Chuẩn bị xuất hiện hiện tượng nguyệt thực nửa tối

(VOV) -Thời điểm đó, mặt Trăng đi hoàn toàn vào vùng nửa tối của Trái đất. Người quan sát sẽ thấy mặt Trăng tối nhất và đỏ nhất.

Theo dự báo, trong tháng 11 này, người yêu thích thiên văn, vũ trụ Việt Nam sẽ có cơ hội được ngắm nhìn sự xuất hiện của nguyệt thực nửa tối.

Đây là hiện tượng thiên nhiên kỳ thú, sau gần 2 năm mới xuất hiện trở lại. Cũng trong tháng 11 này, sẽ xuất hiện mưa sao băng và hiện tượng sao Kim, sao Thổ gặp nhau.

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch Câu lạc bộ Thiên văn học trẻ Việt Nam cho biết: Nguyệt thực nửa tối kéo dài từ 19h15’ đến gần 24h ngày 28/11. Thời điểm quan sát lý tưởng nhất hiện tượng này là lúc 21h33’. Khi đó mặt Trăng đi hoàn toàn vào vùng nửa tối của trái đất. Người quan sát sẽ thấy mặt Trăng tối nhất và đỏ nhất.

Nguyệt thực nửa tối khác với nguyệt thực toàn phần hay nguyệt thực một phần ở chỗ, mặt Trăng không đi sâu vào vùng bóng đen của Trái Đất mà chỉ đi vào vùng nửa tối. Do vậy, mặt Trăng sẽ không tối và đỏ sẫm như nguyệt thực toàn phần hay một phần, mà chuyển sang màu đỏ đậm hơn và tối hơn bình thường.

Trước khi diễn ra nguyệt thực nửa tối một ngày, vào ngày 27/11, sao Kim và sao Thổ sẽ gặp nhau trên bầu trời. Theo đó, đốm sáng đẹp nhất bầu trời (sao Kim) và hành tinh được coi là đẹp nhất hệ Mặt Trời (sao Thổ) sẽ chỉ cách nhau 1 độ trên bầu trời.

Ngoài ra, vào rạng sáng 17/11 này cũng sẽ xuất hiện những trận mưa sao băng, có tâm điểm là chòm sao Leo (Sư tử), với khoảng 15 đến 20 vệt/giờ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên