Mỹ không mở căn cứ quân sự thường trực mới tại châu Á

Thay vì thành lập các căn cứ thường trực mới, Mỹ có kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương thông qua các liên minh.

Đây là tuyên bố tối 31/5 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta khi ông lên đường đến Singapore dự Đối thoại Shangri-La - một diễn đàn an ninh thường niên của giới chức quốc phòng cấp cao đến từ các nước châu Á-Thái Bình Dương.

Người đứng đầu Lầu Năm Góc khẳng định chiến lược mới của Mỹ đặt trọng tâm vào châu Á sẽ đưa thêm binh sỹ đến khu vực này trong thập kỷ tới và các vũ khí công nghệ cao được thiết kế để phát huy sức mạnh Mỹ.

Những lính thủy đánh bộ Mỹ đầu tiên đặt chân tới Australia ngày 3/4. (Ảnh: AFP)
Tuy nhiên, kế hoạch mở rộng sự hiện diện quân sự Mỹ tại Đông Nam Á và bên ngoài khu vực này sẽ được tiến hành với sự điều phối với các đồng minh và đối tác mà không có việc xây dựng các tiền đồn thường trực mới.

Bộ trưởng Panetta nêu rõ chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang triển khai một chiến lược rất mới tại châu Á-Thái Bình Dương, theo đó thay vì thành lập các căn cứ lớn, các lực lượng quân sự Mỹ, bao gồm các tàu chiến hải quân, máy bay và binh sỹ, sẽ triển khai thực hiện các nhiệm vụ tạm thời để phục vụ các cuộc tập trận, huấn luyện và tác chiến chung, với việc các nước đối tác cho phép tiếp cận bến cảng, sân bay và các cơ sở khác.

Với việc Washington đang đối mặt với sức ép về ngân sách, cách tiếp cận mới trên sẽ ít tốn kém hơn so với việc thành lập các căn cứ thường trực, đồng thời ít tạo ra sự phản đối về chính trị ở các nước đối tác. Bộ trưởng Panetta viện dẫn việc triển khai theo kế hoạch 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ ở miền Bắc Australia theo một thỏa thuận mới như một ví dụ cho cách tiếp cận này.

Đây là lần thứ hai trong 3 ngày qua, trong các phát biểu của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đề cập tới chính sách tăng cường hợp tác quân sự quốc phòng mới của Washington với khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Trước đó, ngày 29/3, phát biểu với các quân nhân vừa tốt nghiệp tại Học viện Hải quân Mỹ, ông Panetta đã khẳng định xây dựng lực lượng Hải quân Mỹ hùng mạnh tại khu vực này sẽ là trọng tâm chính mà các sỹ quan hải quân Mỹ thế hệ mới cần phải hướng đến.

Lãnh đạo Lầu Năm Góc nhấn mạnh nhiệm vụ của họ là tập trung củng cố và tăng cờng mối quan hệ quốc phòng với Trung Quốc, đổi mới và phát triển mối quan hệ vững mạnh với các đồng minh truyền thống Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như xây dựng quan hệ đối tác mới với các nước trong khu vực. Theo ông, việc nỗ lực xây dựng và củng cố sức mạnh của Mỹ trên khắp khu vực Thái Bình Dương là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thế hệ sỹ quan mới.

Trong thời gian gần đây, Mỹ liên tiếp có những động thái được giới phân tích quốc tế nhận định là nhằm tăng cường sự hiện diện của mình tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, như việc điều 200 binh sỹ đầu tiên thuộc lữ đoàn lính thủy đánh bộ số 3 của Mỹ tới căn cứ quân sự thành phố Darwin (Australia) và tuyên bố cử các tàu chiến tới Singapore để tiến hành tập trận chung nhằm thúc đẩy quan hệ quân sự song phương.

Mới đây nhất, 4.500 binh sỹ Mỹ đã được triển khai luân phiên tới Philippines để tiến hành cuộc tập trận chung thường niên từ ngày 16 đến ngày 27/4 vừa qua./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên