6 tháng cuối năm: Giá thịt lợn sẽ hạ nhiệt?

Để “cứu nguy” cho giá thịt lợn, Nhà nước sẽ duy trì chính sách ổn định giá, cho phép doanh nghiệp được hưởng chính sách trong Nghị định 61 về khuyến khích tín dụng trong nông nghiệp.

Lãi suất + dịch bệnh = giá ngất ngưởng!

Trước thông tin - 12 tháng, giá thịt lợn tăng gấp đôi, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với các địa phương và doanh nghiệp nhằm tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi báo cáo, trong 6 tháng đầu năm cả nước đã sản xuất được 2,46 triệu tấn thịt hơi tương đương với 2,68 triệu tấn thịt xẻ. Và từ tháng 5 tới nay nước ta không xuất 1 tấn thịt nào sang phía Trung Quốc, trong khi đó lượng thịt xuất sang Malaysia chỉ bằng 50% so với năm ngoái. Riêng với việc nhập khẩu trâu, bò, lợn từ các nước láng giềng cũng giảm.

Cụ thể, việc nhập trâu, bò từ Lào và Campuchia được gần 70.000 con,  cộng với lượng thịt nhập lậu không được kiểm soát, tổng cộng khoảng 5.000 tấn thịt xẻ. Như vậy, về cơ bản đáp ứng được lượng tiêu thụ thịt trong nước. Song đến nay, giá thịt lợn giữa miền Nam và Bắc lại có sự chênh lệnh. \

Tại miền Bắc khoảng 65.000-67.000 đồng/kg, trong khi ở miền Nam là 62.000-63.000 đồng/kg. Giải thích về vấn đề này, ông Sơn cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh cuối năm 2010 và tình hình phân phối không đều nên dẫn đến chênh lệch giá cục bộ giữa các vùng. Đây là một trong những nguyên nhân gây nên áp lực tăng giá ở một số thị trường.

Thêm nữa, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi bày tỏ, giá thịt lợn tăng cao người chăn nuôi đang có lợi nhưng lại ảnh hưởng không tốt tới đời sống những người làm công ăn lương và sự ổn định của xã hội. Nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong thời điểm này là phải ổn định giá cả và sản xuất. Vì vậy, giá thịt đang ở “đỉnh” như hiện nay thực sự cần phải xem lại.

Trước tình hình giá thịt lợn tăng cao bất thường, Cục Chăn nuôi đã cử 3 đoàn kiểm tra tới các địa phương, kết quả cho thấy, nguyên nhân dẫn tới lượng cung trong tháng 6 bị thiếu hụt do dịch bệnh, lợn nái giảm 8,6%. Trong khi đó, tháng 2, 3, 4 thiếu hụt lượng giống vào chuồng, nên lượng thịt cung cấp cho thị trường giảm. Ngoài ra, do tâm lý dịch bệnh, giá đầu vào cao, đầu ra không chắc chắn, trong khi lãi suất vay ngân hàng quá cao nên đã có tới 10 – 30% hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bỏ chuồng. Đơn cử như Hà Nam theo thống kê, cả tỉnh đã có tới 20% số hộ diện chăn nuôi nhỏ lẻ bỏ chuồng.

Hay như ở Hà Nội, ông Chiến, Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Cổ Đông (Hà Nội) cho hay, với lãi suất tới 25-26%/năm, các trang trại không thể tiếp cận được vốn. Vì vậy, cần phải thành lập Hiệp hội chăn nuôi gia cầm miền Bắc để bảo vệ lợi ích của ngành. Đề xuất các bộ ngành kiểm soát giá đầu vào thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; chính sách đầu tư vốn ưu đãi lãi suất…

Giải pháp?

Ông Cát Quang Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, sản xuất, chế biến và các khâu khác của chăn nuôi thời gian qua đã vướng phải không ít khó khăn nhưng chủ yếu là những chính sách vĩ mô. Lãi suất bình quân hiện nay dưới 20%. Việc định lãi suất của từng khoản vay không căn cứ vào mức bình quân này mà phụ thuộc vào độ rủi ro, ngành nào rủi ro nhiều lãi suất cao.

Hiện, Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng Phát triển có thể cho vay lãi suất thấp hơn. Quy chế cho vay của Ngân hàng Nhà nước đã ban hành từ 2001 giờ vẫn thực hiện, áp dụng chung với tất cả các khách hàng, thậm chí, các ngân hàng thương mại lớn có mạng lưới vươn tới tận các hộ sản xuất, chăn nuôi. Hiện vốn Nhà nước cơ bản đáp ứng được nhu cầu không chỉ của chăn nuôi mà còn các ngành kinh tế. Tuy nhiên, những chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được ban hành cụ thể là Nghị định 41 và Nghị định 61 của Chính phủ.

Trước mắt, để “cứu nguy” cho giá thịt lợn, Nhà nước sẽ duy trì chính sách ổn định giá, cho phép các doanh nghiệp, hợp tác xã… đầu tư vào chăn nuôi được hưởng chính sách trong Nghị định 61 về khuyến khích tín dụng trong nông nghiệp.

Cụ thể là được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% chi phí quảng cáo doanh nghiệp và sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và thành phố nơi doanh nghiệp đầu tư; được miễn tiền thuê đất, quy hoạch và giao đất lâu dài cho chăn nuôi... nhằm giảm tính bị động cho ngành chăn nuôi.

Đồng thời ông Hoàng Kim Giao cũng cho biết, ngành nông nghiệp sẽ sử dụng mọi biện pháp kỹ thuật tăng đàn nhanh, tỷ lệ lợn đẻ nhanh, sử dụng thức ăn chăn nuôi đúng quy trình, giảm chi phí. Bên cạnh đó, ngành sẽ khuyến khích chăn nuôi gia cầm và các ngành chăn nuôi khác như thỏ, dê, cừu… ở lợi thế so sánh từng vùng. Vì chăn nuôi các con này tái đàn nhanh, thời gian ngắn, chỉ một vài tháng là đã cho xuất chuồng. Về lâu dài để có chiến lược phát triển ổn định, bền vững, ngành sẽ lập Quỹ bình ổn giá thịt lợn và xây dựng chính sách hỗ trợ ở địa phương./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên