Nhân sĩ trí thức, luật gia bày tỏ thái độ về vấn đề biển Đông

Các tầng lớp nhân dân đều bất bình trước những hành động làm phức tạp tình hình biển Đông của phía Trung Quốc.

Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị trao đổi ý kiến về tình hình biển Đông. Hội nghị đã thu hút sự chú ý và tham gia của đông đảo nhân sĩ trí thức, luật gia…

Theo ý kiến của nhiều đại biểu, hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên biển của phía Trung Quốc là hoàn toàn có chủ ý, cố tình vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Cụ thể là: Công ước Luật Biển năm 1982 Liên Hiệp Quốc (UNCLOS 1982) và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông năm 2002 (DOC 2002), làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông, nhằm biến khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp để thực hiện mục tiêu về yêu sách “đường chín đoạn” vốn không có chứng cứ pháp lý quốc tế của phía Trung Quốc.

Giáo sư Lưu Văn Đạt – Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQVN cho rằng các tầng lớp nhân dân, giới nhân sĩ trí thức, luật gia… cần phải bày tỏ thái độ về vấn đề này, ủng hộ các chính sách của Chính phủ trong vấn đề biển Đông. GS Lưu Văn Đạt nhấn mạnh: “Giới nhân sĩ trí thức cần lên tiếng bày tỏ thái độ về vấn đề này để tạo sự đồng thuận trong xã hội…”.

Dư luận trong nước rất hoan nghênh những phản ứng kịp thời, mạnh mẽ của Bộ Ngoại giao Việt Nam khi tổ chức Họp báo chuyên đề cung cấp thông tin một cách chi tiết về những vụ tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam; trao công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc cương quyết phản đối việc làm sai trái của các tàu Hải giám và tàu cá nước này. Việc Việt Nam chủ động đưa các vụ tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam ra Hội nghị Shangri-la và các diễn đàn quốc tế khác đã chứng tỏ cho thế giới biết rõ hơn quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong vấn đề biển Đông, được dư luận trong nước và quốc tế hoan nghênh.

Ông Phạm Văn Chương Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Đối ngoại – Kiều bào thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ sự hoan nghênh việc thông tin chính xác, kịp thời ở trong nước và tại các diễn đàn quốc tế. “Tôi nghĩ việc làm đó là cần thiết, nên tiếp tục làm” – ông Phạm Văn Chương khẳng định.

Nhiều đại biểu đánh giá cao tinh thần yêu nước, thái độ bất bình của các tầng lớp nhân dân trước những hành động làm phức tạp tình hình biển Đông của phía Trung Quốc. Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng người dân cần được thông tin kịp thời, toàn diện hơn về tình hình biển Đông cũng như các hoạt động bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Nhà nước, qua đó tạo được sự đồng thuận trong xã hội khi xử lý các vấn đề phức tạp nảy sinh.

Giáo sư Trần Ngọc Đường – Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ- Pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị: “Cần có một nghị quyết chỉ rõ trong tình hình hiện nay, quan hệ ứng xử trong nhân dân ta như thế nào cho phải, cho đúng. Trên cơ sở đó, các tổ chức chính trị xã hội mới có điều kiện, có cơ sở để tuyên truyền phổ biến và có sự thống nhất về tư tưởng, về nhận thức”.

Theo các vị đại biểu, công tác thông tin tuyên truyền đối nội, đối ngoại về chủ quyền Việt Nam tại biển Đông và tình hình biển Đông nói chung cần phải được đẩy mạnh hơn nữa để nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế hiểu đúng về tình hình. Qua đó, nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp góp phần bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia, xây dựng biển Đông thành vùng biển hòa bình- hữu nghị và hợp tác./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên