Gặp mặt đồng bào miền Nam tập kết 1954 – 1975

Với những người đi tập kết, tình cảm của đồng bào miền Bắc không bao giờ phai. Nhiều người đã chọn nơi đây là quê hương, gắn bó để xây dựng tương lai, đất nước.

Hôm nay (25/4), lần đầu tiên sau ngày giải phóng, Ban Liên lạc Trung ương đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc những năm 1954 – 1975, tổ chức buổi gặp mặt các hội viên còn ở lại miền Bắc, tại số 120 Lê Thái Tổ, Hà Nội. Đây chính là câu lạc bộ Thống Nhất, nơi sinh hoạt và hội họp của cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc trong những năm chiến tranh.

Ngày 20/7/1954, sau 9 năm kháng chiến, Hiệp nghị Geneva lập lại hòa bình, công nhận quyền dân tộc gồm 6 chương và 47 điều khoản đã được ký kết. Văn kiện này quy định tạm thời chia nước Việt Nam làm hai miền Bắc – Nam trong hai năm, nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm đã phá hoại hiệp định, kéo dài thời gian chia cắt đất nước hơn 20 năm, gây bao đau thương cho cả dân tộc Việt Nam và bao nỗi nhớ nhung cho đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc.

Trong những năm chiến tranh, câu lạc bộ Thống Nhất và Hồ Gươm chính là điểm hẹn để những cán bộ, học sinh miền Nam gặp gỡ, chuyện trò, tìm kiếm thông tin về người thân, để vơi đi nỗi nhớ quê nhà.

Nhà văn Xuân Tùng, cán bộ tập kết ra Bắc nhớ lại: "Cứ thứ 7, Chủ nhật chúng tôi ra đây tìm gặp bạn bè, có khi từ Hải Phòng đi xe lửa lên rồi chiều lại về. Hồi đó, dọc đường bờ Hồ toàn bán đồ ăn miền Nam như chè Huế, nước cốt Dừa…".

Trong số các đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc, có nhiều con em cán bộ miền Nam ra Bắc học tập. Sinh ra ở miền Nam nhưng được nuôi dưỡng, học tập và trưởng thành ở miền Bắc, những học sinh miền Nam ngày ấy không bao giờ quên tình cảm đồng bào miền Bắc dành cho mình.

Bác Phạm Thị Cúc, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, sau này là giảng viên Đại học Kinh tế quốc dân nhớ lại: "Tôi ra đây được đón tiếp nồng hậu. Trong sự khó khăn của nhân dân miền Bắc mà chúng tôi được ăn học như thế thì phải gắng học, công tác trong mọi lĩnh vực để ba má trong miền Nam cũng yên tâm".

Ngày giải phóng đất nước, hòa trong niềm vui chung của dân tộc, cán bộ học sinh miền Nam còn có niềm vui riêng được trở về thăm lại quê hương, gia đình. Do công việc, rất nhiều người trong số cán bộ học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đã tiếp tục ở lại, xem miền Bắc như quê hương thứ 2 của mình. Nhiều người trong số họ đã thành đạt, trở thành nghệ sĩ, nhà văn, thầy giáo đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước. Hôm nay, họ gặp nhau, cùng trao đổi, tiếp nhận tư liệu để ra tập sách “Đồng bào miền Nam tập kết 1954 – 1975”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên