Thư thính giả, độc giả từ 14/2 - 21/2

Lễ hội Xuân hồng không những là một sân chơi có ý nghĩa mà còn là nơi lý tưởng để mọi người thể hiện tình yêu của mình đối với đồng loại...

Đây là lời tâm sự của bạn Cao Thi Trang ở địa chỉ (caotrang_th@…) gửi đến VOVNEWS trong tuần qua. Theo bạn Trang, chúng ta nên khích lệ những chương trình như thế này.

Bạn Trang thân mến,

Chúng tôi đồng ý với ý kiến của bạn. Hy vọng rằng lễ hội này sẽ được nhân rộng và tổ chức nhiều hơn. Lễ hội xuân hồng - Khởi nguồn bởi tình yêu” là thông điệp của Ngày hội Hiến máu nhân đạo do Viện Huyết học truyền máu Trung ương phối hợp với Hội Thanh niên Tình nguyện vận động hiến máu nhân đạo thành phố Hà Nội tổ chức đúng vào ngày Lễ tình nhân, 14/2. Đây là lần thứ hai Lễ hội Xuân hồng diễn ra tại Hà Nội, và năm nay, Lễ hội lập hai kỷ lục Việt Nam về số đơn vị máu thu gom được tại một điểm hiến máu trong một ngày và số ý tưởng sáng tạo về hiến máu nhân đạo.

Bạn Thuỳ Linh ở (linhthuy216@…) viết: Đọc xong bài viết Phố cổ Hà Nội trong lòng người nước ngoài  mình thực sự xúc động.  Hà Nội hay Phố cổ dưới con mắt của người nước ngoài thật đẹp vậy tại sao chúng ta những người Việt Nam lại quên mất hay bỏ qua những nét đẹp bình dị ấy. Nào, hít thở thật sâu, đi dạo một vòng quanh Hồ Hoàn Kiếm và tự hào ta là người Việt Nam.

Bạn Linh thân mến,

Đúng như bạn nói, Hà Nội của chúng ta thật sự đẹp và yên bình, rất xứng đáng là thành phố vì hoà bình. Ngày ngày càng thu hút nhiều du khách muốn đến Hà Nội tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của nó. Vì thế, bản thân chúng ta phải biết giữ gìn và quý trọng để Hà Nội mãi mãi là thủ đô- trái tim của cả nước. Chúng ta thật tự hào đến 2010, Hà Nội của chúng ta sẽ kỷ niệm 1000 năm tuổi.

Bạn Trần Tố Mai ở địa chỉ (Natasha_xjnh_92@…) hỏi: Hiện tại bạn là học sinh lớp 12 và đang chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và Đại học, Cao đẳng. Bạn viết: “Nếu năm nay bạn thi trượt Đại học thì kỳ thi đại học tới tôi có phải thi lại 8 môn của kỳ thi THPT Quốc gia không? Và liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo có tổ chức thi riêng dành cho học sinh lớp 13 không?” Xin chân thành cảm ơn.

Bạn Mai thân mến,

VOVNEWS xin trả lời rằng, nếu bạn thi và tốt nghiệp THPT thì khi thi Đại học, Cao đẳng bạn chỉ cần thi 3 môn bắt buộc tuy theo khối theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong trường hợp bạn thi trượt tốt nghiệp thì năm tiếp theo bạn sẽ phải thi lại những môn thi trượt theo quy định của Bộ.

Bây giờ điều duy nhất là bạn cố gắng tập trung tinh thần và thể lực để chuẩn bị cho các kỳ thi sắp tới. Bạn luôn luôn nghĩ rằng mình sẽ thành công và đạt điểm cao trong các kỳ thi tới nhé. Chúc bạn thành công.

Bạn Tuyết Phương ở địa chỉ jmycle@… hỏi về cách nhận biết tiền thật, tiền giả?

Bạn Tuyết Phương thân mến, Tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành, cũng như tiền giấy của nhiều quốc gia khác trên thế giới, được sản xuất bằng loại giấy đặc biệt và áp dụng công nghệ in tiền hiện đại nên có khả năng chống giả cao.

Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ luật hình sự của Việt Nam nghiêm cấm, cũng như có khung hình phạt rất nặng về các hành vi sản xuất, vận chuyển, tàng trữ và lưu hành tiền giả. Tuy nhiên, bọn tội phạm vẫn luôn lén lút thực hiện các hành vi nêu trên với nhiều thủ đoạn khác nhau, làm phương hại đối với người dân và xã hội.

Cách nhận biết như sau: Tiền giả có màu sắc nhạt hoặc đậm hơn, hình ảnh, họa tiết không sắc nét, tinh tế như tiền thật... Hầu hết các loại tiền giả hiện nay, người tiêu dùng đều có thể kiểm tra, nhận biết bằng tay và mắt.

Để phòng ngừa rủi ro, người tiêu dùng cần có thói quen kiểm tra, quan sát cẩn thận đồng tiền khi giao dịch và nắm vững các yếu tố bảo an cơ bản trên đồng tiền mà Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn, trong đó lưu ý một số yếu tố sau: Đưa tờ tiền lên trước nguồn sáng để kiểm tra hình bóng chìm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở tiền thật sẽ nhìn thấy trên cả 2 mặt tờ tiền hình chân dung tinh xảo, sắc nét; khu vực có hình chân dung sáng hơn nền xung quanh.

Ở tiền giả: Không có hình bóng chìm hoặc chỉ là hình mô phỏng thô sơ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dùng tay vuốt nhẹ lên tờ tiền để kiểm tra các chi tiết in nổi (dòng chữ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Quốc huy, hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, chữ và số mệnh giá...), ở tiền thật sẽ có cảm giác nhám, ráp khi vuốt lên các chi tiết này. Ở tiền giả: Chỉ có cảm giác trơn lì, không nhám, ráp như tiền thật.

Chao nghiêng tờ tiền để kiểm tra yếu tố mực đổi màu (OVI) trên mặt trước tờ tiền, ở tiền thật yếu tố OVI có hiệu ứng đổi màu từ vàng sang xanh lá cây. Ở tiền giả: OVI không có hiệu ứng đổi màu như tiền thật.

Quan sát các cửa sổ trong suốt trên tờ tiền: kiểm tra hình dập nổi trên cửa sổ lớn (ở tiền thật, hình dập nổi là cụm số mệnh giá được dập nổi tinh xảo); kiểm tra hình ẩn (DOE) trong cửa sổ nhỏ bằng cách đưa cửa sổ tới gần mắt, nhìn xuyên qua cửa sổ và hướng vào nguồn ánh sáng đỏ (bóng đèn sợi đốt, ngọn lửa ...) sẽ thấy hình ẩn hiện lên xung quanh nguồn sáng.

Ở tiền giả: Không có cụm số mệnh giá dập nổi trên cửa sổ lớn hoặc chỉ là các nét thô, không tạo thành hình các con số tinh xảo như tiền thật; trong cửa sổ nhỏ không có hình ẩn…

Hy vọng qua một số thông tin trên, bạn có thể dễ dàng nhận biết hơn được đâu là tiền thật, đâu là tiền giả nhé. Chúc bạn thành công.

Bạn Hoàng Chiến Thắng (hoangvunguyenphuong@…) viết: “Tôi có truyện ngắn Sương mù Lũng Noong phát ở trương trình Đọc truyện đêm khuya vào dịp giáp Tết âm lịch. Giờ tôi rất muốn có bản lưu file âm thanh để làm kỷ niệm. Rất mong quý đài giúp đỡ.

Ngoài ra, tôi cũng muốn gửi tác phẩm cộng tác với VOVNEWS. Tôi đã gửi tác phẩm vào hộp thư: vovnews@hn.vnn.vn mà không được. Vậy tôi có thể gửi cho VOVNEWS vào hộp thư nào. Xin chân thành cảm ơn!.

Bạn Chiến Thắng thân mến, Bạn có thể liên lạc trực tiếp với Biên tập viên Đức Phú, phòng Văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam để in lại tác phẩm Sương mù Lũng Noong. Điện thoại: 38256517.

Để gửi tác phẩm cộng với chúng tôi, bạn vẫn gửi theo địa chỉ hộp thư: vovnews@hn.vnn.vn. Hoặc bạn có thể fax theo số: 04 39344230. Xin chân thành cảm ơn và mong bạn sẽ là cộng tác viên thân thiết của chúng tôi.

Bạn Le Huong ở địa chỉ lehuong87@gmail… hỏi: Bạn rất muốn cộng tác với chương trình CLB người cao tuổi của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bạn muốn xin địa chỉ, email để tiện liên hệ.

Bạn Le Huong thân mến,

Bạn có thể gửi bài cộng tác đến chương trình CLB người cao tuổi theo địa chỉ: 41-43 Bà Triệu, Hà Nội. Điện thoại 38253639.

Bạn Thanh (thanhktpcb@…) hỏi: “Cháu nhà tôi hay có biểu hiện thích trèo cao như: lên xe máy, bàn, ghế... và khi lên rồi cháu lại sợ và khóc. Ngoài ra cháu rất hay ném các đồ vật trong tay cháu cầm mỗi khi cáu hoặc ai đó muốn lấy. Cháu nói lắp và gần như không có phản xạ khi bị mắng. Tôi rất lo xin được tư vấn của bác sỹ”.

Bạn Hải Nam (phuong_lbt@…) hỏi: “Tôi có con trai nay đã 3,5 tuổi, khi 18 tháng cháu nói được vài từ đơn, đến 2,5 tuổi nói được trên 20 từ. Tôi thật sự lo lắng và đã cho cháu đi khám nhiều nơi. Bác sĩ nói cháu chậm nói còn một số người khác thì bảo con nhà tôi bị tự kỷ mức độ nặng (các lần khám chỉ trong vòng 1 tháng). Tôi rất lo lắng và cho cháu đến học nói tại Bệnh viện nhi Trung ương được khoảng 5 buổi, mỗi buổi 15 phút vì cháu ốm quá.

Sau đó, tôi cũng bắt chước các cô, tự dạy cháu ở nhà. Đến nay cháu đã biết yêu cầu những gì cháu muốn, thuộc khoảng 20 bài hát, thuộc tất cả các số từ 0 đến cả những số trên 100, tất cả các chữ cái, biết 8 màu sắc và gần như là tất cả các loại hình, biết ghép hình có tới 9 miếng ghép khi được 3 tuổi. Nhưng tôi vẫn thấy chưa an tâm vì cháu vẫn chưa biết hỏi chuyện, nói câu dài đối với cháu là khó khăn, câu dài nhất là 7 từ nhưng hơi chậm, trông cháu nhanh nhẹn, vui vẻ, cười tươi mà thể hiện cả bằng mắt nữa.

Đôi lúc tôi nghĩ có lẽ cháu cũng bị tự kỷ, nhưng nghĩ lại thì thấy cháu rất thích đi học và rất thích chơi đồ chơi mới. Vậy xin được sự chỉ dẫn của các chuyên gia và tôi phải dạy cháu như thế nào để có được kết quả tốt hơn. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Bạn Thanh và Hải Nam thân mến,

câu hỏi của các bạn chúng tôi đã chuyển tới chuyên gia tư vấn để được giải đáp. Chúng tôi sẽ trả lời bằng thư riêng cho các bạn. Các bạn cố gắng chờ nhé.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng  cung cấp cho các bạn một số thông tin liên quan đến bệnh tự kỷ:

Chứng tự kỷ (còn gọi là tự bế, tự tỏa) được nhà tâm thần học nổi tiếng Kanner mô tả lần đầu tiên vào năm 1943. Trung bình cứ 100.000 trẻ em thì có 1 trẻ mắc bệnh này. Tỷ lệ mắc ở bé trai cao gấp 3-4 lần bé gái. Có thể chẩn đoán bệnh trong những tuần đầu sau sinh. Tuy nhiên, các dấu hiệu tự kỷ thường bộc lộ nhiều ở những tháng cuối của năm đầu tiên, rõ rệt hơn ở năm thứ 2-3.

Ít biểu lộ cảm xúc

Những trẻ tự kỷ rất “ngoan” và cực kỳ dễ tính, cha mẹ đặt đâu thì ngồi yên đó. Trẻ thờ ơ với chung quanh và mọi việc, không sợ hãi khi người lạ ẵm bồng (thường thì ở tháng 7-8, trẻ đã biết lạ, khóc khi tiếp xúc với người không thân quen). Đặc biệt, trẻ không có một phản ứng nào khi cha mẹ bỏ đi; không có thái độ vồn vã, vui mừng (như quay đầu, đưa tay đòi bế, cười) khi gặp người thân quen…

Khi được bồng bế, cơ thể bé như đờ ra, không có trương lực hoặc gồng cứng thái quá mà mặt không hề biểu lộ cảm xúc nào. Cũng có thể trẻ từ chối mọi sự tiếp xúc cơ thể như ẵm bồng, nựng nịu, vỗ về mà ngồi một chỗ, có khi chui vào góc kẹt, chỗ tối, mắt nhìn một chỗ, trống rỗng, vô hồn…

Hành vi kỳ lạ

Khi lớn hơn, những trẻ này có khuynh hướng sử dụng đồ vật một cách nghèo nàn, đơn điệu. Bé có thể thích những đồ vật kỳ dị, hoặc lặp đi lặp lại mãi một việc gì đó (như xếp những mẩu gỗ, que củi rồi đạp đổ và xếp lại...). Có khi, bé xem người khác như đồ vật để chơi, hoặc mê mải cắn móng tay, nhai cổ áo, xé nhỏ giấy báo và các loại khác có thể xé được… Bé thường khó, thậm chí không chịu tiếp xúc với trẻ cùng trang lứa, hoặc có những hành vi kỳ dị, khác thường, phản ứng mãnh liệt thái quá, làm trẻ khác lo hãi.

Những trẻ tự kỷ có khuynh hướng định hình - định tính mọi việc có liên quan đến mình. Có thể đây là nhu cầu tối cần thiết nhằm duy trì một trật tự, một môi trường chung quanh y hệt như cũ để tự thỏa mãn và có cảm giác an toàn. Vì vậy, trẻ có thể phản ứng mãnh liệt nếu ai đó lấy đi một món đồ chơi kỳ dị, cái gối cũ, một cái áo sờn rách… của nó. Sự thay đổi kiểu tóc, quần áo của người trực tiếp chăm sóc cũng có thể gây ra phản ứng như trên.

Ở những trẻ này, thường xuất hiện những động tác được thực hiện lặp đi lặp lại thành nhịp (gật đầu liên tục, đập cằm xuống bàn, lắc lư thân mình, vặn xoắn tay chân, nhấp nháy mắt) và các hành vi bất thường (đánh hơi đồ ăn thức uống, đồ vật trước khi ăn hay tiếp xúc). Có khi trẻ cười sằng sặc kéo dài, hoặc khóc lóc không dừng được (xen lẫn những giai đoạn mệt lả hay kích động hành vi). Ngoài ra, trẻ cũng hay cười ngây ngô vô cớ, vùng chạy bất chợt, hành vi kỳ quặc, dị hợm, gây hấn với người thân.

Chưa tìm ra nguyên nhân chính

Cho đến nay, người ta vẫn chưa rõ những nguyên nhân chính nào gây ra bệnh lý này. Một số người cho rằng bệnh không phụ thuộc vào tầng lớp kinh tế - xã hội cũng như các yếu tố rối loạn tâm lý đặc biệt của cha mẹ. Ý kiến khác lại cho rằng vấn đề dinh dưỡng, sang chấn tâm lý kéo dài trong quá trình mang thai của mẹ và sang chấn sản khoa có thể là yếu tố thuận lợi thúc đẩy bệnh phát sinh.

Cha mẹ cần chú ý để phát hiện càng sớm càng tốt các dấu hiệu tự kỷ ở trẻ để đưa đi khám toàn diện, tỉ mỉ (nhất là về thần kinh) nhằm phát hiện những nguyên nhân gây bệnh, từ đó có định hướng chăm sóc, điều trị thích hợp. Việc điều trị cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các nhà tâm lý học, tâm thần nhi và các trường chuyên dạy những trẻ này.

Bạn Thanh Tân ở địa chỉ (sorry_because_iloveyou35@…) hỏi: Bạn đã trót quan hệ với một người con gái và rất sợ bị nhiễm HIV. Hiện giờ bạn rất băn khoan là liệu người con gái ấy có bị HIV không? Rất mong các anh chị có lời khuyên.

Bạn Tân thân mến, Bạn hỏi thế chúng tôi cũng khó xác định để đưa ra câu trả lời chính xác cho bạn. Chúng tôi đã chuyển câu hỏi của bạn tới các chuyên gia tư vấn của Chương trình cửa sổ tình yêu. Chúng tôi sẽ hồi âm cho bạn bằng thư riêng hoặc bạn có thể liên hệ trực tiếp với các chuyên gia tư vấn theo số điện thoại: 38262625 để có được câu trả lời nhanh nhất.

Tuy nhiên, lời khuyên hữu hiệu nhất không chỉ riêng bạn mà đối với các bạn trẻ, cách phòng chống các bệnh lây nhiễm như HIV, bệnh xã hội khác, chúng ta nên có chế độ sinh hoạt an toàn, điều độ và dùng bao ca su trong mọi trường hợp. Chúc các bạn mạnh khoẻ và thành công trong cuộc sống.

Trong tuần, chúng tôi đã nhận được thư góp ý, tin, bài và ảnh cộng tác với VOVNews. Rất cảm ơn và mong các bạn tiếp tục gửi bài cho chúng tôi. Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ và hạnh phúc!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên