Việt Nam–Campuchia khánh thành cột mốc số 314 trên đất liền

Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.

Sáng 24/6, trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia thuộc địa bàn xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang và xã Rus Xây Sroc Khang Lếch, huyện Kom Pong Trach, tỉnh Kampot, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Campuchia Hun Sen dự lễ khánh thành cột mốc biên giới số 314 trên tuyến biên giới đất liền giữa hai nước và dự Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam-Campuchia lần thứ 3.

Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và tích cực tổ chức các hoạt động chào mừng “Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia”.

Cột mốc 314 là cột mốc có số thứ tự cuối cùng trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia. Tính đến nay, hai nước đã cắm được 238 vị trí, tương ứng với 287 cột mốc (đạt khoảng 76% khối lượng công việc) và phân giới được khoảng 653 km đường biên giới (đạt khoảng 51% khối lượng công việc).

Hai Thủ tướng tại lễ khánh thành cột mốc 314

Cột mốc 314  là một công trình có thiết kế đẹp, nằm trên bờ biển giữa hai nước, nơi có khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, gần khu vực cửa khẩu quốc tế Hà Tiên - Prếch Char.

Đây là lần thứ hai Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Hunsen tới dự lễ khánh thành các cột mốc biên giới. Điều này thể hiện mạnh mẽ các cam kết, sự quyết tâm và nỗ lực chung của Chính phủ hai nước trong việc thực hiện các Hiệp ước, Hiệp định và các thỏa thuận về công tác biên giới lãnh thổ để hai bên sớm hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Sự kiện này có ý nghĩa hết sức đặc biệt, đánh dấu thắng lợi chung của hai nước, hai dân tộc trong việc chung sức cùng nhau xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, đáp ứng lợi ích căn bản và lòng mong muốn của nhân dân hai nước; đồng thời tạo xung lực mới để hai nước cùng quyết tâm sớm hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền”.

Thủ tướng cũng nêu rõ: Việc khánh thành cột mốc biên giới số 314 trực tiếp tạo thuận lợi cho việc giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế và tạo sự ổn định cho người dân hai tỉnh Kiên Giang và Kam Pốt nói riêng, đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch giữa các tỉnh giáp biên của hai nước nói chung. 

Trong bài phát biểu tại lễ khánh thành cột mốc 314, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho rằng, kết quả đạt được trong công tác phân giới cắm mốc Việt Nam-Campuchia thời gian qua là một chương lịch sử mới trong quan hệ giữa hai nước, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ chủ quyền, tăng cường an ninh, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển và nâng cao thu nhập của nhân dân hai nước, đồng thời góp phần thúc đẩy hợp tác giữa các nước trong tiểu vùng Mekong nói riêng và các nước Đông Nam Á nói chung.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia Hunsen đánh giá cao các cơ quan chức năng hai nước đã phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện cho công tác phân giới cắm mốc đất liền giữa hai nước đạt được nhiều kết quả tích cực với bước tiến nhịp nhàng.

Hai Thủ tướng đề nghị Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc hai nước tiếp tục nỗ lực hợp tác chặt chẽ để sớm hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia, đưa đường biên giới chung của hai nước thành một đường biên giới hòa bình, hữu nghị đặc biệt, ổn định và hợp tác phồn vinh…

Tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia

Sáng cùng ngày tại thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Hun Sen chủ trì Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam - Campuchia lần thứ 3. Đây là hoạt động quan trọng trong các sự kiện của “Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia” kỷ niệm 45 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam - Campuchia lần thứ 3 là cơ hội để hai bên đánh giá quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước, đặc biệt là đánh giá về kết quả đạt được kể từ sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Campuchia lần thứ nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh (tháng 12/2009) và Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Campuchia lần thứ hai tại Phnompenh, Campuchia (tháng 4/2011).

Tại hội nghị này, lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam và Campuchia đã trao đổi, thảo luận với đại diện doanh nghiệp, các nhà đầu tư về các cơ chế, chính sách mới nhất trong thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài cũng như các cơ chế ưu đãi và khuyến khích đầu tư của mỗi nước....

Phát biểu trước doanh nghiệp và nhà đầu tư 2 nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia Hun Sen bày tỏ vui mừng trước quan hệ hợp tác Việt Nam- Campuchia đang phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch, trong đó kim ngạch thương mại hai chiều trong năm ngoái tăng trên 55 % so với năm 2010, doanh nghiệp Việt Nam đã có 114 dự án đầu tư tại Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt trên 2,4 tỷ USD...

Thủ tướng Hun Sen đánh giá cao tất cả các công ty Việt Nam đã quyết định đầu tư vào Campuchia, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và tài chính. Campuchia đã mở cửa nền kinh tế đối với tất cả các nhà đầu tư, không phân biệt nhà đầu tư trong nước hay nhà đầu tư nước ngoài.

Thủ tướng Hunsen khẳng định: Chính phủ Hoàng gia Campuchia tiếp tục củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế với Việt Nam, tạo dựng môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi hơn, uy tín hơn đối với các nhà đầu tư và doanh nhân...

Cùng với tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Campuchia đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Campuchia.

Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục duy trì thường xuyên cơ chế đối thoại giữa các cơ quan của Chính phủ hai nước nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh có hiệu quả; hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ và thuận lợi để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa 2 nước trên các lĩnh vực là tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước, nhất là viễn thông, hàng không, khai thác và chế biến khoáng sản, năng lượng, phát triển hạ tầng, du lịch và thương mại, tài chính, ngân hàng, sản xuất và chế biến nông lâm sản, nhất là trồng và chế biến cao su; xây dựng hệ thống phân phối và tiêu thụ một số sản phẩm quan trọng...

Trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam - Campuchia lần thứ 3, đại diện Chính phủ hai nước đã ký kết Nghị định thư về việc sửa đổi, bổ sung Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia năm 2001, tạo cơ sở pháp lý mới thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới.

Kiên Giang cần tiếp tục phát huy lợi về phát triển nông nghiệp

Nhân dịp dự Lễ khánh thành cột mốc 314 trên biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia, ngày 23/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Kiên Giang về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang năm 2012.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Kiên Giang đã nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng cao trên 11% trong nhiều năm liên tục gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.

Năm ngoái, lần đầu tiên Kiên Giang đạt gần 4 triệu tấn lương thực cao nhất cả nước. Thu nhập bình quân đầu người gần 1.700 USD, cao hơn bình quân chung cả nước; còn tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến nay chỉ còn 7%. Kiên Giang cũng đóng góp hơn 1 triệu tấn gạo xuất khẩu trong tổng số khoảng 7 triệu tấn gạo xuất khẩu của cả nước và dự kiến trong cả năm nay sản lượng lúa đạt hơn 4 triệu tấn…

Thủ tướng yêu cầu tỉnh Kiên Giang tiếp tục phát huy lợi thế diện tích tự nhiên lớn nhất trong 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để phát triển sản xuất nông nghiệp; tính toán tăng thâm canh, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để giảm chi phí và năng suất cao hơn.

Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Kiên Giang phát huy tốt hơn nữa lợi thế đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản gắn với đầu tư công nghiệp chế biến, quy hoạch cụ thể để đầu tư phát triển có trọng tâm diện tích nuôi tôm công nghiệp cũng như phát triển mô hình 2 tôm 1 lúa. Cùng với nguồn lực của cả trung ương và địa phương đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Kiên Giang tập trung đầu tư phát triển hệ thống thủy lợị, nhất là ưu tiên nạo vét kênh cũng như đảm bảo điện phục vụ tưới trong sản xuất lúa nhất là các cánh đồng mẫu lớn.

Thủ tướng lưu ý đầu tư thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản không làm tràn lan mà ưu tiên cho nuôi trồng thủy sản theo mô hình nuôi công nghiệp. Tỉnh cũng cần chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, công nghiệp giải quyết nhiều việc làm và công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; tập trung nguồn lực và cơ chế khai thác và phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch, đặc biệt là khai thác tiềm năng, lợi thế của huyện đảo Phú Quốc…

Một trong những yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Kiên Giang cũng như trong Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang năm 2012, đó là tỉnh tập trung làm tốt công tác qui hoạch phát triển, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, phải huy động được nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tính toán cơ chế chính sách phù hợp, tạo ra những đột phá để sớm đưa Kiên Giang trở thành tỉnh công nghiệp, dịch vụ theo hướng hiện đại gắn với nâng cao hiệu quả phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo vệ tài nguyên và môi trường, bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh và chủ quyền lãnh thổ.

Thủ tướng đánh giá cao hội nghị không chỉ giới thiệu, quảng bá hình ảnh tỉnh Kiên Giang với tiềm năng đa dạng, phong phú; chính sách cởi mở, thông thoáng mà còn là dịp để các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước trực tiếp gặp gỡ, trao đổi tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh vào tỉnh Kiên Giang.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang năm 2012, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 6 dự án thuộc các lĩnh vực: thủy sản, du lịch sinh thái, chế biến lương thực, xây dựng… Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cũng đã ký nhiều hợp đồng tín dụng đầu tư trên 11.000 tỷ đồng…/.    

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên