GS Văn Như Cương: “Chưa thỏa mãn cách chất vấn Bộ trưởng GD-ĐT”

GS Văn Như Cương: “Tôi đã cố chờ đợi, nhưng câu hỏi của đại biểu còn quá vụn vặt, chưa chất vấn được những vấn đề lớn để đổi mới GD-ĐT”

Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV Online, GS Văn Như Cương cho biết, ông đã dành trọn thời gian buổi sáng để nghe phần chất vấn Bộ trưởng Giáo dục- Đào tạo Phạm Vũ Luận và đã chờ đợi những quyết sách được đưa ra trong buổi chất vấn này để đổi mới nền giáo dục một cách căn bản và toàn diện như trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI… Tuy nhiên, theo GS Văn Như Cương, cả người hỏi và trả lời chất vấn đều chưa làm ông thỏa mãn về những vấn đề lớn đang tồn tại của ngành giáo dục…

GS Văn Như Cương (ảnh: KT)

PV: Thưa GS, ông có đánh giá như thế nào về phần chất vấn của đại biểu Quốc hội cũng như phần trả lời của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trong phiên chất vấn sáng nay?

GS Văn Như Cương: Phần chất vấn về giáo dục của các đại biểu QH và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận làm tôi không thỏa mãn. Về tình hình giáo dục hiện nay của nước ta, tất cả các đại biểu QH đều rất rõ, nhưng các câu hỏi trong một phiên chất vấn sáng nay lại không thể hiện được những yêu cầu cần thiết đối với ngành GD-ĐT, mà còn tập trung vào những vấn đề mang tính cụ thể, như: về phụ cấp, chất lượng đề thi tốt nghiệp, điểm thi Sử…

Đại hội Đảng lần thứ XI có một Nghị quyết quan trọng là sẽ làm một cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà. Đó là một điều hết cần thiết, nhưng tôi lại chưa thấy được thể hiện trong cuộc chất vấn của đại biểu QH và trả lời của Bộ trưởng GD-ĐT.

Điều mà cử tri mong đợi là trong phiên chất vấn này, phải bàn về việc triển khai Nghị quyết đó như thế nào. Nếu tôi là đại biểu, tôi sẽ hỏi Bộ trưởng có kế hoạch gì để thực hiện được Nghị quyết này trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Đổi mới căn bản và toàn diện cũng có thể nói là một cuộc cách mạng căn bản về giáo dục, thì tiến trình phải như thế nào? Bộ trưởng có ý định đề nghị với Đảng, Nhà nước thành lập một Ban đổi mới hay Ban cải cách hay không? Ban ấy sẽ gồm những thành phần nào?...

Có một vài đại biểu cũng hỏi qua về vấn đề này nhưng Bộ trưởng cũng trả lời quá ngắn gọn, cho nên tôi không thấy được chúng ta đang đòi hỏi được vai trò của Bộ Giáo dục-Đào tạo trong việc thực hiện Nghị quyết này để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Từ đầu đến cuối phiên chất vấn, tôi đã cố gắng nghe và chờ đợi một vài câu hỏi đi vào cụ thể vấn đề lớn đó và phần trả lời của Bộ trưởng, nhưng lại nhận được những câu hỏi và trả lời khá vụn vặt.

PV:Tại buổi chất vấn, các đại biểu cũng đã đặt ra được nhiều vấn đề mà dư luận đang rất quan tâm, như: đào tạo ĐH công lập và ngoài công lập, việc một số nơi từ chối tuyển sinh công chức tốt nghiệp hệ tại chức, từ xa… Vậy phần trả lời của Bộ trưởng GD-ĐT về vấn đề này có làm Giáo sư hài lòng?

GS Văn Như Cương: Tôi đồng ý với phần trả lời của Bộ trưởng, là phối hợp với Bộ Nội vụ để chỉnh đốn những việc này. Bởi trong Luật Giáo dục cũng như điều hành của Bộ GD-ĐT là không phân biệt giữa bằng dân lập và công lập, chính quy và từ xa…. Bộ trưởng cũng nói đến một vấn đề rất đúng nữa là việc một số tỉnh từ chối tuyển sinh công chức tốt nghiệp hệ tại chức, từ xa là một cảnh báo cho Bộ GD-ĐT rằng, chất lượng của các trường ngoài công lập còn rất yếu. Và cũng không nên vơ đũa cả nắm vì trường dân lập cũng có những em rất giỏi, cũng có những em yếu kém. Trường công lập cũng vậy. Chúng ta tuyển là tuyển năng lực của người dự tuyển chứ không phân biệt bằng cấp.

PV: Là một người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của nước nhà, GS nhận xét như thế nào về những giải pháp mà Bộ GD-ĐT đưa ra trong thời gian vừa qua để chấn chỉnh lại những tiêu cực, tồn tại của ngành mình?

GS Văn Như Cương: Tôi chỉ nói một điều là có nhiều vấn đề mà Bộ trưởng GD-ĐT không nắm được. Ngay như trong phiên chất vấn, có vấn đề lớn mà chúng tôi rất quan tâm là việc giảm tải. Theo Bộ trưởng thì giảm tải để tạo ra những lỗ hổng lớn về thời gian để thầy và trò tranh thủ thời gian đó cho những việc khác có tính chất như về bồi dưỡng tư cách đạo đức, chăm sóc di sản… Nhưng đối với chúng tôi, những người làm công tác giáo dục ở địa phương lại thấy rằng, việc giảm tải này không mang lại điều gì, ngoài thêm một số khó khăn. Giảm tải không tạo ra những lỗ hổng lớn như Bộ trưởng nói, không có tác dụng mà chỉ làm thêm gánh nặng học thêm cho học sinh. Đó là một ví dụ cụ thể để thấy rằng, chúng ta vẫn chưa sâu sát thực tế, chưa tổng kết được và chưa nắm được tình hình ở địa phương.

PV: Xin cảm ơn GS./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên