Vụ thầy trò đánh nhau:

Học sinh cứ đứng để thầy tát cũng không được

VOV.VN-Các trường sư phạm cần rút kinh nghiệm trong đào tạo đạo đức nhà giáo, kỹ năng xử lý tình huống ở học đường cho sinh viên.

Đoạn video clip một thầy giáo trẻ tát học trò bôm bốp và sau đó, học trò này và bạn cùng lớp đã xông vào đánh lại thầy ngay trên bục giảng tại lớp 11A1, trường THPT Nguyễn Huệ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định đang gây xôn xao dư luận.

Sau khi đoạn video clip bị tung lên mạng Internet, nhiều độc giả đã bày tỏ ý kiến và phản hồi về vụ việc trên. Trong đó, có ý kiến cho rằng, qua vụ việc này, các trường sư phạm cần xem xét lại việc đào tạo kỹ năng, xử lý tình huống trong môi trường giáo dục cho sinh viên. Các trường học cần xây dựng tốt hơn nữa văn hóa học đường…

Đứng ở góc độ quản lý và nghiên cứu về tâm lý học sinh, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội có những chia sẻ với các trường học, giáo viên và học sinh.

Hình ảnh từ video clip thầy giáo và học trò đánh nhau


Thầy giáo và học sinh cần xem lại kỹ năng ứng xử

PV: Thưa ông, dư luận xã hội đang rất quan tâm đến vụ việc thầy và trò đánh nhau ngay trên bục giảng diễn ra vào cuối tháng 1/2014 ở lớp 11A1, trường THPT Nguyễn Huệ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Ông nhìn nhận vụ việc này như thế nào?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Tôi lấy làm tiếc vì sự việc xảy ra như vậy. Qua sự việc này, tôi nhận thấy cả thầy giáo và học trò đều sai. Đúng là thầy giáo trẻ mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng sư phạm, cộng thêm không kiềm chế được sự bực tức nên mới xử lý tình huống như vậy.

Trong quá trình dạy học, các thầy cô giáo thường xuyên phải đối diện với nhiều tình huống giảng dạy cho nhiều loại học sinh. Trong đó, có nhiều em học sinh cá biệt, nghịch ngợm và thậm chí rất hư, có những lời lẽ không lễ phép với thầy, cô giáo…

Trong tình huống xảy ra ở trường THPT Nguyễn Huệ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, thầy giáo phải bình tĩnh, chứ không nên dùng những lời lẽ tức giận và hành động thiếu kiềm chế để giải quyết vụ việc.

Còn về phía học sinh trong đoạn clip đứng lên đánh lại thầy giáo cũng là hành vi không thể chấp nhận được. Trong trường hợp này, nếu hai học sinh cứ đứng để cho thầy giáo tát thì cũng không được. Nhưng thay vì đánh lại thầy giáo thì các em phải bình tĩnh né tránh và phản ứng tự vệ bằng cách nói rõ quan điểm rằng, hành động của thầy là sai, cần phải dừng lại.

Tôi nghĩ rằng, nếu trong tình huống này, học sinh làm được như vậy thì chắc chắc thầy giáo sẽ dừng không đánh học trò nữa.

PV: Được biết, Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định sẽ xử lý nghiêm vụ việc trên. Theo ông, vụ việc nên giải quyết và xử lý như thế nào là hợp lý nhất?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Sau vụ việc xảy ra, thầy giáo cũng đã làm bản kiểm điểm, xin lỗi phụ huynh, học trò và toàn thể nhà trường. Về phía học sinh cũng đã nhận thức rõ lỗi sai và làm bản kiểm điểm. Đây là việc làm thể hiện thái độ tốt và sự hối lỗi của người thầy và hai học sinh. Vì vậy, nhà trường nên cân nhắc để có hình thức xử lý, kỷ luật phù hợp đối với thầy giáo và học trò.

Theo tôi, nếu đây là lần đầu thầy giáo có hành động như trên với học trò thì ngành giáo dục tỉnh Bình Định và trường THPT Nguyễn Huệ chỉ nên có những hình thức phê bình, cảnh cáo nhất định. Còn nếu mà thầy giáo đó có những vi phạm nhiều lần thì trường có thể chấm dứt hợp đồng làm việc.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm: Các trường Sư phạm cần xem lại kỹ năng xử lý tình huống trong môi trường học đường cho sinh viên


Bất cập trong đào tạo kỹ năng xử lý tình huống cho sinh viên

PV: Theo ông, vụ việc đáng tiếc xảy ra khiến ngành giáo dục và các trường học cần phải rút ra những bài học gì?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Tôi cho rằng, vụ việc xảy ra tại lớp 11A1, trường THPT Nguyễn Huệ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định chỉ là một hiện tượng để các trường học rút kinh nghiệm chung, chứ không thể đỗ hết lỗi cho ngành giáo dục hay các thầy, cô giáo hiện nay.

Qua sự việc này cho chúng ta thấy, hiện nay, các trường sư phạm vẫn còn thiên về đào tạo kiến thức khoa học mà chưa chú trọng đào tạo nhiều đến kỹ năng, phương pháp giáo dục, tìm hiểu tâm lý cũng như cách ứng xử, xử lý tình huống bất ngờ trong giảng dạy học sinh. Nhiều trường sư phạm chỉ dạy nhiều về lý thuyết mà ít để sinh viên tiếp xúc với học sinh, thực hành những kỹ năng xử lý tình huống ngay trong môi trường học đường. Vì thế, khi sinh viên tốt nghiệp, được nhận vào làm việc hợp đồng tại các trường học hầu hết phải đào tạo và hướng dẫn lại.

Vụ việc thầy giáo và học trò đánh nhau trên bục giảng cũng là một hồi chuông để các trường sư phạm rút kinh nghiệm trong việc đào tạo kỹ năng giảng dạy, xử lý tình huống ở môi trường giáo dục học đường cho sinh viên. Đặc biệt là cần chú trọng đến đào tạo đạo đức nhà giáo. Bởi vì các trường sư phạm chính là cái nôi đề đào tạo tri thức, kỹ năng cho những giáo viên tương lai chứ không phải là những trường học mà giáo viên đang công tác.

Ngoài ra, trong trường học cần xây dựng tốt hơn nữa văn hóa học đường. Theo đó, học sinh khi đến trường không chỉ được truyền tải kiến thức mà còn phải được yêu thương. Người thầy giáo cũng cần được kính trọng, lắng nghe và được yêu quý. Nếu trong trường học tạo ra được những giá trị như vậy thì sẽ không có những điều đáng tiếc như vụ việc trên.

Tìm hiểu tâm lý lứa tuổi học trò rất quan trọng

PV: Những học sinh trong vụ việc trên đều đang ở độ tuổi trưởng thành và giáo dục cho các em ở độ tuổi này có những điểm riêng biệt so với những lứa tuổi khác. Ông có thể đưa ra lời khuyên nào đối với các thầy cô giáo và phụ huynh trong việc quan tâm, giáo dục các em ở lứa tuổi này?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Các em học sinh trong vụ việc trên đều đang ở độ 17-18 tuổi. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đã có ý thức về bản thân và muốn được khẳng định, thể hiện quan điểm riêng của mình.

Nếu những trẻ em ở bậc mầm non bị các cô giáo bạo hành thì sẽ làm các em tổn thương về mặt tinh thần, thể xác. Còn đối với học sinh ở lứa tuổi trưởng thành, nếu thầy cô giáo có những hành vi như trên thì sẽ làm sai lạc nhận thức, hình ảnh về thầy cô giáo nói chung.

Có những em sẽ không coi các thầy, cô giáo là tấm gương để học tập và noi theo. Từ chỗ không tôn trọng thầy, cô giáo, có thể nhiều em sẽ không thích học bộ môn giáo viên đó giảng dạy. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới việc học tập của các em.

Tôi cho rằng, với những học sinh lớn tuổi, thầy cô giáo và các bậc phụ huynh cần phải tìm hiểu tâm lý lứa tuổi này, dành thời gian lắng nghe ý kiến, tâm sự của các em như những người thân để tìm ra cách thức ứng xử phù hợp, chứ không thể dùng bạo lực thay thế giảng dạy, lý lẽ được.

Ngoài ra, ở các trường học cần tăng cường giảng dạy cho học sinh những giá trị sống như: biết tôn trọng, khoan dung và yêu thương người khác cũng như kỹ năng xử lý nhiều tình huống bất ngờ.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

"Sốc" với clip thầy giáo và học trò đánh nhau trên bục giảng
"Sốc" với clip thầy giáo và học trò đánh nhau trên bục giảng

Ngày 18/2, đoạn video clip một thầy giáo trẻ tát học trò bôm bốp, trò lên gối đánh lại thầy ngay trên bục giảng gây xôn xao dư luận.

"Sốc" với clip thầy giáo và học trò đánh nhau trên bục giảng

"Sốc" với clip thầy giáo và học trò đánh nhau trên bục giảng

Ngày 18/2, đoạn video clip một thầy giáo trẻ tát học trò bôm bốp, trò lên gối đánh lại thầy ngay trên bục giảng gây xôn xao dư luận.

Sẽ xử lý nghiêm vụ thầy trò đánh nhau trên bục giảng
Sẽ xử lý nghiêm vụ thầy trò đánh nhau trên bục giảng

VOV.VN - Ông Đào Đức Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục -Đào tạo tỉnh Bình Định khẳng định như vậy.

Sẽ xử lý nghiêm vụ thầy trò đánh nhau trên bục giảng

Sẽ xử lý nghiêm vụ thầy trò đánh nhau trên bục giảng

VOV.VN - Ông Đào Đức Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục -Đào tạo tỉnh Bình Định khẳng định như vậy.

Thầy trò đánh nhau: Đừng biến bục giảng thành "võ đài"
Thầy trò đánh nhau: Đừng biến bục giảng thành "võ đài"

VOV.VN-Thầy trò đánh nhau chỉ là hình ảnh “con sâu làm rầu nồi canh”, trong khi có rất nhiều thầy cô đang miệt mài với sự nghiệp trồng người

Thầy trò đánh nhau: Đừng biến bục giảng thành "võ đài"

Thầy trò đánh nhau: Đừng biến bục giảng thành "võ đài"

VOV.VN-Thầy trò đánh nhau chỉ là hình ảnh “con sâu làm rầu nồi canh”, trong khi có rất nhiều thầy cô đang miệt mài với sự nghiệp trồng người