Người dân sống thấp thỏm trên tường thành Đại nội Huế

VOV.VN-Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do sự quản lý lỏng lẻo của các cấp chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Tường thành Huế dài hơn 10 km. Đây được xem là “lá chắn” bảo vệ Kinh thành Huế dưới triều nhà Nguyễn. Thế nhưng, hàng chục năm qua, người dân thành phố Huế lại tự ý xây nhà để sống tại khu vực này khiến quần thể di tích cố đô Huế - Di sản Văn hóa Thế giới bị xâm hại nghiêm trọng. Sự quản lý lỏng lẻo của các cấp chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế phải trả giá quá đắt khi mà số hộ ngày một tăng; việc di dời, bố trí tái định cư cho những hộ dân sống trên tường thành này gần như bế tắc.

Người dân phường Thuận Thành mòn mỏi trông chờ Dự án tái định cư

Dọc bức tường thành thuộc 2 phường Thuận Lộc và Thuận Thành, thành phố Huế xuất hiện ngày càng nhiều những chiếc cầu thang tạm bợ. Vì sống “treo” trên tường thành nên người dân đã “sáng kiến” ra những chiếc cầu thang như vậy để leo lên tường vào nhà. Ban ngày thì xe cộ vứt lăn lóc ở chân tường, ban đêm gửi nhờ nhà người thân. Cuộc sống của hơn 2.800 hộ dân sống lấn chiếm tường thành Huế diễn ra như vậy từ ngày này sang năm khác.

Bà Nguyễn Thị Mai, Phường Thuận Thành, thành phố Huế cho biết: “Đời cha, đời ông sống lênh đênh sông nước, không có mảnh đất cắm dùi, biết rằng sống trên tường thành là vi phạm nhưng thiên hạ ở được thì tôi ở được. Gia đình có con đông mà không có chỗ ở phải làm ra thêm một cái nhà nữa. Mong rằng Nhà nước phải bố trí thêm đất nữa cho họ”.

Những đứa trẻ sinh ra trong các căn nhà xập xệ

 Những hộ dân sống lấn chiếm khu vực thượng thành Huế không được hưởng các quyền lợi chính đáng. Nhà xiêu vẹo, cuộc sống sinh hoạt tạm bợ, không điện, không nước, không nhà vệ sinh nên mỗi người phải tự nghĩ ra cách để đảm bảo sinh hoạt gia đình.

Ông Nguyễn Văn Đây, phường Thuận Thành, thành phố Huế bày tỏ: “Mùa mưa thì người dân phải mua bạt về che chứ không thì nhà dột, không có chỗ ở”.

Từ năm 2012, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai dự án "Bảo tồn, tu bổ Kinh thành Huế" với tổng kinh phí 1.200 tỷ đồng. Theo đó, 880 hộ dân trong diện giải tỏa sẽ được bố trí tái định cư ở một nơi cách xa nội thành. Tuy nhiên, việc giải tỏa các hộ dân ở Kinh thành gặp khó khăn do nguồn kinh phí của tỉnh không đủ để di dời, xây dựng các khu tái định cư. Người dân sống trên di tích cũng ý thức rằng, đây không phải là nơi định cư lâu dài, sống trên di tích là vi phạm các quy định về Luật Di sản, nhưng không có cách nào khác. Bởi những hộ dân sống trên khu vực tường thành đa phần nghèo, đông con nên không đủ tiền mua đất làm nhà.

Hàng trăm ngôi nhà xây dựng trái phép khu vực thượng thành khiến việc di dời gặp nhiều khó khăn

Bên cạnh khó khăn về kinh phí để di dời, bố trí tái định cư, cơ chế đền bù không thống nhất cũng là nguyên nhân làm chậm tiến độ giải tỏa đối với các hộ dân sống trong khu vực Thượng Thành - Eo Bầu. Mỗi năm, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đều dành một khoản kinh phí nhất định từ doanh thu du lịch để bố trí tái định cư cho những hộ dân khu vực này nhưng số tiền đó cũng chưa thể giải ngân được.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: Riêng tiền đền bù giải tỏa đền bù theo tính toán của Trung tâm ước khoảng hơn 750 tỷ đồng, chiếm gần 70 % tổng kinh phí cho dự án này. Như vậy chiếm một nguồn lực rất là lớn. Đến nay, đã chuyển qua thành phố cho công tác đền bù giải tỏa này trên 100 tỷ. Tuy nhiên, tốc độ di dời, giải tỏa diễn ra vẫn còn rất chậm.

Những chiếc cầu thang tạm bợ là lối đi chung của người dân

Hơn 20 năm kể từ khi Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại cũng chừng ấy thời gian chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế bắt tay vào việc bảo tồn, tôn tạo. Nhưng chính những việc làm không cương quyết của các cấp chính quyền để người dân lấn chiếm di tích, bây giờ lại lay hoay với bài toán di dời. Ai cũng biết rằng, di tích mất đi khó có thể phục dựng lại nguyên trạng. Thực tế ấy lại đang diễn ra với nhiều di tích ở Huế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên