Hệ lụy từ nghiện game online

Nhiều em khi đến gặp bác sĩ tâm thần đã có biểu hiện rối loạn cảm xúc hoặc hành vi, có em đã bỏ học, bỏ nhà đi lang thang, tham gia trộm cắp để lấy tiền chơi game.

>> “Game online làm hỏng con tôi!”

Theo báo cáo nghiên cứu về Internet và công nghệ của Công ty Nghiên cứu thị trường Pearl Research (Mỹ), dự báo đến năm 2011, Việt Nam có hơn 10 triệu người chơi game online. Trong số 20 triệu người sử dụng internet thì có đến 53% là chat và chơi game online. Nghiện game online đang là vấn đề gây bức xúc xã hội bởi những hệ lụy ngày càng nghiêm trọng…

Trung tâm tham vấn tâm lý trẻ em và thanh thiếu niên (thuộc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2) thường xuyên phải tiếp nhận các trường hợp nghiện game online. Theo thống kê không đầy đủ, có khoảng 5 - 7% trên tổng số hơn 500 người đến khám và điều trị là người nghiện game online. Nhiều trường hợp đến khám đã có biểu hiện rối loạn cảm xúc hoặc hành vi, có em đã bỏ học, bỏ nhà đi lang thang hoặc tham gia trộm cắp để lấy tiền chơi game. Điều đáng lo ngại là, việc người sử dụng mắc phải tình trạng nghiện ngày càng nhiều và mở rộng đối tượng với những người trẻ tuổi, đặc biệt là thanh thiếu niên. Xuất phát từ nghiện game online và kéo theo đó là những hệ lụy xã hội như: giết người, đánh nhau, bỏ học, sống không mục đích, ảo tưởng, tự tử hoặc các bệnh lý tâm thần…

Game thủ học võ

Trường hợp H.A, sinh năm 1994, học lớp 10 tại TP. Hồ Chi Minh là một ví dụ. Bố mẹ đưa H.A đến tham vấn với lý do con gái hay bỏ học, tụ tập đánh nhau, ăn mặc như con trai và ngỗ nghịch. Các vấn đề của H.A được chẩn đoán là trường hợp rối loạn hành vi thể chống đối xã hội. H.A kể, vào lớp 10, em bắt đầu làm quen với internet và sử dụng 5 - 6 tiếng một ngày. H.A thường xuyên bỏ nhà, bỏ học đi chơi với nhóm bạn trên mạng, đầu tóc ngắn, xưng hô anh em như những cặp tình nhân. Những cảm giác đó cuốn hút H.A, khiến em không thể thoát khỏi thế giới ảo.

Nam học sinh H.N, sinh năm 1996, hiện đang học lớp 7 tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, được bố mẹ đưa đến khám với lý do bỏ học, bỏ nhà đi bụi, ăn trộm tiền của cha mẹ và chơi game quá mức. Em này được chẩn đoán rối loạn hành vi và cảm xúc ở thanh thiếu niên, được điều trị bởi các triệu chứng hung tính, thờ ơ, mất cảm xúc và rối loạn giấc ngủ.  Ông Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, cho biết: “Các triệu trứng chẩn đoán nghiện game online như: Thời lượng sử dụng chơi game online ngày càng tăng; Không có khả năng cắt việc sử dụng internet - game online; Bứt rứt hay rối loạn cảm xúc khi cố gắng sử dụng game; hay đánh nhau, nói dối…”.

Trước thực trạng nghiện game online và internet đang ngày càng  gia tăng, nhức nhối và ảnh hưởng nghiêm trọng cho đời sống xã hội, ông Công kiến nghị: Các cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng chế tài rõ hơn về việc chơi game online và sản xuất game online đối với các cơ sở dịch vụ internet. Điều này có tác dụng xác định rõ về người chơi, thời gian chơi và việc tính điểm trên trò chơi online. Nhà nước cũng cần xây dựng Trung tâm cai nghiện game online. Đặc biệt là, việc thành lập các phòng tư vấn sức khỏe, tâm lý tại trường học cũng là một việc quan trọng. Theo các chuyên gia, để cai nghiện game online, việc tiến hành liệu pháp tâm lý cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và các liệu pháp nhận thức hành vi, gia đình, nhóm là hoàn toàn có hiệu quả./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên