Những điều tâm huyết Đại tướng gửi gắm cho hôm nay

VOV.VN - Đại tướng dồn nhiều công sức và tâm huyết cho ngành giáo dục, viết sử và
miệt mài chăm lo đến sự phát triển của nền sử học Việt Nam.

1. Nếu như Napoleon lên nắm quyền chỉ huy đã có sẵn một đội quân tinh nhuệ thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vốn là một thày giáo dạy sử, phải xây dựng và huấn luyện quân đội của mình từ những người lính đầu tiên.

Bằng trí tuệ, tấm lòng yêu nước, khả năng cảm hoá đặc biệt, ông đã qui tụ được những người lính “từ nhân dân mà ra”, sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ, thậm chí hi sinh thân mình để giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Tất cả là vì một tương lai tươi sáng, đất nước công bằng giàu mạnh “sánh vai cường quốc năm châu”…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn của nhà báo Catherine Karnow tại Hà Nội năm 1994 (Ảnh tư liệu)

Và với tiêu chí chọn tướng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Đánh thắng đại tướng được phong đại tướng” thì trong cuộc đời binh nghiệp của người học trò xuất sắc nhất này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lần lượt đánh thắng tới 4 đại tướng của Pháp và 6 của Mỹ, đánh bại tham vọng tại Đông Dương của hai thế lực quân sự hùng cường nhất thế giới lúc bấy giờ là Pháp và Mỹ với những chiến công lẫy lừng.

Chiến tranh kết thúc, những năm tháng cuối đời, Đại tướng dồn nhiều công sức và tâm huyết cho ngành giáo dục, viết sử và miệt mài chăm lo đến sự phát triển của nền sử học Việt Nam.

Tôi từng suýt có cơ hội hỏi Đại tướng lí do của điều này nhưng không thành. Rồi tôi cứ băn khoăn mãi…

2. Ấn tượng mạnh mẽ đầu tiên của tôi về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không phải từ sách giáo khoa, mà từ những câu chuyện kể của ông nội -người dân quân tự vệ Thủ đô năm xưa.

Sau này, những ấn tượng đó trở thành niềm tự hào khi tôi có dịp gặp gỡ và phỏng vấn một số chính khách và nhà sử học phương Tây cũng như những người anh hùng Pháp đấu tranh vì hoà bình thế giới và Việt Nam như Henri Martin, Raymon Dien, Mardelein Riffaud…Không có gì hãnh diện hơn khi nghe họ ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi được cử đi phỏng vấn Đại tướng. Khi đó Đại tướng vừa trải qua một trận ốm khiến nhân dân cả nước lo lắng. Cuộc hẹn bị lùi đi lùi lại cả chục lần, kéo dài cả tháng. Có những lúc xách máy chuẩn bị lên đường thì lại có điện thoại báo hoãn.

Cuộc hẹn cuối cùng cũng được thực hiện với lời báo trước của thư ký Đại tướng rằng cuộc phỏng vấn có thể ngừng bất cứ lúc nào nếu Đại tướng mệt.

Bởi vậy chúng tôi ưu tiên những câu hỏi xoay quanh chiến thắng Điện Biên Phủ, vừa để phát trong chương trình đặc biệt vừa để lưu làm tư liệu quý.

Đại tướng không khoẻ nhưng nét mặt rất vui vẻ và câu trả lời thì vô cùng minh mẫn.

Câu chuyện trở nên sôi nổi khi chúng tôi tranh thủ phỏng vấn câu hỏi phụ về những trăn trở thời cuộc. Đại tướng nói về giáo dục. Đại tướng tâm huyết và bày tỏ nhiều điều mặc cho người thư ký vài lần nhắc nhở về sức khoẻ của người.

Đại tướng cần tuyệt đối giữ sức khoẻ để tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, gặp lại những người lính năm xưa đang háo hức mong chờ.

Nhưng ông kiên quyết phải trả lời trọn vẹn, đủ ý về những trăn trở của mình với giáo dục nói chung và về bộ môn lịch sử nói riêng, coi câu trả lời này quan trọng không kém gì những câu về chiến thắng trước đó…

3. Cả tuần trước lễ tang của Đại tướng, truyền thông thế giới dậy sóng với những lời ca ngợi, thán phục trước một nhân cách, một thiên tài quân sự vĩ đại.

Võ Nguyên Giáp và Việt Nam là hai danh từ được nhắc đến với tần suất đậm đặc, nhiều như những năm tháng kháng chiến chống Mỹ - khi Việt Nam được tôn vinh là lương tri, trái tim nhân loại, khi triệu triệu trái tim Việt như một, anh dũng, kiên cường, bất khuất, đoàn kết vì một mục tiêu chung: giành độc lập tự do cho nước nhà.

Điều đó không chỉ khơi gợi niềm tiếc thương với người anh hùng dân tộc mà còn khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc trong mỗi con dân nước Việt.

Trong nước, trước ngôi nhà 30 Hoàng Diệu, từng đoàn người nối dài như bất tận kiên nhẫn chờ đến lượt mình vào viếng vị Tướng của lòng dân.

Đâu đây tiếng nấc nghẹn.

Tiếng người mẹ đẩy xe nôi. Đứa bé còn quá nhỏ, nhưng sau này mẹ sẽ kể em nghe.

Tiếng thì thầm của một người cha với cậu học trò tiểu học mới biết về Đại tướng ngày hôm nay vì chương trình chưa học đến. Cha dẫn em đến đây để em biết cúi đầu trước một vị khai quốc công thần. Rồi sau này em sẽ hiểu.

Ở đó còn có tiếng giấy bóng kính gói những bông hoa cúc vàng trên tay khẽ siết nhẹ của những bạn trẻ mắt đỏ hoe….

Còn ở những quầy sách trên cả nước, người ta đến đó tìm mua những cuốn sách về Đại tướng, cả những hồi ký lịch sử mà ông đã dành rất nhiều thời gian…

Trên mạng, các bạn trẻ truyền cho nhau những hình ảnh, những đoạn video tư liệu Đại tướng trả lời các đài truyền thông quốc tế một cách đầy tự tin, lịch thiệp và cuốn hút. Dân “Tây học” xuýt xoa, Đại tướng nói tiếng Pháp giỏi quá, trả lời kín kẽ, chặt chẽ thế này phóng viên làm sao mà bắt bẻ gì được…

Thấy mẹ rưng rưng trước máy tính, cậu con trai 5 tuổi chỉ vào màn hình: “Ai đây ạ?”. Tôi trả lời: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp đấy con. Ông là một người anh hùng chiến thắng tất cả những kẻ xấu”. Thằng bé ngây ngô: “Ông là siêu nhân!”. “Ừ, rồi lớn lên con sẽ biết” - Tôi trả lời.

4. Hơn ai hết, Đại tướng hiểu điều gì làm nên sức mạnh của dân tộc Việt cũng như sự thành công trên con đường binh nghiệp của mình.

Đại tướng từng nói rằng lịch sử là tri thức tạo nên tư cách của một con người có ý thức về xã hội. Sinh thời, ông hay nhắc đến câu nói của Bác Hồ: “Dân ta phải biết sử ta cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Phải chăng ông đã chuẩn bị cho ngày này bằng việc gom hết chữ NHẪN trong nhân gian để nghiên cứu và soạn thảo nhiều công trình về lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc và những cuốn hồi ký quí giá.

Đó là ngày ông trao lại niềm tin của mình cho mọi thế hệ, nhất là với thế hệ trẻ, truyền cảm hứng cho họ (bằng lẽ sống của mình) trong hành trình tìm về với lịch sử văn hoá truyền thống hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của cha ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên