Cần khuyến khích nâng chuẩn nghèo hơn chuẩn quốc gia

VOV.VN -Làm như thế mới cải thiện nghèo một cách thực chất… nhưng cần khung chính sách cho địa phương đã nâng chuẩn nghèo.

Ông Đỗ Mạnh Hùng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội đã khẳng định điều này khi trao đổi với VOV.VN về công tác xóa đói, giảm nghèo hiện nay.

PV: Theo các báo cáo giám sát và ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, chính sách giảm nghèo thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại, chồng chéo trong các chính sách. Đây có phải là "điểm nghẽn" hiện nay, thưa ông?

Ông Đỗ Mạnh Hùng: Nói về giảm nghèo, ta đã đạt được những thành tựu ấn tượng, được nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, tôi đồng ý với nhận xét còn những hạn chế về mặt chính sách. Hệ thống chính sách tuy được hoàn thiện đầy đủ hơn nhưng vẫn còn hiện tượng chồng chéo, manh mún, dàn trải.

Thứ nhất là chồng chéo về mặt nội dung. Cùng một chính sách về nhà ở nhưng có nhiều văn bản được ban hành. Thứ hai là chồng chéo về mặt đối tượng. Tôi đi giám sát thấy có những người dân của ta học tới 5 - 6 lớp dạy nghề vì nhiều ngành nhiều đoàn thể cùng tổ chức dạy nghề. Một người có thể học tới 5 - 6 lần nhưng kết quả cũng hạn chế vì những lớp đó chỉ là tập huấn ngắn ngày, và cũng chỉ là nâng cao công việc chứ không phải một nghề. Ví dụ như là kỹ thuật trồng táo, nuôi cá rô phi… chỉ là chuyển giao một kỹ thuật mà thôi. Thứ 3 là chồng chéo thời gian, có thể trên cùng một thời gian có nhiều chính sách triển khai nên phân tán.

PV: Vậy theo ông, chúng ta cần khắc phục tình trạng này như thế nào?

Ông Đỗ Mạnh Hùng: Trong báo cáo giám sát của UBTVQH cũng đã nói rõ yêu cầu Chính phủ phải rà soát, sắp xếp lại theo hướng tập trung, giảm bớt các văn bản để hệ thống chính sách giảm nghèo tuy có độ bao phủ rộng nhưng phải rõ thời gian, đối tượng và các chính sách sẽ có hiệu quả hơn.

Về tổ chức thực hiện, có những điểm đáng lưu ý. Thứ nhất, phân công đầu mối phải rõ ràng hơn. Tất nhiên giảm nghèo phải có sự tham gia của cả hệ thống, các bộ, ngành nhưng từng lĩnh vực, chương trình nội dung phải có cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện.

Thứ hai, phải phân cấp mạnh hơn. Nhất là tới đây ta thực hiện giảm nghèo theo địa chỉ, tức là giảm nghèo theo nguyên nhân nghèo. Chúng tôi sơ bộ đánh giá có mấy nguyên nhân nghèo sau: Thiếu vốn, thiếu sức lao động, thiếu kinh nghiệm, kiến thức lao động, nghề, thiếu phương tiện, công cụ, trang thiết bị, thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm và các nguyên nhân khác như thiên tai, ốm đau bệnh tật…

Từng nguyên nhân này phải có những giải pháp khác nhau và chỉ có chính quyền địa phương, cơ sở mới nắm sát tình hình, nắm được nguyên nhân nghèo của từng hộ để có giải pháp thiết thực. Cho nên giai đoạn tới, mặt tổ chức thực hiện phải phân cấp mạnh hơn, điều này cũng tránh được chồng chéo.

Điểm nữa là phải gắn nguồn lực đầu tư với kết quả đầu ra. Trước đây chúng ta đã có gắn một phần nhưng kiểu Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, có những tiêu chí 70% sau khi học nghề xong phải có việc làm thì cũng có những biến báo đi để đảm bảo thủ tục thanh toán. Nhiều địa phương sau khi học xong, người ta ký các hợp đồng giả với các DN để đảm bảo có đủ 70% người học nghề có việc làm sau khi tốt nghiệp, có hợp đồng lao động để đủ hồ sơ để quyết toán.

Tới đây, chúng ta phải gắn kết quả đầu ra mạnh hơn, nghĩa là phải có việc làm thực sự mới giúp cho việc giảm nghèo hiệu quả.

PV: Vừa qua, Bộ LĐ-TB-XH cho biết, hai địa phương không còn tỷ lệ hộ nghèo là TP.HCM và Bình Dương. Ông đánh giá thế nào về con số này?

Ông Đỗ Mạnh Hùng: Đây là một tình hình thực tế ở địa phương, nhưng phải hiểu là không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia (500.000 đồng/người/tháng với thành thị và 400.000 đồng/người/tháng với nông thôn). TP.HCM với mức 500.000 đồng là mức thấp so với yêu cầu chi tiêu trang trải nên họ đã phải nâng chuẩn nghèo lên 16 triệu đồng/năm, trên 1.250.000 đồng/người/tháng. Bình Dương nâng chuẩn nghèo là 800.000 – 900.000 đồng/tháng. Và nếu theo chuẩn nghèo mới này thì vẫn còn một tỷ lệ hộ nghèo nhất định ở các địa phương này. Nhiệm vụ về giảm nghèo vẫn phải tiếp tục đặt ra chứ không phải không còn hộ nghèo nghĩa là hết nhiệm vụ giảm nghèo.

PV: Hiện nay, 5 tỉnh, TP đã nâng chuẩn nghèo cao hơn chuẩn quốc gia là Hà Nội, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai và Tây Ninh. Điều này có nghĩa “chuẩn quốc gia” không còn là chuẩn nữa, thưa ông?

Ông Đỗ Mạnh Hùng: Đây là thực tế nên trong báo cáo giám sát, chúng tôi cũng kiến nghị: Với những tỉnh, TP đã chủ động nâng chuẩn nghèo lên hơn chuẩn quốc gia thì phải khuyến khích. Làm như thế mới cải thiện nghèo một cách thực chất. Nhưng cũng đặt ra những độ vênh nhất định trong chính sách. Ví dụ như về tín dụng theo chuẩn nghèo quốc gia mà không còn hộ nghèo nữa thì sẽ bị cắt giảm nguồn lực, hay là chính sách về BHYT chỉ hỗ trợ những hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn quốc gia thôi. Vì thế, chúng tôi cũng đề xuất phải nghiên cứu để áp dụng một số khung chính sách giảm nghèo cho địa phương đã nâng chuẩn nghèo lên cao hơn so với chuẩn nghèo quốc gia, đặc biệt là chính sách về tín dụng, y tế và giáo dục.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên