Ai quản lý chất lượng máy lọc nước nano?

Theo các chuyên gia, trên thị trường hiện nay rất ít sản phẩm lọc được các kim loại nặng, đặc biệt là As3+.

Muốn biết thì sang Nga mà hỏi(!)

Được quảng cáo, các nguồn nước máy, nước mưa, nước giếng, nước ao hồ sau khi qua lọc thô mà không cần điện năng; Không có nước thải, không cần đèn tia cực tím, lọc được hết chất bẩn, các kim loại nặng, thuốc trừ sâu, cặn dầu mỡ, đặc biệt là chuyên lọc Asen (As-thạch tín), sản phẩm máy lọc nước công nghệ nano có xuất xứ từ Nga đã được không ít người tiêu dùng (NTD) lựa chọn. Nhiều gia đình đã đặt hoàn toàn niềm tin vào các loại máy lọc nước này, dù không biết thực hư thế nào.

Cô Nguyễn Thị Thu ở Phố 8-3, Kim Ngưu, Hà Nội cho biết, sau khi sử dụng máy lọc nước, được một thời gian, cô Thu lại thêm mối lo khác: Không hiểu tính năng cục lọc có đảm bảo không? Nhỡ không những không lọc được độc tố (nếu có) mà lại thải ra loại độc tố khác thì sao?. “Tôi không rõ công nghệ này là gì, tác dụng thực sự ra sao, có khả năng loại bỏ chất bẩn và độc tố có trong nước hay không? Nói thật là giờ tôi cứ nơm nớp lo nhiễm bệnh nếu chẳng may nguồn nước có độc tố”, cô Thu lo lắng nói.

Để giúp NTD hiểu thêm về chất lượng máy lọc nước này, phóng viên VOV đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Công nghệ sinh thái Ánh Dương (Sunny Eco), đại diện duy nhất tại Việt Nam cung cấp sản phẩm công nghệ nano Nga. Tiếp phóng viên là ông Hà Lương Tín, Tổng Giám đốc công ty. Trả lời câu hỏi máy lọc nước của Sunny Eco có lọc được asen hay không, và với nồng độ asen trong nước là bao nhiêu? Ông Tín cho hay, sản phẩm của Sunny Eco chỉ lọc được asen ở mức 0,2mg, còn trên 0,2mg không lọc được và điều này đã được khuyến cáo rõ trên trang web của Công ty. Nhưng khi phóng viên khẳng định đã tìm hiểu kỹ nội dung đăng trên trang web cũng như tờ rơi quảng cáo sản phẩm của Công ty nhưng không thấy những khuyến cáo này thì ông Tín cho rằng “chúng tôi không thể đưa hết tất cả các thông tin lên trang web được”.

Ông Tín cho biết, Sunny Eco không mang các mẫu nước đến các viện thử nghiệm giống như các công ty khác vì rất tốn tiền và không quan trọng. Nhưng khi phóng viên hỏi, nếu không kiểm tra nguồn nước thì căn cứ vào đâu để biết được trong nước có độc tố hay không và hàm lượng bao nhiêu? Ông Tín khẳng định chắc nịch, quan trọng là chúng tôi sẽ cung cấp nước đủ tiêu chuẩn cho khách hàng, còn nguồn nước đầu vào thế nào là việc của chúng tôi. Sau khi gặng hỏi, phóng viên được ông Tín cho xem một hộp kít để kiểm tra thông số độ cứng của nước và 1 hộp test nhanh thông số asen.

Ông Tín cũng cho biết, công ty của ông hiện chỉ có vài loại test thông số nước như thế này. Trong khi đó, các chỉ tiêu về nước theo tiêu chuẩn nước sạch của Bộ Y tế lên đến hàng chục chỉ tiêu (P.V). Khi hỏi sản phẩm máy lọc nước nano của Nga đã được cơ quan nào ở Việt Nam cấp phép thì ông Tín hồn nhiên nói: “Về nguyên tắc, Nhà nước chỉ cấp phép trong trường hợp nào mà Nhà nước cấm thôi. Không cấm thì doanh nghiệp chỉ cần nhập khẩu qua hải quan”. Phóng viên xin được xem giấy tờ nhập khẩu thì ông Tín từ chối không cung cấp vì cho rằng đây là bí mật kinh doanh. Hỏi về công nghệ của sản phẩm máy lọc nước nano có những thành phần gì mà lọc được asen, amoni ông Tín thừa nhận tuy nhập sản phẩm về bán nhưng ông cũng không nắm được trong thành phần của sản phẩm có gì và cho rằng nếu muốn biết thì phóng viên nên sang Nga mà hỏi(?).

Bộ test kiểm tra độ cứng mà Sunny Eco sử dụng để kiểm tra nước

Chưa có cơ quan kiểm tra

Trên thị trường hiện có đến hàng trăm loại máy lọc nước khác nhau xuất xứ từ Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Nga, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore,... và loại nào cũng quảng cáo lọc được hết các chất bẩn, vi khuẩn có hại và các kim loại nặng. Thậm chí có những nơi quảng cáo nước sau khi lọc “có thể uống ngay mà không cần đun”. Điều này làm cho không ít NTD hiểu nhầm.

Trao đổi với phóng viên về công dụng của máy nano có lọc được asen hay không, PGS.TS Lê Văn Cát, Trưởng phòng hóa môi trường, Viện Hóa học thuộc Viện Khoa học công nghệ Việt Nam thừa nhận rất khó trả lời. Theo nguyên tắc công nghệ nano có thể lọc được kim loại. Nhưng tốt nhất là hỏi doanh nghiệp xem ở Việt Nam cơ quan quản lý nào cấp phép. Muốn biết có lọc được asen hay không phải biết rõ sản phẩm được dùng bằng vật liệu gì, công nghệ như thế nào. Nếu doanh nghiệp “giấu công nghệ và vật liệu thì tôi mạnh dạn nói rằng sản phẩm đó không lọc được gì cả. Hà Nội có đến 1.000 cửa hàng bán máy lọc nước, hàng nào cũng quảng cáo mình là nhất thế giới nhưng có nhiều trường hợp khi chúng tôi kiểm nghiệm mẫu nước sau khi sử dụng máy lọc lại bẩn hơn cả khi chưa lọc. Hình như ở Việt Nam chưa có cơ quan nào quản lý sản phẩm máy lọc nước này, con dấu thì có nhưng kiểm tra thật thì không”, PGS.TS Lê Văn Cát nói.

Còn ông Trần Quốc Việt, Quyền trưởng phòng thí nghiệm, Viện Môi trường nông nghiệp lại cho rằng, máy lọc nước nano của Nga chỉ lọc được trong ít ngày và nồng độ asen càng cao thì tuổi thọ của máy càng ngắn. Ông Việt cho biết: "Không phải phòng thí nghiệm nào cũng kiểm tra được As3+ nên nhiều doanh nghiệp qua mặt NTD là chuyện bình thường. Nếu các phòng thí nghiệm không được đầu tư thì sẽ không kiểm tra được As3+".

Trao đổi về việc không cần mang mẫu nước tới các phòng thí nghiệm mà chỉ cần test qua các bộ kít, ông Việt khẳng định, nếu thử qua test chỉ cho kết quả định tính chứ không cho kết quả chính xác. Thậm chí nồng độ các kim loại nặng trong nước nhiều hay ít cũng không phân biệt được. Nếu sử dụng test như thế mà cho kết quả chuẩn thì các phòng thí nghiệm không cần đầu tư máy móc trị giá tiền tỷ làm gì cho tốn.

Vậy người tiêu dùng biết hỏi ai?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên