Khi các chuyên gia kinh tế trổ tài dự đoán EURO

Quá buồn tẻ với cuộc khủng hoảng nợ kéo dài của khu vực đồng euro, các nhà kinh tế học ở Đức quay sang công việc có phần thú vị hơn nhiều là sử dụng những kỹ năng phân tích của mình để dự đoán EURO 2012

Dùng một loạt những công thức, mô hình phân tích vốn dùng giải đáp các vấn đề phức tạp của... thị trường chứng khoán hay hoán đổi nợ, hầu hết các nhà phân tích đều rút ra kết luận cũng chẳng khác mấy so với giới mộ điệu: đó là cơ hội lớn cho những ứng cử viên hàng đầu Tây Ban Nha, Hà Lan hoặc Đức. Ngoài ra, tin vui cho những ai đang lo lắng cho khu vực đồng euro là khả năng một trong số 17 quốc gia khu vực này giơ cao chiếc cúp là rất lớn. Các nhà kinh tế học ở DekaBank tính toán rằng cơ hội đó lên đến 86%!

EURO 2012 đang rất "nóng" tại Ba Lan và Ukraine (Ảnh: Trần Quốc Quân).

Phân tích kết quả của 4 kỳ EURO gần đây, đưa dữ liệu đó vào một công thức toán học phức tạp, các nhà kinh tế học nhận định như đinh đóng cột: “Cùng với Tây Ban Nha và Hà Lan, Đức là một ứng cử viên sáng giá”. Nhóm phân tích của ABN Amro thực hiện nghiên cứu mang tên “Soccernomics” này khẳng định công trình của họ khá nghiêm túc khi bình luận: “Xét cho cùng, bóng đá là điều quan trọng nhất trong số những điều không quan trọng! Chúng ta cần chút vui vẻ những ngày này khi châu Âu, nhất là khu vực eurozone, đã chìm nghỉm trong khủng hoảng suốt 2 năm qua”. Theo những tính toán miệt mài dựa trên các thông số xếp hạng, ABN Amro cho rằng Đức sẽ vô địch năm nay. Tuy nhiên, nếu vì cả eurozone, ABN Amro nhận xét viễn cảnh tốt nhất là một chiến thắng cho Pháp để nâng đỡ niềm tin tại một trong những quốc gia chủ lực eurozone đang chao đảo kinh tế này.

Trong khi đó, các nhà kinh tế tại UniCredit lại vận dụng các dữ liệu kinh tế vĩ mô, những mô hình toán học rắc rối cùng... tổng giá trị chuyển nhượng mỗi đội theo giá thị trường. Kết luận của nhóm này là vòng bán kết EURO 2012 sẽ vô cùng kinh điển giữa các cặp đầu đầy duyên nợ lịch sử là Bồ Đào Nha (tổng giá trị 338 triệu euro) gặp Tây Ban Nha (658 triệu euro) và Đức (459 triệu euro) đụng độ Anh (392 triệu euro)!

Nhóm phân tích tại viện DIW ở Đức còn cầu kỳ hơn. Họ tổng hợp giá trị thị trường của 382 CLB từ 25 giải vô địch châu Âu, so sánh chéo giá trị cầu thủ với thành tích cuối mùa. Mô hình này chỉ ra Tây Ban Nha vô địch, song họ cũng cho rằng Đức có cơ hội không nhỏ. Tính toán quy mô như thế song nhóm DIW lại kết luận: “Trong một công thức thi đấu như EURO với các bảng và vòng knock-out, may mắn đóng một vai trò lớn!”.

Theo các chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi "Phải chăng các đội bóng đến từ các nền kinh tế đang khốn đốn sẽ có tinh thần quyết thắng cao hơn?"

Một đúc kết thú vị từ nhóm chuyên gia ABN Amro là 4 giải quốc tế lớn gần đây, vinh quang luôn thuộc về những nước phải vật lộn với nỗi đau kinh tế. Hy Lạp vô địch EURO 2004, Italia giành World Cup 2006, Tây Ban Nha chinh phục EURO 2008 và World Cup 2010. Các nhà phân tích đặt ra một câu hỏi hết sức thời sự: “Phải chăng, cầu thủ từ các nền kinh tế đang khốn khó có một tinh thần quyết thắng cao hơn còn cầu thủ từ những nước thịnh vượng lại lười nhác hơn, kém động lực hơn?”.

Nhóm chuyên gia kinh tế của DekaBank đúc rút: “EURO 2012 là chút an ủi trong thời buổi kinh tế khó khăn này. Khi khu vực eurozone khủng hoảng như vậy, EURO 2012 giúp tất cả có vài tuần tạm quên những lo âu, đưa các quốc gia châu Âu lại gần nhau hơn”. Còn về dự đoán, các nhà phân tích này thừa nhận họ có lẽ còn kém xa... “siêu bạch tuộc Paul”, chú bạch tuộc tiên tri đã phán đúng 100% toàn bộ 7 trận của Đức ở World Cup 2010 cộng thêm cả trận chung kết. Nhóm UniCredit hài hước: “Không còn bạch tuộc thần kỳ nữa, có lẽ nên tin vào các chuyên gia bóng đá hơn là các chuyên gia kinh tế”!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên