Con trâu trong y học

Từ khi được thuần hóa, trâu là một trong những con vật rất gần gũi với con người. Trong y học, nhiều bộ phận của con trâu có thể giúp bảo vệ sức khỏe con người

Con người đã biết rằng “ngưu đậu” là bệnh đậu mọc trên cơ thể trâu, bò không độc bằng đậu mọc trên cơ thể người. Các nhà dịch tễ học đã biết cách trích lấy mủ “ngưu đậu” nhân giống vi trùng đậu, tạo thành vaccine đậu mùa rồi chủng lên cơ thể người tạo ra cơ chế miễn dịch giúp con người đủ sức chống lại sự xâm nhập của vi trùng bệnh đậu mùa. Nhờ phát minh này mà loài người đã thoát khỏi nanh vuốt của tử thần do bệnh “đậu mùa” gây nên.

Nhiều bộ phận của con trâu có thể chế biến để dùng làm thuốc chữa nhiều thứ bệnh cho con người. Da trâu là một ví dụ. Da trâu (ngưu bì), cạo bỏ hết lông, thịt, gân, màng, cắt thành từng miếng, phơi hay sấy khô. Khi dùng, để nguyên bản hoặc chế biến thành keo theo cách ngâm da trâu vào nước vôi trong 1 ngày đêm. Lấy ra, rửa sạch, luộc chín, rồi cắt nhỏ, nấu với nước xâm xấp và sôi liên tục trong một ngày, một đêm. Chắt lấy nước thứ nhất. Thêm nước, tiếp tục nấu để được nước thứ hai, thứ ba. Gộp các nước chắt lại, lọc kỹ, cô cách thủy thành cao đặc. Cao này có tên là cao da trâu hay minh giao, hoàng minh giao, có chứa canxi, gelatin, keratin và protid, có vị mặn, ngọt, mùi hơi tanh, tính bình, không độc, có tác dụng giảm đau, cầm máu, nhuận táo, được dùng trong những trường hợp chữa phong thấp, chân tay đau nhức, đau vú, đái són, động thai, thổ huyết, băng huyết, đái ra máu, chảy máu dạ dày.

Trong Đông y còn có một vị thuốc quí có tên là Ngưu hoàng. Ngưu hoàng là sỏi mật của loài trâu. Sách “Thần nông bản thảo” ghi: ngưu hoàng là vị thuốc chủ trị kinh giản, sốt quá hoá điên cuồng”. Các sách y học khác của Phương Đông đều có bàn đến tác dụng của loại sỏi trong mật trâu: Ngưu hoàng giúp cho tác dụng trấn tĩnh được kéo dài. Ngưu hoàng làm tăng hồng cầu, tăng huyết sắc tố và mạch tim. Loại biệt dược này có tác dụng thanh tâm giải độc chữa hồi hộp khai đờm. Nó là loại thuốc đặc trị các bệnh nhiệt quá phát cuồng thần trí hôn mê trúng phong bất tỉnh, cổ họng sưng đau ung thư đinh nhọt. Ngưu hoàng vị đắng có hơi độc. Do đó Ngưu hoàng có thể làm truỵ thai. Vì vậy với phụ nữ sốt cao thì chỉ các bậc danh y thực sự cao tay mới đủ can đảm sáng suốt dùng đến Ngưu Hoàng.

Cũng theo kinh nghiệm dân gian và trong thực tế, có nhiều thanh thiếu niên chậm phát dục, chiều cao chưa đạt so với tiêu chuẩn bình thường đã được các thầy thuốc Đông y cho bài thuốc: xương trâu, bò, xương dê, xương lợn, xương chó, xương gà mỗi thứ 100g làm sạch, đập vụn, ninh kỹ lấy nước rồi cho gạo vào nấu thành cháo. Ăn 2 lần sáng, tối khi đói bụng. Thuốc có tác dụng làm khỏe gân, xương. Hoặc bài thuốc tủy xương trâu hoặc bò 30g, gạo nếp 100g, đường trắng 50g. Gạo nếp đãi sạch, ngâm nước ấm rồi đổ vào chõ, đặt tủy xương lên trên rồi đồ chín, khi ăn chế thêm đường. Bài thuốc có công dụng bổ thận, ích tủy, thích hợp với thanh thiếu niên thể chất gầy yếu, phát dục chậm, có nguy cơ còi xương. Còn khi chân răng hàm sưng đau, có thể lấy xương hàm trâu đốt đỏ, thả vào nước lạnh. Sau lấy nước ấy đổ thấm vào chỗ răng đau.

Răng trâu (tên thuốc là ngưu xỉ), đốt đỏ hồng, nhúng dấm, đốt nhúng ba lần rồi tán thành bột. Tay chân bị lở loét, trẻ em bị chốc đầu có mủ, dùng bột ấy trộn dầu vừng bôi vào vết lở, vài lần sẽ khỏi. Bột ngưu xỉ, hoà nước sôi, để nguội, cho trẻ động kinh uống giữa hai lần lên cơn, kiên trì nhiều lần sẽ khỏi. Người già răng lung lay, dùng bột ngưu xỉ chà vào, ngậm cho đến khi nước bọt ra đầy miệng thì nhổ ra, súc miệng. Điều trị như thế lâu ngày, răng bớt lung lay, thậm chí có thể chắc trở lại.

Nước dãi trâu (ngưu khẩu tần) cũng là vị thuốc. Lấy nước dãi trâu bằng cách rửa sạch miệng trâu, dùng muối xoa vào hàm trâu, dùng lóng tre nhỏ tráng miệng và chúi mỏm trâu xuống, bên dưới đặt chậu hứng. Lấy bông quấn đầu đũa, thấm nước dãi trâu bôi sâu vào họng người bị đau cuống họng, sẽ khỏi. Người bị cấm khẩu đột biến thì cho uống nước dãi trâu kết hợp với xoa bóp vùng mặt, dùng kim trích máu 10 đầu ngón tay, sẽ nói được.

Đặc biệt, trong Đông y, ngày nay do sừng tê giác quá hiếm nên người ta đã dùng sừng trâu thay sừng tê giác trong điều trị và cho hiệu quả cao. Sừng trâu (thủy ngưu giác) là dược liệu dễ kiếm, hầu như có sẵn ở khắp các vùng nông thôn. Nó đã được sử dụng làm thuốc từ hàng nghìn năm nay. Sách Danh y biệt lục viết: Sừng trâu có thể dùng chữa chứng đau đầu do thời khí nóng lạnh thất thường. Còn theo sách Đại Minh bản thảo, sừng trâu sắc lấy nước uống có thể trị chứng phong do nhiệt độc và sốt cao.

Y học hiện đại cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu về tác dụng chữa bệnh của sừng trâu. Qua kết quả nghiên cứu lâm sàng tiến hành trên 3.270 bệnh nhân tại 50 đơn vị nghiên cứu ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân và Quảng Đông, các nhà khoa học khẳng định việc sử dụng sừng trâu và sừng tê giác cho kết quả điều trị cơ bản như nhau đối với 30 loại bệnh: viêm não B, trẻ nhỏ sốt nóng trong mùa hè, ban xuất huyết do giảm tiểu cầu, thần kinh phân liệt... Như vậy, có thể sử dụng sừng trâu thay thế cho sừng tê giác./.    
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên