Làm rõ bản chất, tính đặc thù của Hợp tác xã

Việc xác định tính đặc thù của HTX nhằm có chính sách, cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phù hợp và chế tài xử lý các hành vi vi phạm, tạo điều kiện cho HTX phát triển nhưng không sai lệch bản chất

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII - Những quyết sách quan trọng

Sáng 17/11, các đại biểu thảo luận tại tổ, cho ý kiến về dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Qua khảo sát thực tiễn 6 năm triển khai Luật Hợp tác xã (HTX), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thấy rằng, thực trạng khu vực HTX hiện nay phát triển chưa thực sự vững chắc, còn gặp nhiều khó khăn.

Luật HTX năm 2003 mặc dù về cơ bản đã thể chế hóa và phù hợp với các yêu cầu, quan điểm phát triển kinh tế tập thể theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa IX), nhưng vẫn còn một số hạn chế: chưa làm rõ bản chất của mô hình HTX; chưa làm nổi bật tính chất phục vụ xã viên của tổ chức HTX; quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật của HTX còn thiếu hoặc chưa được hướng dẫn thực hiện, một số quy định chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế.

Thêm vào đó, công tác quản lý nhà nước đối với HTX cũng còn nhiều bất cập, hệ thống bộ máy quản lý Nhà nước đối với HTX chưa được xác định rõ và tổ chức thống nhất với một đầu mối, chế độ thông tin, báo cáo hoặc chưa có, hoặc được thực hiện một cách không thường xuyên…

Tờ trình của Chính phủ cho biết, mục tiêu sửa đổi Luật HTX hiện hành nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển HTX mới, đồng thời định hướng phát triển cho các HTX hiện đang hoạt động theo đúng bản chất HTX.

Việc sửa đổi cũng nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của hàng chục triệu hộ nông dân, hàng chục triệu người tiêu dùng, hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ và các tổ chức khác; đồng thời tăng cường năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là kinh tế hộ nông dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô vừa và nhỏ trong điều kiện cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

Luật HTX (sửa đổi) cũng nhằm mục tiêu góp phần bảo đảm công bằng và ổn định kinh tế, chính trị, xã hội; góp phần định hướng Xã hội Chủ nghĩa nền kinh tế thị trường ở nước ta.

Nhiều đại biểu đồng tình với ý kiến của Uỷ ban kinh tế cho rằng, nhiều quy định trong dự thảo Luật còn rất chung chung, khó áp dụng, một số quy định chưa dựa trên việc xem xét, cân nhắc kỹ tình hình thực tế và điều kiện cụ thể của các hợp tác xã đang tồn tại, dẫn đến nếu áp dụng sẽ lại gây ra những khó khăn cho sự phát triển khu vực hợp tác xã.

Đại biểu Đặng Văn Khanh, Nguyễn Thị Hoa, Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) đều bày tỏ thắc mắc, tại sao điều 4 của dự thảo Luật lại quy định HTX phải do ít nhất 7 thành viên hợp tác với nhau thành lập và liên hiệp HTX phải do ít nhất 4 HTX thành viên hợp tác thành lập? Theo các đại biểu, xuất phát từ đâu mà dự thảo Luật lại đưa ra những con số cụ thể này, có phải tổng kết từ kinh nghiệm thực tiễn thời gian qua hay không?

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Luật nên cân nhắc, không nên quy định cơ cấu tổ chức quản lý HTX, liên hiệp HTX gồm đại hội thành viên, hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc và ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên. Nếu quy định như vậy thì sẽ giống với mô hình tổ chức của một doanh nghiệp và sẽ phải hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nếu quy định như vậy sẽ không thể hiện được tính đặc thù của HTX.

Việc dự thảo Luật bổ sung việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân vào phạm vi điều chỉnh, đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) đề nghị không nên quy định quỹ tín dụng nhân dân là một loại hình hợp tác xã. Theo đại biểu, quỹ tín dụng nhân dân về bản chất cũng là kinh doanh tiền tệ, do vậy nó phải chịu sự quản lý và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng.

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế cũng cho rằng, trên thực tế, hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân, bao gồm cả huy động vốn và cho vay đã mở rộng đến cả các đối tượng không phải là xã viên; nếu việc tổ chức, hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân cũng áp dụng theo các quy định của dự thảo Luật (ví dụ về thành lập, phân phối lợi nhuận, về xử lý tài sản không chia khi phá sản...), thì sẽ xảy ra tình trạng chồng chéo trong các văn bản pháp luật và khó khăn trong triển khai thực hiện.

Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của các quy định pháp luật, Uỷ ban Kinh tế đề nghị cần nghiên cứu, rà soát và có quy định cụ thể những hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân, ngân hàng hợp tác xã mang tính nguyên tắc chung của mô hình hợp tác xã sẽ được điều chỉnh tại dự thảo Luật, những hoạt động mang tính chuyên ngành thì áp dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

Chiều 17/11, các đại biểu làm việc tại Hội trường biểu quyết thông qua: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật khoáng sản (sửa đổi); Thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên