Tự phê bình và phê bình phải thật sự thẳng thắn, cầu thị

Từ kết quả tiến hành kiểm điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, người dân mong muốn các cấp ủy đảng từ Trung ương tới cơ sở triển khai việc tự phê bình và phê bình thẳng thắn, không né tránh những vấn đề mà dư luận đang bức xúc...

Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc triển khai Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thông báo kết quả ban đầu về kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết T.Ư 4. Kết quả đó chẳng những khẳng định tập thể, cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thật sự nêu gương cho cấp dưới mà còn giúp cho các cấp ủy đảng nhiều kinh nghiệm quý trong việc chuẩn bị và tiến hành thực hiện tự phê bình và phê bình trong Ðảng trong thời gian tới. 

Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng” đang đi vào những nội dung trọng tâm, trọng điểm, khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư vừa hoàn thành việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tập thể và cá nhân. Qua theo dõi Hội nghị cán bộ toàn quốc ngày 13/8 vừa qua, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng bày tỏ niềm phấn khởi trước kết quả bước đầu triển khai Nghị quyết đặc biệt quan trọng này, và cho rằng: từ trước đến nay, Ðảng ta đã nhiều lần tiến hành chỉnh đốn, xây dựng Ðảng, nhưng đây là cuộc chỉnh đốn, xây dựng Ðảng mạnh mẽ nhất. Việc tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình được tiến hành từ trên xuống dưới, cấp trên làm trước để làm gương cấp dưới làm theo.

"Tự phê bình và phê bình phải gắn liền với sữa chữa, khắc phục một cách cụ thể, thiết thực. Điều này có nghĩa là từ quá trình tự phê bình và phê bình phải nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng, mà phải được thể hiện ngay trong hiệu quả điều hành cụ thể công việc của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và chính quyền các cấp. Tôi cho rằng, từ cách làm thẳng thắn, nghiêm túc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì cấp dưới triển khai theo nguyên tắc đó nhưng cũng phải có bước phát triển sáng tạo, làm phong phú thêm hình thức phê bình, chứ không hoàn toàn là dập khuôn"- PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nói.

Từ kết quả tiến hành kiểm điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, người dân mong muốn các cấp ủy đảng từ Trung ương tới cơ sở triển khai việc tự phê bình và phê bình thẳng thắn, không né tránh những vấn đề mà dư luận đang bức xúc. PGS.TS Đức Vượng, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư ký khoa học của Hội đồng Lý luận trung ương mong rằng, việc tiến hành kiểm điểm của các cấp ủy Đảng lần này phải nghiêm túc, cầu thị, chân thành, tránh để tự phê bình và phê bình trở thành dịp hạ bệ, làm mất uy tín của nhau.

Nhắc lại lời dạy của Bác Hồ “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng”, ông Nguyễn Túc, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị, tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng phải chỉ ra được tập thể, cá nhân nào có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện ấy thể hiện ở con người cụ thể hằng ngày như thế nào; trách nhiệm và việc khắc phục, sữa chữa ra sao để tránh tình trạng bao che cho nhau. Theo ông Nguyễn Túc, cần xây dựng cơ chế để nhân dân tham gia góp ý xây dựng Ðảng, góp ý với các đồng chí lãnh đạo cấp ủy các cấp, có như vậy việc tự phê bình và phê bình trong Đảng mới chuyển biến thực chất.

Trước sự nêu gương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, một quyết tâm mới trong chỉ đạo và tiếp tục triển khai một cách hiệu quả đợt sinh hoạt chính trị tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 trong toàn Đảng đang hình thành. Tuy nhiên để thực sự tạo được sự chuyển biến, Ðảng ta, trước hết là các đồng chí lãnh đạo các cấp của Ðảng, phải nhìn thẳng vào sự thật, đấu tranh mạnh mẽ, tích cực tự phê bình và phê bình, đồng thời huy động quần chúng nhân dân tham gia góp ý cho cán bộ, đảng viên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên