Nhiều ý kiến trái chiều về quy chế tạm trữ lúa gạo

Chiều 7/8, Bộ NN&PTNT phối hợp với tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị lấy ý kiến xây dựng qui chế tạm trữ lúa gạo theo hướng phân bổ chỉ tiêu qua UBND tỉnh, bảo đảm hỗ trợ trực tiếp cho người trồng lúa.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, nhiều năm nay khi lượng lúa gạo hàng hoá tại các tỉnh ĐBSCL tăng cao vào các tháng thu hoạch cao điểm làm cho giá lúa gạo giảm ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng lúa.

Trên cơ sở đề nghị của các Bộ, ban ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao cho Hiệp hội lương thực Việt Nam thu mua tạm trữ từ 500.000 tấn đến 1 triệu tấn lúa gạo.

Trong quá trình thực hiện mua tạm trự lúa gạo đã bộc lộ hạn chế khi không kiểm soát được việc mua bán lúa gạo của doanh nghiệp. Doanh nghiệp hầu như không mua lúa gạo trực tiếp từ nông dân trồng lúa mà chủ yếu mua qua thương lái, vì vậy người nông dân không được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách thu mua tạm trữ của Nhà nước và đa số nông dân vẫn phải bán lúa với giá thấp. Do đó cần thiết phải có qui chế tạm trữ lúa gạo theo hướng phân bổ chỉ tiêu qua UBND tỉnh, bảo đảm hỗ trợ trực tiếp cho người trồng lúa.

Việc thu mua lúa gạo trực tiếp ẽ tạo thuận lợi cho nông dân

Quy chế hỗ trợ tạm trữ lúa gạo này đề xuất các hình thức tạm trữ: Hộ nông dân tạm trữ tại nhà, tổ hợp tác, HTX; hộ nông dân tạm trữ lúa tại kho doanh nghiệp có cánh đồng mẫu lớn hoặc các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo được VFA; doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo có hợp đồng mua lúa, gạo trực tiếp với nông dân thông qua hợp đồng ký với hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc chính quyền địa phương. Cơ chế hỗ trợ tài chính: hỗ trợ 100% lãi suất vay ngân hàng cho hộ nông dân, doanh nghiệp tạm trữ lúa gạo trong thời gian tối đa 3 tháng.

Về quy chế tạm trữ lúa gạo hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, đa số đại diện các địa phương đều thống nhất chỉ nên hỗ trợ tạm trữ lúa, không hỗ trợ tạm trữ gạo. Các địa biểu đều rất đồng tình với việc ra một quy chế chung thống nhất để đảm bảo người nông dân được hỗ trợ trực tiếp.

Về quy mô theo quy chế dự thảo hỗ trợ cho số lượng tạm trữ thấp nhất 5 tấn lúa/hộ. Đa số đều cho rằng số lượng này nhỏ lẻ mà nên nâng lên từ 10 – 20 tấn/hộ.

Tạo sự bình đẳng giữa nông dân và doanh nghiệp

Ông Lâm Hoàng Sa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng:  Việc hỗ trợ cho nông dân xây kho tạm trữ lúa đã tạo ra sân chơi bình đẳng hơn giữa doanh nghiệp và người nông dân. Doanh nghiệp không thể ép giá đối với người nông dân như trong thời gian qua.

Trước mắt sẽ hỗ trợ hộ nông dân nhưng nên tăng số lượng tạm trữ đối  với từng nông hộ từ 10 – 20 tấn/hộ nhưng về lâu dài nên định hướng đến phương án HTX, tổ hợp tác tạm trữ.

Riêng chỉ tiêu phân bổ tạm trữ, các đại biểu cho biết, thời gian qua chưa có sự công bằng trong việc phân bổ chỉ tiêu tạm trữ. Những địa phương có diện tích, sản lượng nhiều nhưng chỉ tiêu được phân bổ rất thấp và ngược lại. Vì vậy để tránh tình trạng này, nhiều đại biểu yêu cầu nên phân bổ ngay từ đầu vụ và phân theo tổng sản lượng của từng địa phương. Như vậy sẽ kịp thời và sát với thực tế ở địa phương hơn. Các địa phương sẽ thực hiện dễ dàng và chủ động hơn.

Thêm vào đó, hầu như các tỉnh đều thống nhất cho rằng về thời điểm tạm trữ nên nên xác định đây là tạm trữ định kỳ hằng năm và địa phương sẽ chủ động hoàn toàn về mặt thời gian, như vậy mới giải quyết kịp thời vấn đề thị trường, thu mua, tạm trữ cho người dân. 

Vì thực tế lịch xuống giống ở các địa phương không giống nhau, nếu quy định cứng thời gian tạm trữ cho tất cả các địa phương như trong thời gian qua là không phù hợp.

Băn khoăn

Chủ trương chính sách của Chính phủ đối với người nông dân vẫn là phải làm sao để người nông dân có lãi 30%, tuy nhiên, theo ông Lâm Hoàng Sa thì trong tính giá thành vẫn chưa thống nhất. Mỗi nơi tính một khác và trong cách tính vẫn chưa tính đủ.

Ông Sa đề nghị nên có công thức tính giá thành sản xuất lúa cho đủ, trong đó bao gồm cả công sức nông dân bỏ ra. Thêm vào đó, những người nông dân có diện tích nhỏ sẽ gặp khó khăn nhiều hơn vì “Hiện nay đất lúa không được chuyển mục đích, buộc nông dân phải sản xuất lúa, trong khi đó giá lúa không đảm bảo, khống chế lãi 30% gây khó khăn cho người trồng lúa”.

Có đại biểu đề nghị nên xây dựng quỹ hỗ trợ giá lúa trên cơ sở đóng góp từ ngân sách của Nhà nước và khoản từ điều tiết trong kinh doanh lương thực của các doanh nghiệp. Khi thị trường thế giới ảnh hưởng đến lãi suất đảm bảo 30% thì Chính phủ sẽ xuất quỹ này để hỗ trợ.

Đại diện tỉnh Đồng Tháp băn khoăn, khi thực hiện quy chế hỗ trợ tạm trữ sẽ không khéo lại tạo thêm thủ tục hành chính rườm rà khi quy định phải có xác nhận của địa phương khi người dân và doanh nghiệp thực hiện tạm trữ. Nên nghiên cứu để tinh giảm thủ tục sao cho gọn, thuận tiện.

Với sản lượng trên 41 triệu tấn lương thực, Việt Nam dành khoảng 1/3 sản lượng để xuất khẩu (7 triệu tấn gạo, tương đương 14 triệu tấn lúa). Áp lực tiêu thụ lúa hàng hóa rất lớn. Việc quy chế dự tính: mua 2,5 triệu tấn gạo tạm trữ trong vụ lúa đông xuân và hè thu là hợp lý để giảm áp lực bán lúa trong nông dân, tránh bị ép giá.

Ngân hàng là khâu then chốt

Ông Mai Anh Nhịn - Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang thẳn thắng nêu ý kiến: Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ đặt ra tất tốt nhưng cuối cùng thì vướng khâu ngân hàng. Vì nhiều lý do mà người dân vẫn rất khó tiếp cận được các nguồn hỗ trợ này. Và hỗ trợ tạm trữ chắc cũng không ngoại lệ.

Đại diện Cần Thơ cho rằng, khi thực hiện chủ trương, việc thẩm định, thủ tục và tổ chức phát vay như thế nào. Còn ông Mai Anh Nhịn thì nhìn nhận, để người dân tiếp cận được chủ trương, ngân hàng phải là người tích cực thực hiện chính sách.

Trong khi mọi ý kiến đều tập trung bàn thảo làm sao để chủ trương hỗ trợ lúa gạo tạm trữ đến trực tiếp được với người nông dân thì ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) lại nêu ý kiến: Việc triển khai chủ trương này thực ra không hiệu quả và còn nhiều bất cập. Theo ông Phong, Chính phủ đứng ra thu mua là tốt nhất!?

Mặc dù không đưa ra kết luận hội nghị, và sẽ tiếp tục lấy ý kiến thêm về quy chế tạm trữ này, song Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng: Cần thiết sẽ điều tra có bao nhiêu nông dân, tổ chức hợp tác đủ điều kiện tạm trữ lúa. Song, các tỉnh có diện tích sản xuất lúa hàng hóa lớn như: An Giang, Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp rất quyết tâm và ủng hộ việc mua tạm trữ lúa để nông dân hưởng lợi trực tiếp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên