Trụ cột vững chắc thúc đẩy toàn diện quan hệ Việt Nam-EU

VOV.VN - Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Baroso nhấn mạnh, Việt Nam là đối tác rất quan trọng của Liên minh châu Âu.

Trong khuôn khổ chương trình thăm chính thức Liên minh châu Âu, tối 13/10 (theo giờ Việt Nam) tại trụ sở Ủy ban châu Âu ở Thủ đô Brussel (Bỉ), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiến hành hội đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Baroso. Hai nhà lãnh đạo đã ra Tuyên bố về định hướng kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU) và chứng kiến lễ ký chính thức khoản viện trợ trị giá 400 triệu EUR của Ủy ban châu Âu dành cho Việt Nam giai đoạn 2014 – 2020.

Trong không khí cởi mở, thắng thắn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Baroso đã trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam – EU trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị đến giáo dục, khoa học, công nghệ…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Baroso (Ảnh: Nhật Bắc)

Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng trước những bước phát triển nhanh chóng và tích cực trong quan hệ hợp tác Việt Nam – EU trong thời gian qua, nhất là EU trở thành đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và EU, hai nhà lãnh đạo nhất trí duy trì tiếp xúc và trao đổi đoàn các cấp, tăng cường tham vấn, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp Việt Nam và EU hợp tác đầu tư, kinh doanh tập trung trong những lĩnh vực Việt Nam ưu tiên và EU có thế mạnh liên quan đến thông tin - truyền thông, khoa học – công nghệ, y tế, môi trường, tài chính, biến đổi khí hậu...và một số lĩnh vực khác.

Về Hiệp định thương mại từ do Việt Nam-EU, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tại cuộc họp báo sau hội đàm: “Ngài Chủ tịch EC Baroso và tôi cùng đánh giá đây là Hiệp định quan trọng có thể giúp cho cả hai bên giải quyết các thách thức kinh tế hiện nay và trong tương lai. Chúng tôi cũng nhất trí tăng cường hoàn tất đàm phán để có thể ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU trong một vài tháng tới với mục tiêu đạt một hiệp định có tầm vóc, trong đó có tính tới sự chênh lệch trình độ phát triển và dành cho Việt Nam sự đối xử linh hoạt. Tôi cũng đã đề nghị EU công nhận quy chế kinh tế thị trường đầy đủ cho Việt Nam cùng thời điểm hai bên kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU. Trên tinh thần đó, Chủ tịch EU và tôi nhân dịp này ra Tuyên bố về định hướng kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU. Tôi tin tưởng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU cùng với Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) sẽ là những trụ cột chính trị và kinh tế vững chắc để quan hệ hợp tác Việt Nam – EU ngày càng phát triển, tương xứng với tiềm năng và mong đợi của cả hai bên…”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Baroso nhấn mạnh: Việt Nam là đối tác rất quan trọng của Liên minh châu Âu. Tiềm năng hợp tác giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam còn rất lớn.

Hai nhà lãnh đạo chứng kiến lễ ký EU hỗ trợ 400 triệu Euro cho Việt Nam
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Baroso khẳng định: “…Liên minh châu Âu luôn sẵn sàng sát cánh cùng các bạn Việt Nam để hỗ trợ  các bạn Việt Nam trong tiến trình phát triển và cải cách, nâng cao quản trị quốc gia. Liên minh châu Âu và các nước thành viên là một trong những đối tác dành nguồn vốn ưu đãi lớn cho Việt Nam và chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ các bạn 400 triệu EUR để hỗ trợ phát triển cho các bạn trong giai đoạn 2014-2020. Đây là cam kết dài hạn và chúng tôi đặc biệt quan tâm ưu tiên đến năng lượng bền vững, xây dựng nhà nước pháp quyền và tạo môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư…”.

Bên cạnh quan hệ hợp tác song phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Baroso cũng trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Chủ tịch Manuel Baroso mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ ASEAN- EU; đánh giá cao đóng góp của Việt Nam tại khu vực và cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực đang định hình.

Với tư cách là nước điều phối viên quan hệ ASEAN-EU, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Việt Nam đánh giá cao đóng góp của EU trong tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN cũng như tham gia hợp tác Mekong - Danube. Việt Nam ủng hộ sự tham dự sâu rộng của EU vào các vấn đề khu vực và sẽ nỗ lực thúc đẩy hai bên hướng tới quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-EU.

Hai nhà lãnh đạo cũng đặc biệt hoan nghênh cấp cao ASEAN-EU không chính thức lần đầu tiên diễn ra tại Milan bên lề hội nghị Cấp cao ASEM 10. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Baroso cũng nhất trí ASEM cần quan tâm đến vấn đề an ninh khu vực và sự cần thiết phải duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Baroso khẳng định phản đối các hành động đơn phương, đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực, ủng hộ giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; kêu gọi các bên liên quan nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Kết thúc hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Baroso đã chứng kiến lễ ký chính thức khoản viện trợ trị giá 400 triệu EUR của Ủy ban châu Âu dành cho Việt Nam giai đoạn 2014 – 2020 và ra Tuyên bố về định hướng kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu, trong đó nhấn mạnh mong muốn xây dựng một Hiệp định thương mại tự do hiện đại, toàn diện và cân bằng để giúp hai bên có thể đáp ứng các thách thức về kinh tế hiện nay và trong tương lai./.

Tuyên chung Việt Nam-EU về định hướng kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do:

Hai nhà Lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc sớm kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam, với vai trò là công cụ chủ chốt để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện song phương và tăng cường quan hệ thương mại – đầu tư tốt đẹp hiện có trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.  EU và Việt Nam mong muốn xây dựng Hiệp định thương mại tự do này thành một Hiệp định hiện đại, toàn diện và cân bằng để giúp nền kinh tế của cả hai bên giải quyết các thách thức hiện nay và trong tương lai, và là một nền tảng quan trọng góp phần tăng cường quan hệ giữa châu Âu và Đông Nam Á.

 Hai nhà Lãnh đạo đã điểm lại và hoan nghênh những tiến bộ tốt đẹp và khối lượng lớn các thoả thuận đã đạt được trong tất cả các lĩnh vực đàm phán và thống nhất về định hướng giải quyết những vấn đề còn lại với mục tiêu kết thúc đàm phán trong vài tháng tới. Sau khi trao đổi về các khả năng của giai đoạn đàm phán cuối cùng, hai nhà Lãnh đạo nhất trí cần đạt một kết quả cân bằng, tham vọng trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến tiếp cận thị trường (thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, các dòng đầu tư, mua sắm chính phủ) cũng như các quy định, luật lệ (bao gồm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý của cả hai bên, doanh nghiệp Nhà nước, nội luật, bảo hộ đầu tư, thuế xuất khẩu, hạn chế xuất khẩu… và các lĩnh vực khác). Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh việc hoàn tất FTA sẽ giúp Việt Nam, với tư cách một nền kinh tế thị trường, hội nhập thành công vào nền kinh tế thế giới.

Với mục tiêu trên, hai nhà Lãnh đạo đã chỉ đạo hai đoàn đàm phán nỗ lực hoàn thành đàm phán theo tinh thần đã được thống nhất ở đây, theo sự lãnh đạo và chỉ đạo của Cao uỷ Thương mại EU và Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, nhằm kết thúc đàm phán trong một vài tháng tới./

Cũng trong đêm qua theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo kết quả hội đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Baroso và các biện pháp thúc đẩy quan hệ mà hai bên đã nhất trí, nhất là hai bên ra Tuyên bố về định hướng kết thúc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU.

Nhấn mạnh Việt Nam coi trọng quan hệ với EU, Thủ tướng đề nghị Hội đồng châu Âu tích cực ủng hộ để  hai bên có thể ký Hiệp định trong thời gian sớm nhất có thể, tạo động lực cho quan hệ Việt Nam – EU trong thời gian tới.

Chủ tịch Hội đồng bày tỏ vui mừng trước những phát triển mới, tích cực của quan hệ hợp tác hai bên; đánh giá cao vai trò và vị trí của Việt Nam ở khu vực và khẳng định lập trường của EU là ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982)…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên