Phát triển hợp tác xã gắn với CNH, HĐH đất nước

Việt Nam hiện có khoảng 370.000 tổ hợp tác, 19.500 hợp tác xã, 54 Liên hiệp hợp tác xã, với hơn 13 triệu xã viên và người lao động.

Sáng 7/7, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành và tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm Năm Quốc tế hợp tác xã lần thứ 18 và Ngày Hợp tác xã Quốc tế lần thứ 90. Tham dự có hơn 1.000 đại biểu trong nước và quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự và có bài phát biểu quan trọng.

Liên minh hợp tác xã quốc tế là một trong những tổ chức quốc tế lớn nhất, đại diện  cho hơn 750.000 hợp tác xã với gần 1 tỷ xã viên của gần 100 nước thành viên. Vị thế, vai trò và những đóng góp của tích cực của phong trào hợp tác xã quốc tế được Liên hiệp quốc ghi nhận, đặc biệt đối với phát triển bền vững, xóa đói, giảm nghèo và góp phần thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ.

Ở Việt Nam, các tổ hợp tác, hợp tác xã tập hợp khoảng hơn 13 triệu xã viên và người lao động – là khu vực kinh tế - xã hội rộng lớn, có tác động quan trọng đến sự phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm của những người có thu nhập thấp, đặc biệt là người nông dân.

Với  chủ đề "Hợp tác xã xây dựng một thế giới đẹp hơn", Năm Quốc tế hợp tác xã 2012, Liên hiệp quốc và Liên minh hợp tác xã quốc tế mong muốn tuyên truyền, giới thiệu những mô hình hợp tác xã điển hình đến đông đảo người dân...

Bà Yuriko Shoji, Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc tại Việt Nam khẳng định: Liên hiệp quốc tại Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông thôn mới, cũng như các hoạt động nâng cao năng lực cho các hợp tác xã. Liên hiệp quốc tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam nhằm góp phần tạo môi trường chính sách và pháp lý thuận lợi cho các hợp tác xã; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ Liên minh hợp tác xã Việt Nam và Chính phủ Việt Nam để đổi mới khu vực hợp tác xã như một lực lượng cho phát triển xã hội, tăng trưởng bền vững và bình đẳng”.

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, phong trào hợp tác xã đã và đang phát triển rộng khắp ở nhiều nước, có vai trò, vị thế và đóng góp to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia. Đây là mô hình của sự trợ giúp và đoàn kết và đã trở thành tổ chức kinh tế xã hội mang tính nhân văn sâu sắc, là kết tinh của tinh thần hợp tác, chia sẻ và góp phần mang lại thịnh vượng cho các thành viên và cho xã hội.

Hoạt động của các hợp tác xã ở Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào GDP, giải quyết việc làm, góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tham gia xoá đói giảm nghèo, xây dựng cộng đồng, hỗ trợ tương thân, tương ái, góp phần vào xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương và cơ sở…

Để tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác xã có hiệu quả, Thủ tướng cho rằng cần quán triệt và nắm vững đầy đủ các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế tập thể. Phát triển hợp tác xã phải trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc hợp tác xã, tuân thủ các quy định trong luật Hợp tác xã, tôn trọng nguyên tắc tự nguyện của các thành viên. Gắn quá trình phát triển hợp tác xã với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, quá trình xây dựng nông thôn mới. Kết hợp phát triển mới với việc chú trọng củng cố, nâng cao hiệu quả của các hợp tác xã hiện có.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Liên minh phải làm thật tốt các hoạt động hỗ trợ phát triển đối với kinh tế tập thể, coi trọng hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý hựop tác xã và dạy nghề cho xã viên và người lao động, kỹ năng quản lý theo các tiêu chuẩn mới, nâng cao kiến thức về thị trường, thông tin, xây dựng thương hiệu, hội nhập kinh tế quốc tế...; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ khác như tín dụng, thông tin, tư vấn khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, tham gia triển khai các chương trình, dự án kinh tế - xã hội, đặc biệt là các dịch vụ mà thành viên đang có nhu cầu và đòi hỏi cấp thiết hiện nay. Phấn đấu đưa “hợp tác” trở thành một nét văn hóa trong xã hội ta, đưa tinh thần và sinh hoạt dân chủ vào đời sống đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể cần quan tâm  phối hợp, tạo điều kiện để Liên minh hợp tác xã Việt Nam làm tốt chức năng, nhiệm vụ thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tập thể.

Liên minh hợp tác xã Việt Nam cần tăng cường hợp tác với Liên minh hợp tác xã quốc tế và các Liên minh hợp tác xã của các quốc gia khác để cùng phát triển, đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH đã đề ra, phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên