Xót thương cháu bé 12 tháng tuổi đối mặt với bệnh hiểm nghèo

(VOV) -  Mới 12 tháng tuổi nhưng bé đã phải cùng mẹ rong ruổi trên khắp các bệnh viện từ Nam ra Bắc để chữa bệnh.

16 năm ròng chờ con chào đời

Tìm đến khoa Nhi – Viện Huyết học và truyền máu Trung ương, hỏi thăm cháu bé Phan Thị Thu Hoài (12 tháng tuổi) ai cũng biết, các cô hộ lý bệnh viện đều à lên “con gái của anh lính đảo Trường Sa đây mà”.

Trở thành “người nổi tiếng” bất đắc dĩ trong khoa Nhi đã được một tuần nay, bé Thu Hoài nhận được sự quan tâm tận tình của các cô chú trong bệnh viện. Bé là con gái đầu lòng của Thượng úy Phan Văn Hoàng (SN 1973 - Tiểu đoàn 862, lữ đoàn 146 vùng 4 Hải quân, hiện đang công tác tại Cụm chiến đấu 1 - Đảo Trường Sa và chị Ngô Thị Hằng (SN 1975).

Trung bình một tháng bé Hoài phải truyền máu một lần

Ngồi nép mình trong lòng mẹ, bàn chân trái được quấn băng y tế trắng xóa mới được chọc tủy, gương mặt ngây thơ của em quay ra nhìn khi có người lạ vào thăm. Thỉnh thoảng có ai gọi đến tên, em khẽ ngước mắt lên nhìn, nhoẻn miệng cười, đôi tay bé xíu huơ huơ trước mặt thích thú. Một lúc sau, vì không cho người lạ bế, em lại ú ớ đòi mẹ như để nũng nịu, tìm nơi bấu víu an toàn.

Ngồi bên cạnh, gương mặt người mẹ ủ rũ, tiếng khóc không bật thành tiếng bởi trong tâm can chị ngổn ngang trăm mối, như có lưỡi dao sắc nhọn đang cứa sâu: Liệu con gái chị đang bị mắc bệnh gì? Có chữa trị được không?

Nhìn con, anh Hoàng quay đi cố giấu những giọt nước mắt mặn chát vào lòng. 19 năm công tác trong quân ngũ, 6 năm làm người lính đảo bảo vệ Tổ quốc trên quần đảo Trường Sa, trong anh chưa bao giờ thôi hết hy vọng, luôn giữ niềm tin về một ngày mai tươi sáng sẽ đến với con gái bé bỏng của gia đình.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo của tỉnh Nghệ An, rời ghế nhà trường anh Hoàng lên đường nhập ngũ tại Cam Ranh – Khánh Hòa. Khi mới 19 tuổi, anh trai làng Phan Văn Hoàng và cô thôn nữ Ngô Thị Hằng đã có hẹn ước sau này sẽ nên duyên vợ chồng. Năm 1996, đám cưới của anh chị được tổ chức trong niềm hân hoan của bà con hai họ.

16 năm xa cách, hai vợ chồng vẫn chờ đợi một thành viên thứ ba trong gia đình. Năm 1998, để vợ chồng có điều kiện gần nhau hơn, anh đưa vợ vào Cam Ranh sinh sống. Căn nhà nhỏ mới xây chẳng được bao lâu cũng phải bán đi lấy tiền “kiếm” con. Rong ruổi trên khắp các bệnh viện lớn từ Nam ra Bắc, đến năm 2011 chị Hằng đón tin vui có bầu cũng là lúc anh Hoàng lên đường vào đơn vị, tiếp tục ra Trường Sa làm nhiệm vụ. 

Giấc mơ tìm thấy bệnh cho con

Thế nhưng, “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, bất hạnh ập xuống không báo trước với gia đình nhỏ bé ấy. Vừa sinh ra, bé Thu Hoài trông vàng vọt, có dấu hiệu bất thường, được chuyển ngay sang phòng cấp cứu, phải tiến hành truyền máu.

Những tưởng “sau cơn mưa trời lại sáng”, nhưng rồi nỗi bất hạnh tiếp tục đeo bám gia đình anh, bởi không lâu sau những dấu hiệu cũ của cháu bé lại tái phát. Để chống chọi với dấu hiệu bệnh hiểm ác, trung bình một tháng bé Hoài phải truyền máu một lần mới có thể duy trì được sự sống.

Khuôn mặt rám nắng, đôi mắt buồn, rầu rĩ nhìn con, chị Hằng chua xót: “Mới 2 tháng tuổi, cháu đã bị chọc tủy để làm xét nghiệm, chuẩn đoán bệnh. Đầu tháng, nhìn cháu như những đứa trẻ bình thường khác, nhưng đến cuối tháng thì yếu dần, không ăn, không chơi, da vàng. Từ khi cháu ra đời, tháng nào hai mẹ con cũng cắp nách nhau tìm đến các bệnh viện từ Nam ra Bắc, nhưng các bác sĩ đều lắc đầu vì không tìm ra bệnh”.

Kể từ khi con chào đời, một năm sau lần đầu tiên anh Hoàng mới được gặp con. Hai cha con gặp nhau trong niềm thương tủi. Nựng con trong lòng, anh Hoàng kể: “Sau bao nhiều thời gian chờ đợi, khi con gái được 12 tháng mới trông thấy con bằng xương, bằng thịt. Lúc đầu trông thấy tôi, cháu lạ lắm, khóc thét lên để đòi mẹ và không cho tôi bế. Sau 3 - 4 ngày “làm quen”, thì cháu mới chịu theo tôi đấy”.

"Gia đình đang chờ kết quả xét nghiệm từ các bác sĩ: cháu bị bệnh gì? Có chữa được không? Chừng nào còn có thể duy trì sự sống cho con thì chừng đó gia đình tôi sẽ không ngừng cố gắng chạy chữa”, anh Hoàng nhìn con mà nói.

Càng ngày bé càng ăn ít đi, môi nhợt nhạt, thay vào đó là thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau. Nhìn nước da xanh xao của Thu Hoài hai vợ chồng anh chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng. Họ vẫn phải gắng cười, động viên nhau để xoa dịu cơn đau cho con.  Họ mong ước các bác sĩ tìm ra bệnh cho con, mong ước có đủ tiền để kéo dài thời gian bên con, để được nhìn thấy con vui cười, lớn dần lên từng ngày…

Căn nhà nhỏ chị thuê ở thôn Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa giờ chỉ còn chiếc xe đạp. Mọi tài sản đều phải bán đi lấy tiền điều trị cho con.

“Con bé là kết quả chờ đợi 16 năm trời của vợ chồng, nên dù có thế nào chúng tôi vẫn không ngừng hy vọng, động viên nhau để chạy chữa cho con”, chị Hằng nói như khóc.

Ngày kia, anh Hoàng lại tất tả trở lại đơn vị, vào đợt huấn luyện mới để chuẩn bị xuống tàu tiếp tục vượt biển ra Trường Sa làm nhiệm vụ, chỉ còn mình vợ và con gái vẫn phải cố gắng từng ngày chống chọi với bệnh tật./.

 

Mọi sự ủng hộ trực tiếp xin gửi về:

Chị Ngô Thị Hằng (Thôn Tân Quý, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà)

SĐT: 01695 099 328

Số CMT: 225 754 704

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giúp em bé dân tộc Nùng bị bệnh hiểm nghèo
Giúp em bé dân tộc Nùng bị bệnh hiểm nghèo

Toàn thân Hoàng Thị Nhì bị đóng vảy, da thịt nứt nẻ, máu và nước vàng rỉ ra khắp mọi chỗ, từ bàn chân lên đến đỉnh đầu, thân thể luôn trong tình trạng đau đớn nhức nhối.

Giúp em bé dân tộc Nùng bị bệnh hiểm nghèo

Giúp em bé dân tộc Nùng bị bệnh hiểm nghèo

Toàn thân Hoàng Thị Nhì bị đóng vảy, da thịt nứt nẻ, máu và nước vàng rỉ ra khắp mọi chỗ, từ bàn chân lên đến đỉnh đầu, thân thể luôn trong tình trạng đau đớn nhức nhối.

13 tháng tuổi bị mắc bệnh hiểm nghèo
13 tháng tuổi bị mắc bệnh hiểm nghèo

Bé bị lách to, hàng tháng đều phải truyền máu

13 tháng tuổi bị mắc bệnh hiểm nghèo

13 tháng tuổi bị mắc bệnh hiểm nghèo

Bé bị lách to, hàng tháng đều phải truyền máu

Thương cảnh gà trống nuôi con bị bệnh hiểm nghèo
Thương cảnh gà trống nuôi con bị bệnh hiểm nghèo

Không được may mắn như các bạn đồng lứa tuổi, em Nguyễn Thị Ngọc Dung (ấp Mỹ Thạnh A, xã Long Tiên, Cai Lậy) bị thiếu máu huyết tán và gia đình quá khó khăn.

Thương cảnh gà trống nuôi con bị bệnh hiểm nghèo

Thương cảnh gà trống nuôi con bị bệnh hiểm nghèo

Không được may mắn như các bạn đồng lứa tuổi, em Nguyễn Thị Ngọc Dung (ấp Mỹ Thạnh A, xã Long Tiên, Cai Lậy) bị thiếu máu huyết tán và gia đình quá khó khăn.

“Vui tết trung thu” với trẻ mắc bệnh hiểm nghèo
“Vui tết trung thu” với trẻ mắc bệnh hiểm nghèo

(VOV) - Những tiết mục hát múa vui nhộn trong ngày hội đã thổi bùng lên không khí Trung Thu cho các bệnh nhi không may.

“Vui tết trung thu” với trẻ mắc bệnh hiểm nghèo

“Vui tết trung thu” với trẻ mắc bệnh hiểm nghèo

(VOV) - Những tiết mục hát múa vui nhộn trong ngày hội đã thổi bùng lên không khí Trung Thu cho các bệnh nhi không may.