mục 25 mặt hàng sữa để tăng giá. Ý kiến của ông về các chiêu lách luật này như thế nào?

Ông Vũ Vinh Phú: Tôi thấy Cục quản lý giá cũng đã khẳng định vấn đề này. Tuy nhiên, ngoài 25 sản phẩm sữa áp giá trần, các sản phẩm khác trong danh mục bình ổn giá vẫn tiếp tục phải kê khai giá để bình ổn giá. Giá này ổn định trong 1 năm. Các chi phí đầu vào có tăng lên cũng không được chấp nhận thay đổi trong 1 năm.


Điều tôi muốn lưu ý, vừa qua, chúng ta mới kiểm tra, bình ổn giá sữa dưới 6 tuổi, trong khi chúng ta còn hàng trăm sản phẩm khác phục vụ người ốm, người già, người thiếu canxi dinh dưỡng… Có lẽ nếu muốn làm tốt vấn đề này, chúng ta phải mở rộng mặt hàng. Vì mặt hàng sữa rất thiết yếu, hơn cả đường và các mặt hàng khác. Mặt hàng sữa liên quan tới toàn xã hội, ảnh hưởng tới gen, nòi giống cũng như sức khỏe của nhân dân.

PV: Ông có dự báo gì về thị trường cũng như giá sữa sau khi quy định của Bộ Tài chính có hiệu lực?

Ông Vũ Vinh Phú: Ngày 1/6 tới quy định này bắt đầu có hiệu lực. Chúng ta phải tiếp tục theo dõi và nghe ngóng tình hình. Ban đầu là 5 đơn vị sữa sẽ phải thực hiện và chấp hành, nhưng tiếp sau đó một vài tháng sau như thế nào? Nó còn biến động từng ngày và đòi hỏi chúng ta không thể chủ quan về vấn đề này.

Chúng ta có hàng vạn tiểu thương bán sữa, 200 nhà nhập khẩu sữa và sản xuất. Đây là số lượng rất lớn nên đòi hỏi cơ quan quản lý phải có lực lượng, có cách tổ chức thực hiện sao cho hợp lý. Hiện nay, chúng ta đã có đầy đủ các chỉ thị, văn bản, nghị quyết nhưng lại yếu ở khâu thực hiện.

PV: Chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận là giá sữa liên tục tăng mà khó giảm và trong những năm qua cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng vẫn không hiệu quả. Theo ông, đâu là giải pháp căn cơ để vừa đảm bảo các biện pháp đó đúng luật, vừa đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng?

Ông Vũ Vinh Phú: Như tôi đã đề cập ở trên, việc áp trần giá sữa chỉ là biện pháp hành chính nên hiệu quả sẽ không cao và không căn cơ để ổn định thị trường. Về lâu dài, theo tôi, chúng ta phải sắp xếp lại tổ chức sản xuất và hệ thống phân phối.

Về tổ chức sản xuất, chúng ta phải có cơ chế chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước sản xuất tăng thêm sữa bột để phục vụ cho các cháu. Vì hiện nay chúng ta chiếm chủ yếu phần lớn là sữa nước. Về con giống, trang trại, đồng cỏ… cơ quan chức năng có thể làm được.

Về hệ thống phân phối, chúng ta phải tổ chức các chuỗi phân phối có hiệu quả. Đi thẳng từ sản xuất tới bán lẻ để giảm bớt khâu trung gian. Chúng ta phải kiểm soát được giá thành, nhất là các nhà nhập khẩu. Ngoài ra, chúng ta động viên các Tổng công nhà nhà nước về thương mại đứng ra làm vấn đề này để chúng ta vừa có thể cạnh tranh và vừa hợp tác để phục vụ nhân dân. Hiện nay, vấn đề này chúng ta đang trống và chưa làm được.

Cuối cùng là vấn đề tổ chức thực hiện, chúng tôi đề nghị các Bộ, ngành, Cục quản lý giá, cơ quan thuế, thương vụ nước ngoài, hải quan phối hợp với nhau để chứng minh cho nhân dân biết rằng, giá sữa bán ra là doanh nghiệp có lợi nhuận, đồng thời cũng hài hòa lợi ích với người tiêu dùng. Đây là vấn đề rất quan trọng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên