Phạt nông dân dùng phân bón giả?

“Để hạn chế tối đa tình trạng phân bón giả hoành hành, nông dân cũng có thể bị xử phạt nếu họ sử dụng phân bón giả, kém chất lượng”.  

Đây là nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm khi Cục Trồng trọt đưa ra bàn thảo tại Hội nghị lấy ý kiến doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp đối với dự thảo mới về Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh phân bón.

Có lẽ dư luận vẫn chưa quên những câu chuyện “làm luật” kiểu phòng lạnh, thiếu thực tế, “làm luật” trên… trời của Bộ Y tế trước đây là “người nhẹ cân”, hay “ngực lép” không được điều khiển xe máy trên 50 phân khối và người có vòng đo ngực trung bình dưới 72cm không được cấp bằng lái xe hạng A1, nghĩa là cũng không được đi xe trên 50 phân khối. Hay trước kia, cơ quan chức năng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đề xuất làm giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông bằng cách quy định lưu thông ngày chẵn, lẻ áp dụng cho cho xe ôtô, xe máy… Giờ đây, Bộ NN&PTNT đưa ra dự thảo mới về Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh phân bón của Chính phủ. Theo dự thảo này, đáng chú ý nhất là qui định xử lý vi phạm trong việc sử dụng phân bón. Với quy định này, người sử dụng (chủ yếu là nông dân) có thể bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng nếu sử dụng phân bón không có tên trong danh mục và gây ô nhiễm môi trường… 

Phải tăng cường tập huấn cho nông dân, thay vì phạt họ dùng phân bón giả mà chính họ không thể phân biệt được
Có thể nói, những người soạn thảo Nghị đinh này đã chưa hề đặt mình vào vị trí của người nông dân. Phần lớn nông dân nước ta có trình độ học vấn hạn chế, thử hỏi làm sao mà họ phân biệt được đâu là phân bón giả, đâu là phân bón thật? Thường là chỉ khi họ sử dụng xong mới biết kết quả. Ngay cả cán bộ khuyến nông, nhiều khi còn không thể phân biệt được đâu là phân bón giả, đâu là phân bón thật. Lẽ ra, những người nông dân phải là người được “bảo vệ” trước nạn phân bón giả, kém chất lượng thì không hiểu vì lý do gì, vô tình hay hữu ý mà những người làm luật lại bắt họ... nộp phạt, trong khi họ đã quá khốn khổ vì thiệt hại do nạn phân bón giả. Nếu thực hiện qui định này, thì chẳng lẽ người tiêu dùng sử dụng rau có thuốc trừ sâu, thực phẩm hết hạn sử dụng, sữa nhiễm melamine... cũng bị phạt tiền. Nếu thế thì hàng triệu người dân nước ta sẽ cùng bị phạt những lỗi kiểu này.  

Mặt khác, nếu thực hiện quy định này, có thể hàng triệu nông dân có thể sẽ bị xử oan, vì nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón giả vẫn có đăng ký nhãn mác, bao bì… như hàng thật, trong khi đó, nông dân không thể dùng mắt thường để kiểm tra. Cho đến tận bây giờ, đã có ai trang bị cho nông dân kỹ năng kiểm định chất lượng phân bón đâu. Chẳng có nông dân nào lại cố ý đi mua phân bón giả về dùng để rồi chịu phạt. Và nếu chẳng may họ mua và sử dụng phải phân bón giả, chắc sẽ không ai dại gì khai báo để nộp phạt. Như vậy, dự thảo Nghị định này lại làm khó cho chính cơ quan chức năng vì khó có thể chỉ ra được các loại tội phạm làm hại nông dân. Trong khi, nếu áp dụng quy định này, có thể có tác dụng ngược là hạn chế việc nông dân lên tiếng tố giác phân bón giả. 

Rõ ràng, qui định xử phạt người sử dụng phân bón giả là vô lý và thiếu tính thực tế. Tại sao khi không kiểm soát được phân bón giả, phân bón kém chất lượng, thì cơ quan quản lý lại “trao” trách nhiệm kiểm soát cho bà con nông dân, trong khi chính họ đang là nạn nhân?./.  

TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa gạo đồng bằng sông Cửu long: Phạt nông dân là vô lý!

Nông dân làm sao biết được sản phẩm phân bón họ mua về là thật hay giả. Vì thế, phạt nông dân khi dùng phân bón giả, phân bón ngoài danh mục là điều hết sức vô lý.

Để quản lý tốt mặt hàng phân bón, tôi cho rằng, cần tập trung vào 3 khâu chính: Thứ nhất, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm chính về chất lượng sản phẩm của mình. ở các nước, doanh nghiệp vi phạm bị phạt rất nặng, thậm chí có thể sạt nghiệp nên không ai dám vi phạm. Còn ở ta, mức phạt chỉ vài ba chục triệu trong khi nhà sản xuất có thể thu hàng tỷ đồng, nên họ cứ làm; Thứ hai, lực lượng chức năng, nhất là thanh tra chuyên ngành nông nghiệp phải “vào cuộc”, đi lấy mẫu, kiểm tra thì mới biết được thật giả. Song, điều khó nhất đối với các Sở NN&PTNT là không có thiết bị kiểm tra. Họ phải gửi lên Trung tâm TCĐLCL phân tích mới có kết quả; Thứ ba, các nhà phân phối phải đảm bảo kinh doanh phân bón có nguồn gốc rõ ràng. Nếu kinh doanh phân bón trôi nổi, kém chất lượng thì phải bị phạt nặng.

Ông Phạm Mạnh Ninh, Giám đốc Công ty CP phân lân Ninh Bình: Phải xử lý đúng đối tượng

Phải làm rõ đối tượng của việc xử phạt, không thể phạt người sử dụng là nông dân, bởi nông dân cũng chỉ là nạn nhân. Mấu chốt của vấn đề tập trung vào 2 khu vực: các nhà sản xuất phân bón “rởm” và những đại lý trung gian các cấp biết hàng giả mà vẫn mua. Bởi từ đó, các loại phân bón “rởm”, kém chất lượng mới được tung ra thị trường, còn nông dân chỉ là người gánh chịu hậu quả mà thôi. Nếu quản lý tốt được hai đối tượng này thì tôi cho rằng khó có sản phẩm phân bón giả, kém chất lượng nào có thể tồn tại được./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên