Đà Nẵng nỗ lực phát triển kinh tế đêm bứt phá du lịch sau dịch Covid

VOV.VN - Ngày 10/7, tọa đàm “Kích cầu du lịch Đà Nẵng: Vai trò của sản phẩm, dịch vụ giải trí về đêm” đã được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng.

Ngày 10/7, tại thành phố Đà Nẵng, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng phối hợp với Công ty Cổ phần Tập Đoàn Sun World, hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) tổ chức Tọa đàm “Kích cầu du lịch Đà Nẵng: Vai trò của sản phẩm, dịch vụ giải trí về đêm”.

Với mong muốn hiện thực hóa giấc mơ biến Đà Nẵng trở thành “thành phố không ngủ” về đêm, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đề xuất nhiều ý kiến tâm huyết.

Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, Đà Nẵng phải xác định kinh tế đêm như là một chiến lược quan trọng giúp du lịch Đà Nẵng bứt phá trong giai đoạn hậu Covid-19. Về lâu dài kinh tế đêm hướng tới các mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch Việt Nam phải tiếp cận cấu trúc phát triển khác. Đó là kinh tế số và kinh tế đêm. Nếu tính cả 2 yếu tố này thì Đà Nẵng là địa điểm có tính tiên phong.

PGS-TS Trần Đình Thiên, Nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng Đà Nẵng là địa phương có lợi thế phát triển kinh tế đêm mang tầm cỡ quốc tế.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng, kinh tế đêm là vấn đề toàn cầu, ở Việt Nam được khẳng định là một hướng phát triển ở cấp độ quốc gia chứ không cho riêng Đà Nẵng:"Tôi cho rằng bắt đầu từ bây giờ, Đà Nẵng phải tiếp cận tới vấn đề kinh tế đêm một cách bài bản hơn rất nhiều. Bởi đây là địa phương đề xuất ra cơ chế cho vận hành kinh tế đêm ở cấp độ quốc gia chứ không phải chỉ cho riêng Đà Nẵng. Cơ chế chính sách mà chưa thống nhất, chỉ có một mình triển khai thì cũng rủi ro lắm."

Phát triển kinh tế đêm trong hoạt động du lịch góp phần quan trọng giúp tăng chi tiêu, tăng ngày lưu trú, giải quyết việc làm cũng như đem lại hiệu quả kinh doanh cho các doanh nghiệp phục vụ du lịch. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đề xuất kéo dài thời gian các hoạt động về đêm, hỗ trợ chính sách thuế và đầu tư công phố đi bộ từ cầu Rồng đến cầu Trần Thị Lý qua Nguyễn Văn Trỗi.

"Vệt phát triển kinh tế đêm như chúng tôi đề xuất thì phải vừa phải có quy hoạch bài bản từ phía quản lý doanh nghiệp nhà nước phải có được cơ chế chính sách cởi mở và thu hút được nhà đầu tư, vừa có sự quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp", ông Dũng nói.

Qua gần 1 tháng thực hiện chương trình kích cầu du lịch tại Đà Nẵng, lượng khách đến thành phố đạt gần 500 nghìn lượt khách nội địa. Đà Nẵng đang đưa vào hoạt động những sản phẩm du lịch mới về đêm như: Công viên Châu Á mở cửa đón khách tham quan miễn phí từ ngày 2/7 đến 31/7, Bà Nà Hills quy tụ tinh hoa ẩm thực và đặc trưng văn hóa độc đáo của 7 quốc gia Âu, Á gồm Thái Lan, Ý, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Sky 36 là quán Bar cao nhất Đà Nẵng cho những ai muốn ngủ muộn,…

Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến phát triển kinh tế đêm ở Đà Nẵng.

Những trải nghiệm về đêm mới mẻ này sẽ giúp du lịch Đà Nẵng có thêm lợi thế để nâng cao năng lực cạnh tranh so với những điểm đến khác. Đồng thời, góp phần gia tăng nhiều trải nghiệm mới khác lạ, giúp kéo dài thời gian lưu trú và kích thích mua sắm của du khách khi đến Đà Nẵng.

Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo về việc nghiên cứu kinh tế đêm, thành phố Đà Nẵng đã nghiên cứu các giải pháp phát triển kinh tế đêm: "Thành phố có chủ trương sẽ dành ngân sách đầu tư để phát triển kinh tế đêm bằng việc xây dựng các sản phẩm các dịch vụ mới. Trước mắt, chúng tôi sẽ đầu tư khu An Thượng. Thứ 2 là đang thiết kế phố đi bộ cầu Nguyễn Văn Trỗi. Thành phố tạo điều kiện cho các nhà đầu tư quan tâm phát triển du lịch nói chung và phát triển du lịch ban đêm tại thành phố được phát triển các sản phẩm mới./."

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên