Môn sử, nói mãi rồi!

(VOV) -Môn sử có những “vấn đề tế nhị”, liên quan đến một số lĩnh vực chứ không chỉ riêng ngành giáo dục

Bàn về dạy và học môn sử lại thấy Giáo sư Phan Huy Lê có ý kiến với báo giới. Cũng chẳng ngạc nhiên vì ông là một trong 4 nhà khoa học đầu ngành về sử của nước ta.

GS Phan Huy Lê tuổi đã nhiều, lại mắc bệnh cao huyết áp. Cách đây từ 4-5 năm, người bạn đời của GS cũng đã rất giữ gìn và bảo vệ sức khỏe cho ông, tránh cho ông nhiều chuyện có thể ảnh hưởng tới huyết áp. Cánh phóng viên gặp được ông cũng không dễ. Vì thế, lần này GS lại có ý kiến về việc dạy và học sử chứng tỏ ông tâm huyết lắm, day dứt và trăn trở lắm!

Tôi nhớ từ thời Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Minh Hiển, cách đây cả chục năm, trong một cuộc hội thảo, GS Phan Huy Lê cùng nhiều học giả khác đã nói thẳng rằng “học sử bây giờ không chán mới là lạ” và bản thân ông thấy phục các em vì chúng vẫn chưa bỏ hẳn môn này. Trong phòng họp ở Bộ GD- ĐT hôm ấy, điều hòa mát rượi thế mà lúc phát biểu mồ hôi trán GS Lê rịn ra thành giọt, các ngón tay run lên theo từng lời phát biểu!

Cùng khoảng thời gian với cuộc hội thảo nói trên, tôi có tới nhà riêng của ông để hỏi một vài việc liên quan tới sách giáo khoa (SGK) môn sử, thời điểm đang thay chương trình và SGK mới. Vẫn một niềm say sưa nói về sử nhưng không giấu nổi nét buồn và thất vọng, ông nói họ vừa đưa cho ông bản thảo SGK sử, trong đó có nhiều lỗi và sai nhiều quá, nếu không xem kỹ mà đã xuất bản thì thực nguy hại.

Và cách đây mấy năm, tôi được biết Hội khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức một hội thảo lớn tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam về dạy và học sử. Ý kiến của các nhà khoa học được tập hợp và gửi về Bộ GD-ĐT. Hồi đó cánh phóng viên chúng tôi không thể tiếp cận với tài liệu góp ý này. Hội khoa học lịch sử Việt Nam có ý muốn “giữ” cho Bộ, tránh ồn ào khiến cho dư luận thêm bức xúc. Vì thế, cho đến nay, xã hội chẳng biết bản góp ý ấy có nội dung gì, liệu Bộ GD-ĐT có trân trọng đón nhận và tiếp thu nó hay không.         

Không như các môn tự nhiên, môn sử có những “vấn đề tế nhị”, liên quan đến một số lĩnh vực chứ không chỉ riêng ngành GD. Đây cũng là cái khó cho ngành.

Ví dụ, với lịch sử trong nước, không biết do hạn chế về tư liệu hay vì lý do gì mà nền văn hóa Óc Eo, văn hóa Chăm Pa đồ sộ là thế song không thấy đề cập. Còn quá ít sách viết về lịch sử vùng đất Nam bộ, SGK phổ thông thì gần như không đề cập.

Qua một vài hội thảo khoa học về dạy và học môn sử, tôi thấy hầu hết đều khẳng định lớp trẻ không hề quay lưng với môn sử. Các nhà khoa học đưa ra nhiều cứ liệu để minh chứng điều này. Riêng tôi, tôi nhìn vào thực tiễn để xác thực thêm rằng, lớp trẻ rất quan tâm tới lịch sử. Hãy xem các thành viên tham gia đông đảo trên trang mạng Quân sử Việt Nam như thế nào thì biết. Đó là chưa kể một vài tài liệu lịch sử có tính tham khảo vừa xuất hiện được nhiều người trẻ truyền tay nhau đọc.

Để học sinh hứng thú với môn sử các học giả đã đề cập mấy việc như sau: Cách viết, cách dạy, cách học, cách thi môn sử phải thay đổi tận gốc. Tuy nhiên để làm được mấy cái thay đổi (nghe thì đơn giản như thế thôi) nhưng điều đầu tiên phải tôn trọng tính chân xác của lịch sử. Mọi sự can thiệp quá thô bạo vào lịch sử đều chẳng đem lại lợi ích gì, nhất là trong bối cảnh tràn ngập thông tin như hiện nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên