Cảnh giác với rượu giả

Càng gần Tết, thị trường rượu càng trở nên sôi động. Đây cũng là dịp rượu lậu, rượu giả được tung ra thị trường với số lượng lớn

  •  
Bắt quả tang một công ty chuyên sản xuất rượu Vodka giả
  • Hà Nội: Khen thưởng tập thể, cá nhân xuất sắc chống buôn lậu
  • Rượu giả ngày càng tinh vi

    Hiện nay, thật khó mà phân biệt được đâu là rượu thật, rượu giả. Vì tất cả các chai đựng rượu đều là thật. Duy chỉ có nước đựng bên trong thì chỉ khi uống người tiêu dùng mới biết.

    Dạo quanh các cửa hàng bán rượu Tây trên phố Hàng Buồm, Tạ Hiện, Đào Duy Từ, Hai Bà Trưng, chợ Hàng Da (Hà Nội), rượu có mác ngoại được bày bán rất nhiều, chai nào cũng dán tem mới tinh và được quảng cáo là hàng xịn. Giá cao nhất có thể lên tới vài chục triệu đồng, giá thấp vài trăm ngàn đồng.

    Chị Hoa, chủ một cửa hàng kinh doanh rượu ở chợ hàng Da cho hay, hiện nay, rượu giả rất nhiều, không chỉ rượu ngoại mà rượu được các thương hiệu có uy tín trong nước sản xuất cũng bị làm giả. Rượu có thương hiệu nổi tiếng như Chivas, Johnnie Walker, Macallan, Ballantine’s, Martell, Royal Salute, Hennessy… thường là các mặt hàng bị làm giả nhiều nhất.

    Rượu giả bị lực lượng chức năng thu giữ

    Theo đánh giá của các tổ chức nghiên cứu thị trường trong và ngoài nước, hiện nay, tình trạng rượu giả tại Việt Nam ở mức nghiệm trọng. Đã xuất hiện những tổ chức làm rượu giả với quy mô lớn, hoạt động ngày càng mang tính chuyên nghiệp và tinh vi. Mánh khóe để làm ra rượu giả, rượu kém chất lượng ngày càng xảo quyệt, thậm chí có thể qua mặt cả chủ sở hữu của những thương hiệu rượu nổi tiếng.

    Hầu hết rượu giả đều sử dụng lại vỏ của các chai rượu thật. Vỏ xịn, mác xịn, chỉ có ruột là rởm nên người tiêu dùng rất khó phát hiện. Có hàng trăm cách làm rượu giả nhưng tinh vi nhất có thể kể đến cách làm giả bằng việc khoan một lỗ rất nhỏ, như sợi tóc dưới đáy chai để rút rượu thật ra và bơm rượu giả vào. Các vết khoan thường ở những chỗ khó thấy như chính giữa vòng tròn của những chữ A,O,B,... hoặc những chỗ có vết tì sẵn trên chai khi sản xuất. Sau khi hút rượu ra, lỗ được dán thật kĩ bằng keo trong nên rất khó phát hiện. Hoặc làm giả theo công thức: nước tinh khiết, phẩm màu, hương liệu, cồn công nghiệp. Để tạo ra mùi thơm, màu rượu như thật, thì nhà “sản xuất” thường cho thêm các phụ gia có chất độc như furfuron, metanol, andehyd, các ancol bậc cao, kim loại nặng, các phẩm màu không có trong danh mục cho phép.

    Khó kiểm soát

    Không chỉ dừng lại ở các “thủ thuật” trên, theo một nhân viên của đội quản lý thị trường số 14, đã có những mánh khóe làm rượu giả “không ngờ tới” và nếu có ngờ tới thì cũng khó lòng mà chứng minh được sai phạm, bởi phạm vi xảy ra sai phạm nằm ngoài biên giới đất nước. Đây là những đối tượng đã “lách luật” bằng cách nhập mã (code) để dán vào các chai rượu từ các đại lý chính hãng ở nước ngoài về. Song điều đáng nói là khâu pha chế và đóng chai lại diễn ra ở Việt Nam. Vì vậy, ngay cả trong trường hợp có xác nhận của chủ sở hữu thì mọi việc cũng không đơn giản, vì mã code đó hoàn toàn chính xác.

    Một chuyên viên ở Cục Quản lý thị trường cho biết, nếu so sánh giữa rượu nhập khẩu qua cửa khẩu với số rượu tiêu thụ trên thực tế thì số rượu nhập khẩu chính thức chỉ là con số lẻ. Việc phân biệt tem rượu giả bằng mắt thường rất khó. Lực lượng quản lý thị trường muốn phát hiện tem giả, kiểm tra chất lượng rượu thì phải giám định chất lượng và sử dụng tia cực tím. Để bắt được một vụ, lực lượng chống buôn lậu phải điều tra, trinh sát, rồi “cài cắm người vào các đường dây” hàng tháng trời.

    Cũng theo chuyên viên này, khoảng 2 năm nay, rượu ngoại giả bày bán tràn lan trên thị trường. Quản lý thị trường đã bắt nhiều vụ sản xuất rượu giả, rượu dán sai tem, nhãn mác nhưng nhiều quá bắt không xuể. Để tránh mua phải rượu giả, chuyên viên này khuyên NTD nên tìm đến những địa chỉ uy tín, tin cậy, cảnh giác với những loại rượu được giới thiệu là “xách tay từ nước ngoài về”. Khi mua không quên lấy hóa đơn vì đây là cơ sở pháp lý để bảo vệ NTD khi mua phải hàng giả./.

    >> Các chuyên gia khuyên, NTD nên để ý đến một số chi tiết như mức rượu trong chai, nắp chai, màu sắc, đáy chai khi chọn mua rượu. Các loại rượu mạnh như Brandy, Cognac, Whisky… của các hãng trên thế giới được đóng chai tự động, do đó, về mặt nguyên tắc, mức rượu bên trong các chai rất đều nhau. Các đối tượng làm hàng giả thường chỉ đóng bằng tay, vì vậy, mức rượu bên trong chai thường không đều nhau. Khi quan sát một dãy rượu cùng nhãn hiệu trong cửa hàng, nếu thấy chai nào có mức rượu khác với chai còn lại thì ta có thể nghi vấn đó có thể là chai giả. Các đối tượng làm hàng giả thường sử dụng lại nắp thật, hoặc nắp giả tuyệt đối. Nếu quan sát kỹ lưỡng, các nắp thật được sử dụng lại có thể còn lưu các vết xước nhỏ trong quá trình nậy nắp, còn màu sắc của nắp giả trông dại, đường rãnh của nắp giả trông không tinh tế và đều đặn như của nắp thật… Có một số loại rượu được làm giả bằng cách khoan một lỗ rất nhỏ dưới đáy chai. Do đó khi mua, NTD  nên quan sát thật kĩ dưới đáy chai, nếu có dấu vết lạ thì không nên mua.

    Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên