Những kẻ sát nhân không tín hiệu

Những sát thủ lạnh lùng, không tiền án tiền sự, đột nhiên ra tay lấy đi mạng sống của người khác.

Một cô gái trẻ mang hung khí đến đâm chết hai cha con người bạn thân chỉ vì bị tuyệt giao bởi thói ăn cắp vặt. Một thanh niên đi lao động xuất khẩu đâm chết hai người bạn đồng hương cùng phòng vì không đạt được thỏa thuận về việc ai sẽ là người tắt đèn trước khi đi ngủ. Những cái chết không ai ngờ tới, những kẻ sát nhân không tín hiệu. Tại sao người ta lại dễ dàng giết nhau đến thế? Đó không hoàn toàn là câu chuyện hình sự mà thực sự là một vấn đề của xã hội khi mà người ta quá dễ dàng xuống tay lấy đi tính mạng đồng loại.

Ngày hôm qua, một gã trai vì cãi nhau với người yêu mà nổ súng làm bốn người bị thương, hôm nay đã không ai còn nhớ. Những vụ án mạng kinh hoàng của ngày hôm nay nằm lọt thỏm trong những tin tức về nội y bị lộ. Những câu chuyện máu lạnh kể trên đã không còn là sản phẩm tin tức hiếm hoi trên mặt bằng báo chí. Dường như những cái chết vô lý đang bùng nổ như một bệnh dịch. Ba năm trước, câu chuyện cô gái cắt cổ người tình cũ có thể khiến dư luận xôn xao cả năm trời.

Tội ác giờ đây không mang khuôn mặt của những kẻ sát nhân hung dữ. Những kẻ sát nhân giờ đây có thể là những cô gái trẻ, những bà mẹ, những đứa con trong gia đình, những người tình, và những người bạn thân. Còn sự trừng phạt?. Người ta sợ hãi vì không có tiền, vì bị chà đạp bởi những đồng loại có quyền lực và giàu có, sợ hãi vì thiếu thốn cơ hội, vì mê tín dị đoan…  Sự trừng phạt mà con người ta sợ hãi không phải việc đối diện với lương tâm như thời của Dostoievky.

Trước khi xuống tay giết đi một mạng người, ít kẻ sát nhân từ bỏ ý định vì nghĩ đến cái án tử hình. Từ xưa đến nay, điều duy nhất khiến con người ta từ bỏ ý định sát nhân bao giờ cũng là sự sống chứ không phải cái chết. Sẽ không ai giết người nếu như nghĩ đến việc sẽ sống phần đời còn lại như thế nào sau khi tước đi mạng sống của người khác? Chỉ cần có ý nghĩ đó, người ta còn lương tâm, và không thể giết người. Và vấn đề của xã hội khi xuất hiện những kẻ sát nhân máu lạnh không phải là thiếu những án tử hình nghiêm khắc, mà là thiếu lương tâm.

Lương tâm đã không có khi hàng chục con người nhảy xổ ra đường nhặt tiền của một người bị cướp hụt. Lương tâm cũng không có khi các nhân viên y tế để mặc bệnh nhân chết chỉ vì ngái ngủ. Lương tâm càng không có khi nhiều quan chức địa phương khai gian thiệt hại để nhận tiền hỗ trợ của nhà nước chia nhau. Lương tâm tuyệt nhiên vắng bóng khi hàng ngàn công chức nhà nước chen lấn dẫm đạp lên nhau để tranh tờ giấy nhàu tại Đền Trần với hy vọng sẽ tiến chức thăng quan.

Những người cướp tiền ngoài phố không sợ lương tâm cắn rứt, những nhân viên y tế ngái ngủ không nghĩ đến lương tâm, những công chức cướp ấn đền Trần thì hẳn nhiên coi lương tâm là điều xa xỉ. Như thế, họ mới dễ dàng thực hiện những hành vi kể trên.

Vậy lương tâm được hình thành và nuôi dưỡng như thế nào? Chắc chắn nó không phải bằng cấp, cũng không phải kết quả quá trình chuyển hóa protein. Lương tâm xã hội là quá trình tiếp xúc với những vẻ đẹp nhân văn của đời sống tinh thần, là những giá trị văn hóa được hình thành như trầm tích thời gian trong lịch sử dân tộc. Nhưng, cả hai yếu tố quan trọng này dường như đang bị hẫng hụt.

Một thời gian dài mải mê phát triển kinh tế, người ta vô tình lãng quên sự quan trọng của việc nuôi dưỡng những giá trị nhân văn. Sáng 14/7, bà Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết: "Mười năm qua, cả chục tòa nhà cao tầng mọc lên ở phường Láng Hạ nhưng chỉ xây thêm được một trường mầm non và một trường tiểu học".

Đời sống tinh thần của người dân còn đáng lo ngại hơn khi nhìn vào các lễ hội. Lễ hội là bộ mặt văn hóa của dân tộc, song các lễ hội của chúng ta, từ hội làng đến festival tầm cỡ quốc gia, những yếu tố văn hóa có giá trị, có bề dầy truyền thống hầu như chỉ được phục dựng một cách vội vàng và cẩu thả. Thay vào đó là rất nhiều lai căng, rất nhiều sản phẩm thương mại trá hình, là mê tín, dị đoan. Những lễ hội kiểu lai căng như thế cho thấy đời sống tinh thần, tâm linh của người dân bị tổn thương rất nhiều, dẫn đến lương tâm yếu ớt và dễ dàng bị lấn át bởi lòng tham, bởi bạo lực, và sự hỗn loạn.

Cổ nhân rằng: Trong nhà tích điều thiện sẽ có nhiều niềm vui, tích điều bất thiện ắt sẽ có tai ương. Đọc báo hàng ngày, chúng ta thấy nhan nhản những câu chuyện cha giết con, vợ giết chồng, người tình giết người tình. Người ta dễ dàng giết cả những người thân yêu. Đến học trò cũng sẵn sàng đâm chém nhau. Có cảm giác bạo lực và hận thù đang tràn lan trong cuộc sống. Báo chí là tấm gương phản ánh tâm trạng xã hội. Tấm gương ấy ánh lên nhiều điều thiện mới có thể đẩy lùi những tai ương./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên