Phép thử ngoại giao đầu tiên của tân Tổng thống Ai Cập

Vụ tấn công đẫm máu ở khu vực Sinai đang làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Ai Cập với cả Israel và Palestine.

Chính phủ Ai Cập đã quyết định để tang 3 ngày tưởng nhớ những binh sĩ đã thiệt mạng trong vụ tấn công đẫm máu ở khu vực Sinai đêm 5/8 vừa qua, đồng thời cam kết sẽ có “hành động đáp trả mạnh mẽ” những kẻ đứng đằng sau vụ tấn công, dù là các thế lực trong nước hay nước ngoài.

Người dân tập trung bên ngoài bệnh viện El Arish sau vụ tấn công làm 16 binh sĩ Ai Cập thiệt mạng (Ảnh: AP)

Vụ tấn công nhằm vào một trạm kiểm soát an ninh gần cửa khẩu Rafah, làm 16 binh sĩ Ai Cập thiệt mạng ngày 5/8 vừa qua được xem là vụ tấn công đẫm máu nhất tại khu vực biên giới Sinai của nước này trong nhiều thập kỷ qua. Chính phủ Ai Cập đã ngay lập tức ra lệnh đóng cửa khẩu Rafah giáp dải Gaza, đồng nghĩa với việc cắt đứt con đường duy nhất ra bên ngoài của người Palestine tại khu vực này vào thời điểm đang diễn ra tháng lễ Ramadan.

Phát biểu sau cuộc gặp với Thủ tướng Libya đang ở thăm Cairo, Thủ tướng Ai Cập Hisham Kandil ngày 6/8 tuyên bố nước này sẽ có phản ứng “mạnh mẽ” trừng phạt kẻ thực hiện vụ tấn công.

“Tôi muốn gửi lời chia buồn tới nhân dân Ai Cập và các gia đình có người thân thiệt mạng trong vụ tấn công tại cửa khẩu Rafah. Chính phủ sẽ có hành động đáp trả mạnh mẽ và nhanh chóng”, ông Kandil nhấn mạnh. 

Vụ việc được xem là phép thử ngoại giao đầu tiên của tân Tổng thống Ai Cập Mursi, đại diện của Tổ chức Anh em Hồi giáo lên cầm quyền tại nước này từ cuối tháng 6 vừa qua.

Hiện ông Mursi đang phải đối mặt với áp lực từ Tổ chức Anh em Hồi giáo, khối chính trị có ảnh hưởng nhất nước mà ông từng là thành viên. Tổ chức này đã cáo buộc Cơ quan tình báo Israel đứng đằng sau vụ việc nhằm mục đích “gây khó dễ” cho ông Mursi và thậm chí cho rằng, giờ đã đến lúc phải xem xét lại các điều khoản trong thỏa thuận hòa bình giữa Ai Cập và Israel ký năm 1979. Điều này đi ngược với chủ trương hòa đàm với Israel của ông Mursi kể từ khi ông này lên nhậm chức. 

Điều đáng nói ở đây là hiện cả chính quyền Israel và tổ chức Hồi giáo Hamas ở dải Gaza vốn đang bị nghi ngờ liên quan tới các vụ tấn công này đều phủ nhận trách nhiệm. Thủ tướng Israel Netanyahu nhấn mạnh, Israel và Ai Cập có chung lợi ích trong việc bảo đảm an ninh tại khu vực biên giới, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Israel Barak lại bày tỏ hy vọng, vụ việc sẽ là một hồi chuông cảnh báo đối với chính quyền Ai Cập về tình hình bất ổn tại khu vực.

Về phần mình, tổ chức Hồi giáo Hamas ngày 6/8 đã lên án vụ tấn công và đề nghị hợp tác với chính quyền Ai Cập để xác định thủ phạm. Lãnh đạo Hamas cũng cáo buộc Israel phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công nhằm “phá hoại những nỗ lực chấm dứt sự bao vây cấm vận của Israel với dải Gaza”.

Khó có thể đoán định ông Mursi sẽ hành xử ra sao trước áp lực ngoài nước và trong nước. Chắc chắn một cuộc điều tra sẽ được tiến hành. Song dù kết quả có như thế nào đi nữa cũng sẽ là cản trở không nhỏ trên bước đường chính trị của tân Tổng thống Ai Cập.

Nếu quay lưng lại với Israel, Ai Cập cũng sẽ gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm một sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ, vốn vẫn được cho là đồng minh của Ai Cập. Nhưng nếu chống lại lực lượng Hamas ở Gaza, rất có thể, ông Mursi sẽ tự làm khó mình trong mối quan hệ với liên minh cầm quyền mà Đảng anh em Hồi giáo đang giữ vai trò then chốt./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên