“Thiếu công khai thông tin dẫn đến đặc quyền trục lợi“

VOV.VN - “Mảnh đất sắp lên đô thị, thông tin rò rỉ “kín đáo” cho một đối tượng nào đó mua trước với giá rất rẻ để sau đó bán với giá đắt gấp hàng trăm lần. Lợi nhuận ấy rơi vào túi cá nhân".

Các ý kiến thảo luận về dự thảo Luật Tiếp cận thông tin tại hội thảo góp ý kiến do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 25/12 tại Hà Nội đều đánh giá cao việc triển khai xây dựng luật để thể chế hóa quyền con người được hiến định. 

Bên cạnh các quy định thể hiện sự đổi mới, cụ thể thì nhiều nội dung trong dự thảo luật cần phải hoàn thiện để quyền cơ bản này của người dân được thực thi hiệu quả trong cuộc sống.

Tại sao không ghi nhận quyền chia sẻ thông tin?

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, sau 7 năm chuẩn bị, dự thảo Luật đã thể hiện được những quan điểm mới và đúng đắn về quyền tiếp cận thông tin, cơ bản phù hợp với các quy định của Hiến pháp 2013 và các giá trị phổ quát về quyền con người, quyền công dân của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng phần lớn các yêu cầu đang đặt ra từ cuộc sống.

GS Nguyễn Minh Thuyết đề nghị Luật nên thể hiện quyền chia sẻ thông tin được cung cấp 

Đánh giá quy định về nội dung quyền tiếp cận thông tin cụ thể hơn so với các văn kiện quốc tế, bao gồm “quyền đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp, lưu giữ thông tin”, tuy nhiên, theo GS Nguyễn Minh Thuyết, dự thảo lại không đề cập đến “quyền chia sẻ (truyền đạt, phổ biến) thông tin” với tổ chức cá nhân khác.

“Việc không thừa nhận quyền chia sẻ thông tin được cung cấp vừa không phù hợp với điều ước quốc tế, vừa không có ý nghĩa gì vì bất kỳ một công dân nào cũng có thể yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp những thông tin không thuộc loại hạn chế tiếp cận. Đồng thời nó còn có khả năng làm gia tăng số lượng người yêu cầu cung cấp thông tin mà một công dân khác đã được cung cấp, tăng thêm gánh nặng cho cơ quan Nhà nước”.

“Việc không thừa nhận quyền này cũng dễ đặt công dân vào tình trạng vi phạm pháp luật trong trường hợp họ chia sẻ thông tin với người khác dưới bất kỳ hình thức nào”, GS Thuyết phân tích.

Ngoài ra, việc quy định người yêu cầu cung cấp thông tin phải trình bày lý do yêu cầu cung cấp thông tin và mục đích sử dụng thông tin như trong dự thảo vừa không thể hiện sự tôn trọng đối với quyền đã được khẳng định trong Hiến pháp và các điều ước quốc tế, vừa không có ý nghĩa thực tiễn.

“Người dân hoàn toàn có thể trình bày lý do tiếp cận thông tin là “để biết” và mục đích sử dụng là “để nghiên cứu” hoặc bất kỳ lý do, mục đích nào đó không có thực mà cơ quan nhà nước không thể từ chối cung cấp thông tin, vì trong không có quy định từ chối vì lý do và mục đích sử dụng nêu ra không chính đáng”, GS Nguyễn Minh Thuyết nêu rõ.

Trục lợi từ thông tin thiếu công khai

Theo GS Nguyễn Đăng Dung – ĐH Quốc gia Hà Nội, thông tin là quyền của các quyền. Nếu quyền này không được phát động thì khó có điều kiện thực hiện các quyền khác. Người ta nói cái gì không mua được bằng tiền thì mua bằng rất nhiều tiền, nhưng thông tin còn quan trọng hơn tiền bạc. Bởi thông tin tạo sức mạnh, là tri thức, phát triển, thậm chí là sự sống và cái chết.

Thông tin không chỉ “xóa đói” mà còn “xóa lạc hậu”, tạo ra niềm tin của người dân đối với các chủ trương chính sách của Nhà nước. Tuy vậy, do thiếu các quy định ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan công quyền trong việc công khai thông tin đã dẫn đến tình trạng lợi dụng đặc quyền, đặc lợi của một số cá nhân, tổ chức, gây ra sự bất bình đẳng, công bằng trong xã hội, khi phát hiện lại rất khó quy kết trách nhiệm cho chủ thể nào phải chịu trách nhiệm cung cấp thông tin.

GS Nguyễn Đăng Dung: Quyền tiếp cận thông tin còn hơn cả tiền bạc 

“Quy hoạch đất đai thiếu công khai, minh bạch nên nhiều đối tượng trục lợi từ việc này. Một mảnh đất sắp lên đô thị, thông tin sẽ rò rỉ “kín đáo” cho một đối tượng nào đó, mua trước với giá rất rẻ. Đến khi đất đó trở thành đô thị, anh ta bán với giá đắt gấp hàng trăm, nghìn lần. Lợi nhuận ấy rơi vào túi cá nhân, nhà nước không hề có, mà cá nhân người dân, chủ nhân của mảnh đất bị bán đi cũng không hề được. Bao nhiêu người dân ngày càng nghèo đi, bao nhiêu người giàu càng giàu lên mà không phát hiện ra ai là người vi phạm luật”, ông Dung băn khoăn.

Cũng theo GS Nguyễn Đăng Dung,  trong nền dân chủ, tài sản Nhà nước làm ra cũng là của người dân. Thông tin do Nhà nước làm ra, do cán bộ công chức làm ra là của dân bởi anh làm từ tiền thuế của dân và người dân có quyền tiếp cận.

Nhấn mạnh yếu tố góp phần công khai minh bạch của luật, GS Nguyễn Đăng Dung cho rằng: “Đừng nói có đủ các quy định về công khai thông tin rồi nên không cần quy định nữa. Không phải vậy,  vì công khai kia là chủ động của cơ quan nhà nước, còn luật này công khai nằm ở chỗ người dân chủ động tiếp cận, nên khác về tính chất, hình thức và tác động”.

Theo đó, Luật Tiếp cận thông tin phải đặt ra trách nhiệm của công chức trong việc cung cấp thông tin. Nếu không cung cấp hoặc cung cấp thông tin sai, không đúng hạn thì công chức phải chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Luật quy định cụ thể thủ tục làm việc với chính quyền để người dân không còn lúng túng, không còn bị “lừa”, để công chức không còn thái độ đùn đẩy, hách dịch khi thực hiện trách nhiệm phải cung cấp thông tin cho người dân”, GS Nguyễn Đăng Dung nhấn mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

70% doanh nghiệp cần quan hệ cá nhân để tiếp cận thông tin nhà nước
70% doanh nghiệp cần quan hệ cá nhân để tiếp cận thông tin nhà nước

VOV.VN -Theo khảo sát của VCCI, trung bình 10 doanh nghiệp thì có 7 doanh nghiệp cần tới mối quan hệ cá nhân với cơ quan nhà nước để tiếp cận thông tin.

70% doanh nghiệp cần quan hệ cá nhân để tiếp cận thông tin nhà nước

70% doanh nghiệp cần quan hệ cá nhân để tiếp cận thông tin nhà nước

VOV.VN -Theo khảo sát của VCCI, trung bình 10 doanh nghiệp thì có 7 doanh nghiệp cần tới mối quan hệ cá nhân với cơ quan nhà nước để tiếp cận thông tin.

Người dân có quyền tiếp cận thông tin: Thực thi không dễ?
Người dân có quyền tiếp cận thông tin: Thực thi không dễ?

VOV.VN - Đảm bảo quyền tiếp cận thông tin cũng là nhằm bảo đảm các quyền khác của con người, của công dân mà Hiến pháp đã quy định.

Người dân có quyền tiếp cận thông tin: Thực thi không dễ?

Người dân có quyền tiếp cận thông tin: Thực thi không dễ?

VOV.VN - Đảm bảo quyền tiếp cận thông tin cũng là nhằm bảo đảm các quyền khác của con người, của công dân mà Hiến pháp đã quy định.