Thư thính giả, độc giả từ 17-24/4

Tuần qua, nhân dân cả nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài hướng về đất Tổ, tưởng nhớ các Vua Hùng trong ngày Quốc giỗ mồng 10 tháng Ba Âm lịch (23/4/2010).

Độc giả Nguyen Truong Duy (nguyentruongduy91@...) xúc động: Ngày Giỗ Tổ luôn ở trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, thân thuộc đến mức đã đi vào ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba...”. Đây là dịp để cháu con khắp nơi tụ hội về tưởng nhớ công ơn trời biển của các Vua Hùng đã có công dựng nước. Mỗi năm đến ngày giỗ Tổ càng thấy yêu hơn đất nước mình, dân tộc mình”.

Kiệu tế dâng bánh chưng - bánh dày trong ngày giỗ Tổ

Độc giả Phan Lac Dong Quan từ California bày tỏ: "”Các Vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước” - Lời Bác dạy năm nào còn nhớ mãi như lời sông, núi. Ngày lễ tri ân dâng nén hương tỏ lòng nhớ quê, nguyện một lời thề gìn giữ và xây dựng quê hương như lời Bác dạy”.

Theo độc giả có địa chỉ mail indigo@..., trong ngày Giỗ Tổ, nhớ công lao các Vua Hùng và lời căn dặn của Bác năm xưa, mỗi cháu con Việt Nam hãy nên góp sức mình làm những việc có ích cho xã hội, cho dân tộc.

Cần xem lại chất lượng công trình cầu Thanh Trì!

Vụ việc sập nhịp dẫn cầu Thanh Trì gây hoang mang và bức xúc trong dư luận tuần qua. Chúng tôi xin đăng tải trích đoạn email một số bạn đọc gửi về VOVNews:

Độc giả Tran Que (tranthuque@...) viết: “Một chiếc cầu nếu làm đúng như kế hoạch thì sẽ không bao giờ có chuyện sập. Cần phải xem lại chất lượng cầu thi công có đúng như yêu cầu ban đầu đặt ra không?!”

Độc giả Ton Luu (tonluu@...) nêu ý kiến: “Cần phải lưu ý là dầm cầu lật ngang rồi tự động gẫy thành 3 đoạn ở giữa trước khi rớt xuống. Hãy nhìn kỹ cách các cây dầm rớt xuống cả hai đầu. Không phải chỉ có 1 đầu rớt xuống rồi đụng đất gây ra gẫy dầm. Nếu như vậy thì chỉ có 1 đầu sập thôi. Và nếu có sập thêm đầu thứ hai sau đầu thứ nhất thì phải có độ lệch chiều cao của 2 đầu. Hình ảnh cho thấy 2 đầu dầm sau khi sập đều cùng độ cao. Điều này biểu hiện chất lượng dầm quá yếu kém, nguy hiểm, tự động gẫy khi lật ngang.”

Dầm bị sập thuộc đoạn nhịp số 73 của cầu vượt cạn dẫn lên cầu Thanh Trì

Còn độc giả Ha Linh (halinh@...) bày tỏ sự lo lắng: “Nếu 12h đêm sập cầu Thanh Trì bắc qua sông Hồng thì bạn nghĩ sao? Từng đoàn xe rơi xuống sông Hồng…”.

Độc giả Phan Van Giang (phanvangiang_bv8@) nhận xét: “Hiện nay chất lượng các công trình xây dựng có nhiều vấn đề cần xem xét. Một câu trình mới mà như thế thử hỏi các công trình khác như thế nào? Nhịp bên cạnh đã nứt, trước sau cũng sập. Còn các nhịp khác cùng công trình thì sao? Có an toàn không khi thông xe? Trách nhiệm này thuộc về ai?”

Độc giả Nguyen Thuy Tien (nthuytien29@...) viết: “Cầu cạn Pháp Vân là một phần của công trình Quốc Gia mà lại có những người vô ý thức trong khi thi công. Thật xấu hổ, việc làm này khiến cho đất nước đã nghèo lại thêm nghèo. Cá nhân đền bù khoảng 600 triệu đồng liệu có bù được thiệt hại không? Tiền từ túi cá nhân vào nhà nước thì chỉ giải quyết được 1 phần nổi thôi, vì đâu cũng là tiền trong nước cả.”

Bạn Thu Trang (trangvpv@...) nêu ý kiến: “Dầm rộng 65cm mà đổ vì thiếu cây chống (bằng gỗ) thì khó tin!!! Vậy là tiêu mất cả tỷ đồng tiền thuế của dân!

Độc giả Trần Anh (trananh_9x@...) bày tỏ: “Không hiểu nhà thiết kế, giám sát thi công ở đâu? Chất lượng thi công công trình đạt bao nhiêu %? Trách nhiệm này ai sẽ nhận? Và trách nhiệm thực sự của từng con người đến đâu? Nhà quản lý, cơ quan pháp luật có tham gia và có làm đến cùng không rồi sẽ lại chìm xuồng? Tôi rất mong VOVNews tiếp tục cập nhật, thông tin đầy đủ về những diễn biến sau vụ sập cầu này.

Tồn tại bất cập trong tuyển dụng lao động ở Nghệ An, Hà Tĩnh?

Tuần qua, độc giả Son (ks.vison@...) email bày tỏ quan điểm xung quanh việc thực hiện Nghị quyết 30a ở Nghệ An. Trong email bạn viết: Chủ trương của Đảng, Nhà nước hỗ trợ các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo trên cả nước là đúng. Thế nhưng, việc áp dụng các chính sách đó tại các xã vùng sâu, vùng xa vẫn còn gặp nhiều khó khăn và không hiệu quả. Theo bạn Sơn, có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này nhưng có một lí do cần phải giải quyết ngay, là: Hiện nay, còn nhiều xã khó khăn không nhận các sinh viên mới tốt nghiệp vào làm. Thay vào đó, các xã này nhận những cán bộ làm việc theo kiểu "trái chuyên môn - ngồi uống nước...", trong khi cấp lãnh đạo huyện bình thản, thờ ơ với những khó khăn của các xã... Bạn Sơn dẫn chứng cụ thể tại huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) công tác tuyển dụng người có năng lực, chuyên môn làm việc chưa thực sự được coi trọng. Và nếu các huyện, xã khó khăn cứ tiếp tục tình trạng này thì rất lâu mới có thể thoát khỏi cảnh nghèo.

Sinh viên mới ra trường thường khó khăn tìm được việc làm phù hợp

Cùng chung nhận định với bạn Sơn, độc giả Trần Đình Anh (dinhanhhvhk@...) cho biết: “Gia đình tôi ở xã Hương Vĩnh (Hương Khê, Hà Tĩnh) - là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, hiện giờ đang phải gánh nợ mấy chục triệu tiền bố mẹ tôi vay lo ăn học cho anh em tôi. Tôi đã tốt nghiệp Đại học Vinh, xếp loại Khá, thế nhưng từ ngày ra trường đến nay đã hơn 3 năm vẫn không tìm được việc làm. Ước mơ bao năm học đại học, cố gắng phấn đấu vì tương lai nay thật vô vọng. Có người nói sẽ giúp tôi chạy việc làm nhưng phải chi phí 80 triệu đồng tiền chạy việc. Một gia đình nghèo như gia đình tôi, không mấy khi có nổi vài trăm nghìn thì lấy đâu ra 80 triệu đồng để chạy việc (?!). Tôi muốn gửi lời kêu cứu lên các cấp lãnh đạo, các nhà quản lý. Mong muốn của tôi là có được một việc làm phù hợp, xứng đáng với công sức học hành và kỳ vọng của gia đình để tôi có thể trả nợ và đóng góp cho gia đình”.

Thực trạng mà hai bạn Sơn và Trần Đình Anh nêu ra thật đáng quan tâm. Mong rằng chính quyền ở hai huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) và Hương Khê (Hà Tĩnh) sớm có những biện pháp khắc phục; quan tâm, chăm lo, tạo công ăn việc làm cho những đối tượng đã ra trường để các bạn trẻ có thể đóng góp công sức xây dựng quê hương và tạo lập cuộc sống ổn định, vững chắc.

Pháp luật không dung tha cho những kẻ cố ý giết người

Vụ việc một tài xế xe tải cố tình 3 lần cán thiếu nữ đến chết gây bất bình trong dư luận.

Đặng Hữu Anh Tuấn - kẻ gây ra cái chết thương tâm cho cô gái trẻ Nguyễn Thị Hội

Độc giả Tùng Anh (tunganh7779@...) bày tỏ: “Kẻ coi thường tính mạng con người và pháp luật như vậy cần phải có hình phạt thật nặng và thích đáng.”

Các bạn Minh (minhsing@...), Le (antoine3@...), Nguyen Van An (vmt010175@...) cho rằng: Đây là hành vi không thể dung thứ. Cần áp dụng một khung hình phạt cao nhất đối với tài xế cố tình gây ra cái chết thương tâm cho cô gái.

** Trong hàng loạt tin, bài đã phát sóng tuần qua, VOVNews cũng nhận được rất nhiều phản hồi, chia sẻ ý kiến từ độc giả:

Xung quanh loạt phóng sự điều tra Lời thỉnh cầu cay đắng, độc giả Thành Công (vanconglhsk31@...) nêu ý kiến: “Hành vi của công ty Cổ phần cơ khí và Xuất khẩu lao động Thừa Thiên Huế  đã có dấu hiệu của tội phạm quy định trong Bộ luật Hình sự, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả giấy tờ của cơ quan nhà nước. Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ và có chế tài đối với hành vi xem thường pháp luật.”

Bày tỏ sự chia sẻ sau bài Đừng chát nữa, muối ơi!, một độc giả giấu tên ở địa chỉ email abc@... viết: Tôi hy vọng rằng sau bài viết của tác giả Phương Nghi thì Chính phủ có ngay chính sách hỗ trợ bà con diêm dân bằng các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất. Đặc biệt đừng nhập muối về nữa. Tôi xin mượn câu kết "Muối ơi, mặn đủ rồi, xin đừng chát nữa!" để gửi đến bà con diêm dân sự chia sẻ bằng tinh thần. Mong muối đừng chát nữa với bà con diêm dân.”

Diêm dân mặn lòng với từng hạt muối

Độc giả Trần Đình Anh (dinhanhhvhk@...) cho biết: “Quê tôi ở Hương Khê, Hà Tĩnh. Tết Nguyên đán vừa qua nhiều người dân quê tôi mua loại mực chế biến sẵn. Tôi thực sự bất ngờ trước tình trạng mực khô giả bán tràn lan ngoài thị trường như VOVNews đã nêu. Qua VOVNews, chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng tăng cường quản lý, kiên quyết bài trừ các hàng hóa không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng và không đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng”.

Phản hồi bài viết “Hoa hồng” cho bác sĩ và lời thề Hyppocrate, độc giả Tam (haita@...) nêu ý kiến: “Đây là vấn đề mà người dân cả nước quan tâm. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ làm được gì khi có sự bao che từ trên xuống?! Nếu tại Đại học Y dược phát hiện sai phạm, tại sao không sử dụng quy định 428 về xử lý người đứng đầu cơ quan? Hay khi điều tra thì chính các điều tra viên lại được "hoa hồng" từ người vi phạm để rồi kết luận "không cố ý" làm sai?!”

Lý giải vấn đề tại sao đã có nhiều nhà máy thủy điện nhưng Việt Nam luôn ở trong tình trạng thiếu điện, độc giả Phạm Anh Chín (phamanhchin@...) phân tích: Hiện nay, mỗi tỉnh có hàng chục dự án thuỷ điện từ nhỏ, vừa đến lớn. Mỗi dự án được xây dựng thường kéo theo một diện tích lớn rừng bị phá. Thậm chí, không chỉ rừng trong quy hoạch thuỷ điện bị phá mà trên thực tế diện tích rừng bị phá còn nhiều hơn bởi nhiều nguyên nhân! Thực tế cho thấy, xây dựng thuỷ điện nhiều thì lũ lụt và khô hạn càng gia tăng gấp bội. Và đó là nguyên nhân lý giải vì sao chúng ta luôn thiếu nước để mà phát điện.

Dẫn chứng Nhà máy thuỷ điện A Vương mới khánh thành năm 2009 thì năm 2010 không có nước để phát điện, bạn Phạm Anh Chín cho rằng để hạn chế điều này thì Nhà nước cần có cơ quan đầu mối quản lý, giám sát chặt chẽ việc phá rừng để làm thủy điện, tránh tình trạng “mượn cớ” để phá rừng vì những mục đích riêng.

Rừng bị tàn phá là một trong những nguyên nhân gây ra thiếu điện

Bên cạnh đó, độc giá Phạm Anh Chính cũng nêu ý kiến: Hiện nay có nhiều công ty của ta đang khai thác gỗ tại nước bạn Lào, trong khi rừng của Lào ảnh hưởng rất lớn nguồn nước ngầm của ta. Nếu cứ nhắm mắt khai thác để làm giàu như hiện nay mà không nghĩ đến tương lai thì tình trạng thiếu điện sẽ còn là một câu chuyện dài....

Cũng liên quan tới việc bảo vệ rừng, độc giả Vũ Văn Tài (taithachlam2@...) cho biết: Tại xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành (Thanh Hoá) thời gian gần đây xảy ra tình trạng người dân phá rừng nguyên sinh để trồng cây keo.

Qua Hộp thư VOVNews, đề nghị các cơ quan chức năng sớm có biện pháp ngăn chặn tình trạng phá rừng nguyên sinh nói trên.

Xót xa trước tai nạn thương tâm của em bé bị bỏng điện cụt hai tay, bộ phận sinh dục bị bỏng sâu và tổn thương rất nghiêm trọng, một số độc giả hỏi địa chỉ để giúp đỡ bé Đặng Quốc Trường.

Các bạn thân mến! Bé Đặng Quốc Trường hiện đang được điều trị tại Khoa Nhi, tầng 4 khu nhà 4 tầng  - Viện Bỏng quốc gia (Hà Nội). Các bạn có thể trực tiếp tới đó thăm bé. Mọi liên lạc thông qua mẹ của bé là chị Nguyễn Thị Châm, điện thoại: 0949.17.38.68.  Bé Trường hiện đang rất cần được động viên, hỗ trợ để qua khỏi cơn hiểm nghèo và trong tương lai - để phục hồi chức năng vận động và hòa nhập.

** Một số độc giả gửi ý kiến thắc mắc, chúng tôi xin được giải đáp:

Bạn Nguyễn Thị Thanh Tâm (goc_cay_xua1000@..) hỏi thông tin tham gia khóa học tại chức tại Trường Cao đẳng Phát thanh-Truyền hình I (Đài TNVN).

Để biết chi tiết, bạn liên hệ Phòng Đào tạo – Trường cao đẳng phát thanh – Truyền hình I: Số 136, đường Quy Lưu, phường Minh Khai, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Điện thoại: (03513) 829008 – (03513) 850019.

Bạn Nguyễn Thị Hoàng Phương (lost_in_autumn88@...) cho biết bạn đang là sinh viên khoa tiếng Anh năm cuối trường Đại Học Ngoại Ngữ- Đại Học Quốc Gia Hà Nội và có mong muốn trở thành cộng tác viên của Hệ Phát thanh Đối ngoại - VOV5.

Bạn Hoàng Phương thân mến! Đài Tiếng nói Việt Nam luôn khuyến khích phát triển mạng lưới cộng tác viên. Để tham gia cộng tác cho hệ Phát thanh Đối ngoại (VOV5), bạn hãy liên lạc với những người làm chương trình tại địa chỉ: Hệ Phát thanh Đối ngoại, Đài TNVN – 45 Bà Triệu (Hà Nội). Chúc bạn thành công với những dự định của mình!

BTV hệ Phát thanh Đối ngoại dựng chương trình tại phòng thu

Bạn Nguyễn Thị Nguyệt Nga (caycovangthh_872004@...) hỏi: “Tôi rất muốn biết thông tin về việc nghiên cứu sinh tại Nhật Bản, nhưng không biết hỏi ai. Nếu được mong quý Đài giúp đỡ. Tôi xin chân thành cảm ơn”.

Để tìm hiểu thêm các thông tin về nghiên cứu sinh tại Nhật Bản, bạn có thể tham gia vào forum: http://www.nhatban.net/forum/. Tại đây, các lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, bằng những kinh nghiệm thực tiễn của mình, sẽ giúp trả lời các thắc mắc của bạn.

Bạn Phan Tanh Hai (cau_ut_yeu_hat_de@...) email: “Cháu năm nay 15 tuổi và mong ước trở thành một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Xin hỏi làm thế nào để cháu có thể gia nhập đội tuyển Việt Nam?”

Bạn Phan Tanh Hai thân mến! Để trở thành một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, ngoài sức khỏe, khả năng chơi bóng còn đòi hỏi bạn phải tham gia tập luyện thường xuyên trong điều kiện rất khắt khe. Các cầu thủ được VFF gọi vào đội tuyển thường là những cầu thủ có quá trình tập luyện, thi đấu lâu dài tại các cấp câu lạc bộ và có thành tích tốt trong sự nghiệp thi đấu. Vậy nên, hãy bắt đầu bằng cách tham gia vào các câu lạc bộ ở địa phương, bạn sẽ có cơ hội tham gia chơi bóng ở những sâu chơi chuyên nghiệp lớn hơn. Chúc bạn sớm đạt được ước mơ của mình!

Độc giả Lạc Quân (lacquan92@) gửi email: “Cảm ơn VOV đã cung cấp cho tôi thông tin về bài hát "Trên đường hạnh phúc" của Văn An. Tôi đã thử tìm trên Google để nghe lại bài hát này nhưng không thế. Nhờ VOV cho tôi nghe lại nhé. Xin chân thành cảm ơn.”

Đáp ứng yêu cầu của bạn, tuần qua biên tập viên chúng tôi đã phát sóng bài hát “Trên đường hạnh phúc” của Văn An tại trang Media của VOVNews. Bạn có thể nghe trực tiếp hoặc tải bài hát tại đây.

** Tuần qua, VOVNews cũng nhận được rất nhiều thư động viên, khen ngợi của thính giả, độc giả.

Độc giả Tran Thi Kim Anh cho rằng tác phẩm Cần nhận rõ cuộc đấu tranh giai cấp của GS.TS Vũ Văn Hiền cần được chuyển thể thành phim bởi những giá trị sâu sắc mà bài viết mang lại.

Nghề làm lồng chim ở Làng Vác

Sau khi xem phóng sự ảnh Ai về làng Vác…, bạn Mai Khang (khangmv190@...) viết: “Cám ơn phóng viên Lê Bích. Tôi cũng là người con đất Canh Hoạch. Tôi rất vui khi có những bài viết làng quê của mình. Làng còn có hội vào ngày 11/3-13/3 Âm lịch. Nếu có thời gian, xin mời anh/chị xuống đất Vác chơi. Bà con làng Vác rất hân hoan chào đón anh/chị. Chúc anh/chị và gia đinh có nhiều sức khoẻ!

Một số độc giả gửi câu hỏi tham gia buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: Tiếp bước truyền thống bộ đội Tăng Thiết giáp anh hùng.

Buổi giao lưu, do VOVNews thực hiện, sẽ bắt đầu vào lúc 14 giờ ngày 26/4/2010 với hai vị khách mời là Đại tá Hoàng Trung Kiên, Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết giáp (người đã trực tiếp tham gia những trận đánh hào hùng của lực lượng Tăng Thiết giáp) và Đại tá Bùi Quang Thắng, Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Tăng thiết giáp. Chúng tôi đã lưu lại toàn bộ câu hỏi của các bạn để chuyển tới hai vị khách mời. Các bạn có thể tiếp tục đặt câu hỏi tại đây, và nhớ bật máy tham gia buổi giao lưu trực tuyến cùng chúng tôi vào lúc 14 giờ ngày 26/4/2010.

Trong tuần, chúng tôi còn nhận được thư góp ý và tin bài cộng tác của các bạn: Pham Hoang Gia (hoanggia.pham@...), Trần Văn Lợi (tranloi76@...), Phuc (robonphuc@...), Thái Minh (thuy994@...), Dao Thanh Son (daothanhson1952@...), Nguyễn Ngọc Huy (huyomega@...), Lan Tran (princess.lan12@...), Tam Vu Van (tamvuvan@...), Đình Thuần (dlmhuy@...), Mai Trang (maitrang@...), Mai Hoàng (cogia_damme_tien@...), Nguyễn Tuấn Anh (tahavi@...), Le Ba Thong (bathongqt94@...), Quang Minh (minhquang63@...), Bui Minh (hatokumei_382@...), Phạm Nguyễn Thanh Tuấn Kiệt (tuankiet0509@...), Bá Đình Tấn (badinhtan@...), Hung Son (son@...)...

Xin chân thành cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị và các bạn!

Chúc các bạn và gia đình sức khỏe, hạnh phúc!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên