Hoàng Nhật Nam kể chuyện văn hóa Bắc bộ bằng sân khấu thực cảnh

VOV.VN - Vở diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ" được xem là dự án khủng của đạo diễn Hoàng Nhật Nam.

Sau những lần tạo dấu ấn đẹp khi làm tổng đạo diễn của các sân khấu lớn như Hoa hậu Việt Nam, Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội, Liên hoan phim Việt Nam, Lễ hội Du lịch… Hoàng Nhật Nam được mời vào vị trí tổng đạo diễn cho vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc bộ” sẽ ra mắt vào tháng 10 tới đây.

Nghệ thuật sân khấu thực cảnh lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam được kỳ vọng là một sản phẩm du lịch độc đáo giới thiệu những nét văn hóa tinh hoa, tinh túy của vùng đất và con người Bắc bộ. Là một đạo diễn sống và làm việc tại miền Nam làm về một sản phẩm đậm chất Bắc, liệu đây là một thử thách lớn?

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam đã có buổi trò chuyện với VOV.VN trong cuộc dấn thân thú vị này.

PV: Là một người sống và làm việc chủ yếu tại Nam bộ nhưng lại làm chương trình thực cảnh về những tinh hoa văn hóa Bắc bộ. Liệu đây là một mạo hiểm?

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam: Sinh ra và lớn lên tại miền Trung, sinh sống và làm việc tại miền Nam, giờ lại đảm nhận một chương trình thấm đẫm về văn hóa Bắc bộ, đúng là một thử thách. Tuy nhiên, trong thời gian học thạc sĩ văn học và làm đạo diễn điện ảnh thì tôi cũng đã tích lũy được khá nhiều kiến thức và vốn sống về văn hóa các vùng miền, trong đó có miền Bắc. Bản thân tôi cũng đã đi xem một số các chương trình sân khấu thực cảnh ở một số nước trên thế giới từ châu Á, châu Âu đến Mỹ để học hỏi thêm kinh nghiệm.

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam.

Ngoài ra phía Tập đoàn Tuần Châu, chủ dự án cũng có mời nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà báo Lê Xuân Sơn trong vai trò là cố vấn văn hóa, lịch sử cũng đã giúp tôi giữ được “thăng bằng”. Trong quá trình xây dựng kịch bản thì chúng tôi cũng đã trao đổi, làm việc với nhau rất nhiều lần. Điều đó cho tôi niềm tin để tạo ra một sản phẩm hay và hấp dẫn.

PV: Tại sao chọn khu vực chùa Thầy làm hoạt cảnh cho sân khấu mà không phải là một địa danh khác? Theo anh khu vực này có giá trị như thế nào trong việc tái hiện những tinh hoa văn hóa Bắc bộ?

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam: Chủ đầu tư đã chọn địa điểm này và đã đầu tư sẵn sân khấu, tôi là người tiếp nhận và biến tâm tư của ông Đào Hồng Tuyển thành sự thực. Sau chuyến đi khảo sát khu vực chùa Thầy, được tiếp xúc với các hiện vật cổ xưa bản thân tôi và những người trong ê kíp thực sự có những xúc cảm. Vở diễn sẽ được diễn ra ở một địa điểm rất thuận lợi về văn hóa bản địa, đó là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Tây. Đây cũng chính là địa điểm mà nhà thơ Quang Dũng viết nên những câu thơ hay nhất trong bài thơ Đôi mắt người Sơn Tây: “Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn/Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng/Sông Đáy chậm nguồn quanh phủ quốc/Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng”.

Nằm ở xứ Đoài, nơi ít bị ảnh hưởng trong suốt hàng ngàn năm chống giặc ngoại xâm và là một trong những trung tâm phật giáo cổ và lớn nhất gần Kinh đô Thăng Long. Khung cảnh nên thơ của núi rừng, người dân hiền hòa chăm chỉ đã là một vẻ đẹp phù hợp để dựng sân khấu ngoài trời.

Êkip sản xuất chương trình tinh hoa Bắc Bộ.

PV: Sân khấu được làm trên một chiếc hồ lớn nhân tạo, có cảnh rừng núi, làng mạc và anh có ý tưởng tái hiện chùa Thầy lên sân khấu làm backgroud thì anh xử lý cảnh thực như thế nào cho đúng với tiêu chí sân khấu thực cảnh?

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam: Người xem sẽ nhìn thấy một hồ nước rất rộng, bao quanh là những ngọn tre xanh, xa xa là rặng núi Sài Sơn. Đó là những cảnh thực. Riêng chùa Thầy thì với khoảng cách xa như thế và cấu trúc không gian người xem sẽ không thấy được bóng dáng của ngôi chùa. Vậy nên chúng tôi đang tâm tư, làm thế nào để tái hiện điều này một cách tốt nhất.

Đây được xem là điểm nhấn rất hoành tráng của chương trình. Tuy nhiên chỉ nằm trong khuôn khổ của một vở diễn mà chuyển tải rất nhiều nội dung, nhiều thời kỳ lịch sử văn hóa Bắc Bộ nên có những phần là thực cảnh, có những phần dùng chất liệu sân khấu để tái hiện lại như: cảnh sinh hoạt rất đỗi bình dị của người dân, hình ảnh về làng nghề tranh dân gian Bắc Bộ, Cổng làng Đường Lâm, không gian chợ quê ngoài sân khấu để du khách có thể thưởng thức những bữa ăn, những món ăn đặc trưng vùng đất Bắc Bộ…

PV: Thời tiết miền Bắc rất phức tạp, tuy nhiên mùa cao điểm của du lịch miền Bắc là mùa Đông. Vậy yếu tố thời tiết có đảm bảo yếu tố vững bền của show diễn hay không khi sân khấu được dàn dựng ở ngoài trời?

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam: Sân khấu ngoài trời thì rủi ro về mặt thời tiết, tuy nhiên đó là điều bắt buộc đối với thực cảnh. Sân khấu trong nhà đảm bảo được độ an toàn lớn nhưng không còn là thực cảnh nữa. Tôi cũng như anh em trong Ban tổ chức cũng đã cân nhắc rất kỹ trong việc "đối phó" với thời tiết mùa đông Hà Nội. Trời lạnh thì lại càng thú vị khi xem, còn nếu trời mưa thì chúng tôi cũng đã chuẩn bị thêm những vật dụng cho khách khi thời tiết gặp mưa.

Các hình ảnh mô phỏng chương trình.

PV: Có thể nói đây là một sản phẩm mà du lịch Việt Nam đang cần. Tuy nhiên, anh kỳ vọng như thế nào về cảm xúc của người xem sau vở diễn?

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam: Thực sự tôi cũng cảm thấy căng thẳng khi đảm nhận vai trò này và phải thực hiện trong một khoảng thời gian không nhiều. Nhưng tôi đã được truyền thêm cảm hứng, truyền thêm lửa từ nhà đầu tư, từ ban cố vấn rất nhiều, là những người rất am hiểu về văn hóa bản địa vùng đất Bắc Bộ. Có hai yếu tố mà tôi đảm bảo người xem sẽ cảm thấy rất thú vị. Thứ nhất, đó là không gian sân khấu ngoài trời bát ngát cây cối, hiệu ứng ánh sáng, thủy đình, hồ nước được đầu tư bằng công nghệ mới từ Hồng Kông được nổi lên trong khoảng 1 phút 30 giây.

Một vài chiêu trò ở dưới mặt nước nữa rất thú vị sẽ gây cho người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Điều thứ hai đó là tôi tin chắc người Việt chúng ta sẽ thực sự rung cảm trước đời sống của ông cha ta những thời kỳ trước, họ sẽ có thêm một các nhìn toàn diện hơn về lề thói sinh hoạt của người dân Bắc Bộ. Còn du khách nước ngoài họ sẽ cảm thấy thú vị vì chỉ sau một vở diễn đã có thêm những khám phá mới về một đất nước có bề dày văn hóa, lịch sử. Tôi kỳ vọng điều này sẽ mang đến những ấn tượng, những cảm xúc đặc biệt cho người xem.

PV: Đối với du khách nước ngoài, vở diễn có hình thức chuyển thể ngôn ngữ để giúp khách hiểu được nội dung câu chuyện?

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam: Khi khán giả đến xem, họ phải được thỏa mãn hai yếu tố: Nghe và Nhìn. Nghe đã và nhìn cũng thấy đã trước khi người ta cảm thụ được tầng kiến thức hay tầng thông tin của câu chuyện. Tôi sử dụng ngôn ngữ của trình diễn, vũ đạo, không có lời thoại mà chỉ có những lời ca tiếng hát.

Trong thời lượng 55 phút, vở diễn được chia ra làm 6 phần: Thi ca, Cõi phật, Hoài cổ, Nhạc họa, An vui và ngày hội. Tất cả sẽ được chuyển tải qua các lĩnh vực nghệ thuật, từ Thi, Ca, Nhạc, Họa đến nghệ thuật Điêu khắc, Kiến trúc. Những tiết mục gợi nhớ hoàng thành Thăng Long xưa cũng như âm sắc các nhạc cụ truyền thống và những loại hình hát văn, há quan họ… sẽ xuất hiện trong vở diễn. Tôi chọn giải pháp không phiên dịch dưới bất cứ hình thức nào mà hãy để ngôn ngữ của nghệ thuật lên tiếng.

"Tinh hoa Bắc Bộ" tái hiện lại những giá trị văn hóa đặc sắc nhất của dân tộc Việt Nam qua các vùng miền.

PV: Anh đã từng chia sẻ, vở diễn “Tinh hoa Bắc bộ” thực sự tạo ra cho anh áp lực lớn đến độ ngày quên ăn, đêm quên ngủ. Khi kịch bản đã hoàn thiện, dự án cũng đã triển khai một phần, vậy áp lực lớn nhất của anh hiện nay là gì?

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam: Áp lực lớn nhất hiện nay đối với tôi là chạy đua với thời gian sao cho đảm bảo được tiến độ và kế hoạch chương trình trong khi khối lượng công việc hiện nay quá nhiều. Tôi đang ước có nhiều thời gian hơn để làm mọi việc tươm tất hơn trước ngày ra mắt. Điều thứ 2 là khi đảm nhận vở diễn này, không tránh khỏi áp lực về dư luận, đặc biệt là đối với một đạo diễn lần đầu tiên đảm nhận loại hình nghệ thuật này. Dĩ nhiên sẽ có nhiều ý kiến trái chiều, khen chê nhưng tôi sẵn sàng đón nhận để ngày càng hoàn thiện vở diễn.

PV: Sau “Tinh hoa Bắc bộ”, liệu có thêm “Tinh hoa Trung bộ”, “Tinh hoa Nam bộ” không, thưa anh?

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam: Đấy là điều đương nhiên! Chúng tôi cũng đã có kế hoạch “Tinh hoa Trung bộ” sẽ khởi động vào đầu năm 2018 và tiếp theo sau đó là “Tinh hoa Nam bộ”. Những giá trị văn hóa đặc sắc nhất của dân tộc Việt Nam qua các vùng miền sẽ được tái sinh trên sân khấu để mỗi một con người Việt cùng cảm nhận không khí linh thiêng và cùng thưởng thức những kết tinh ngàn năm văn hiến.

PV: Cảm ơn anh! Chúc anh thành công với dự án này!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên