Làm gì để hạn chế hành vi chưa đẹp của du khách Việt ở nước ngoài

Nhiều đơn vị lữ hành cho rằng đã đến lúc cơ quan chức năng cần cho ra đời một Bộ quy tắc ứng xử chung cho khách Việt khi du lịch nước ngoài

Anh Nguyễn Quốc Thiên, một hướng dẫn viên (HDV) có hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc dẫn các đoàn khách Việt đi nhiều nước trên thế giới chia sẻ bên cạnh những khách Việt có ý thức, biết lắng nghe và tôn trọng quy định văn hóa nơi công cộng ở các nước mình đến du lịch thì vẫn còn một bộ phận khách do ý thức chưa cao nên có những hành động, thái độ ứng xử chưa đẹp như: vô tư trò chuyện ồn ào, nói chuyện điện thoại lớn tiếng nơi công cộng; hay xả rác, khạc nhổ bừa bãi.

Những cảnh báo của các nước có cả tiếng Việt

Đặc biệt khi ăn buffet tại các nhà hàng, do thói quen lấy giùm thức ăn cho người thân nên đôi khi lấy quá nhiều nhưng ăn lại không hết và để dồn lại, bỏ thừa mứa, gây khó chịu cho người phục vụ.

Bên cạnh đó khách Việt do ít có thói quen xếp hàng tại các siêu thị, điểm mua vé tham quan trong nước nên khi đến những nước phát triển như Nhật hay châu Âu (nơi mọi người thường có ý thức chấp hành việc này rất cao), chúng ta vì nóng vội nên tìm cách chen ngang vào, khiến HDV bản địa và người dân nơi ấy lấy làm khó chịu..., vô tình làm ảnh hưởng hình ảnh văn minh, lịch sự và tạo nên cái nhìn thiếu bao quát về khách Việt.

Đó là chưa kể một số đối tượng trong nước lợi dụng hình thức đi du lịch nhưng qua đến nơi thì tìm cách trốn lại nước sở tại đề tìm việc, hay trộm cắp, móc túi... góp phần làm “mất điểm” của du khách nước ta.

Anh Thiên bộc bạch “từ trước đến nay các HDV luôn khuyến cáo du khách hạn chế tối đa những chuyện thế này nhưng không dám nói quá nhiều bởi khách có tâm lý “mình bị coi thường”, khách là “thượng đế” bỏ tiền ra để đi du lịch, thư giãn; HDV không thể việc gì cũng nói khiến họ “bực dọc” cho được.

Chính vì sự “cả nể” này nên đôi khi chưa giúp khách hiểu đủ và đúng những hành vi sai phạm của mình có thể làm ảnh hưởng tới danh tiếng của quốc gia thế nào”.

Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty du lịch Liên Bang cho biết, hiện tại các đơn vị lữ hành có uy tín hay làm ăn chuyên nghiệp đều có họp đoàn trước khi khởi hành các tour đi nước ngoài, trong đó căn dặn kĩ HDV phải phổ biến, tuyên truyền cho du khách cách hành xử văn minh lịch sự, đúng với văn hóa bản địa tại các nước mình sẽ đến.

Hầu hết khách thường hiểu và làm đúng theo những yêu cầu của HDV. Đồng thời cho rằng một số đơn vị lữ hành làm ăn thiếu chuyên nghiệp nên lơ là trong việc phổ biến các nội quy cho khách nên dẫn đến các biểu hiện đáng tiếc như trên.

Mặt khác, số khách Việt có những hành vi chưa phù hợp khi du lịch nước ngoài chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh” bởi nếu đơn vị lữ hành (nơi khách mua tour) và HDV quyết tâm để giữ hình ảnh đẹp cho khách khi đi ra nước ngoài bằng những cách như tuyên truyền khôn khéo, liên tục nhắc nhở, vận động mọi người chấp hành, tránh những biểu hiện, hành vi chưa đẹp như trên... trong mọi hành trình tour thì sẽ không có vấn đề gì đáng bàn.

Hơn hết đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành văn bản chính thức về nội quy, quy tắc ứng xử của khách Việt khi đi du lịch nước ngoài. Từ đây HDV sẽ “mạnh miệng” để phổ biến và tuyên truyền kĩ càng hơn cho khách được hiểu, cũng như các công ty lữ hành có thể đối chiếu với các điều khoản trong đó, từ đây làm căn cứ gửi đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử phạt những khách có sai phạm nghiêm trọng, làm gương để mọi người noi theo.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Công ty du lịch Dã ngoại Lửa Việt đề xuất, để hạn chế tình trạng “khách Việt xấu xí” khi đi du lịch nước ngoài, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu để đưa ra các biện pháp xử phạt mạnh tay như: Đơn vị lữ hành nào để khách của đoàn làm xấu hình ảnh quốc gia phải liên đới trách nhiệm, nhẹ thì cảnh cáo, phạt tiền; nặng thì rút giấy phép.

Xử phạt hành chính gấp đôi những vụ vi phạm pháp luật của khách Việt khi ở nước ngoài, đồng thời khách có thể bị cấm xuất cảnh nếu sai phạm ở mức độ nghiêm trọng. Khi khách mua tour, công ty nên có bản cam kết để khách ký vào, chịu trách nhiệm nếu sai phạm trong hành trình; HDV phải thường xuyên nhắc nhở, chấn chỉnh tật chen ngang, không xếp hàng, ồn ào của du khách.

Đồng tình với ý kiến trên, đại diện nhiều đơn vị lữ hành khác nhận định trong thời buổi hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, chỉ mỗi nỗ lực của ngành du lịch trong công tác tuyên truyền quảng bá hình ảnh, thu hút bạn bè khắp nơi trên thế giới chọn Việt Nam làm điểm đến thôi vẫn chưa đủ mà cần lắm bản thân mỗi người Việt, du khách Việt phải tự nâng cao ý thức và có những thái độ đúng mực trong việc chấp hành đúng những quy định, cách hành xử văn minh khi du lịch trong và ngoài nước, qua đó tiến tới chính bản thân mỗi người dân Việt sẽ trở thành một “đại sứ du lịch”, để lại thiện cảm tốt đẹp mỗi vùng đất họ đặt chân đến./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên