Những lưu ý khi chăm sóc trẻ mắc cúm

VOV.VN - Nếu không biết cách chăm sóc, trẻ dễ bị bội nhiễm dẫn đến các bệnh về đường hô hấp

Thời tiết chuyển lạnh khiến nhiệt độ môi trường và độ ẩm không khí thay đổi, là điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển và gây bệnh cúm mà trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị lây nhiễm do sức đề kháng còn yếu. Nếu không biết cách chăm sóc, trẻ dễ bị bội nhiễm dẫn đến các bệnh về đường hô hấp.

Việc chăm sóc trẻ mắc cúm không đúng cách dễ khiến trẻ bị bội nhiễm.    Ảnh: P.V

Theo ThS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, thường chỉ sau 1 vài tuần khi thời tiết chuyển mùa, trẻ nhập viện sẽ tăng vì mắc các bệnh về đường hô hấp do bị nhiễm virus mà đặc biệt là virus cúm có tên khoa học là Influenzae (gọi là bệnh cúm).

Để phòng bệnh cúm, cha mẹ cần tiêm phòng vắc-xin cúm, vệ sinh thân thể và đặc biệt giữ ấm cho trẻ khi ngủ, nhất là vào thời điểm lúc nửa đêm - khi nội tiết cơ thể rất thấp - trẻ hay vã mồ hôi và lạnh ở gan bàn chân. Cha mẹ cần chú ý lau mồ hôi khi con vã mồ hôi bởi lúc này nhiệt độ cơ thể bốc hơi, sẽ gây lạnh, rất dễ gây viêm nhiễm đường hô hấp.

Khi trẻ mắc cúm, hệ thống miễn dịch bị giảm, nếu cha mẹ không biết cách phòng tránh và chăm sóc, dễ dẫn đến các biến chứng, bao gồm viêm đường hô hấp như viêm họng, thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản kịch phát…; hoặc viêm nhiễm ngoài hô hấp như viêm tai giữa, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, và đặc biệt có khả năng gây tử vong cao đối với trẻ mắc bệnh mạn tính. Nếu nhiễm cúm A/H1N1 dẫn đến viêm đường hô hấp trên, còn nhiễm cúm A/H5N1 thì gây viêm phổi nặng.

Làm thế nào để chăm sóc trẻ tốt nhất?

Theo BS Thiện Hải, khi trẻ bị nhiễm virus cúm thường có biểu hiện chảy nước mũi trong, hắt hơi, ho, sốt và trẻ vẫn chơi bình thường. Ở một số trẻ lớn có thể thấy đau cơ, đau mỏi chân tay, đau họng, ho và nhức ở hốc mắt… Thông thường, khi nhiễm virus cúm, trẻ bị sốt cao và nhanh, thậm chí tới 39-40 độ, hơi thở không có mùi hôi, việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, như dùng thuốc hạ sốt (chỉ dùng thuốc paracetamol). Nếu dùng các loại thuốc khác phải có chỉ định của nhân viên y tế bởi dễ gây tác dụng phụ như đông máu, giảm tiểu cầu trong máu, thậm chí gây những biến chứng nguy hiểm như chảy máu, suy chức năng gan...

Vệ sinh đường hô hấp: Với trẻ lớn có thể dùng dung dịch súc miệng thông thường hoặc dùng nước muối sinh lý để súc miệng, vệ sinh sạch đường hô hấp để tránh tình trạng bội nhiễm thêm vi khuẩn. Đối với trẻ không tự súc miệng được, cha mẹ có thể cho con nằm ngửa cổ tối đa, rồi nhỏ mũi mỗi bên vài giọt nước muối sinh lý, làm sạch đường họng-mũi, giúp trẻ không bị bội nhiễm do vi khuẩn. Cha mẹ cần chú ý cách ly phòng ngừa bởi virus dễ lây truyền qua đường giọt bắn và từ tay qua miệng.

Cần bù nước và bổ sung vitamin: Khi trẻ bị sốt thường mất nước, cần bổ sung vitamin bằng cách cho trẻ ăn đồ lỏng, giúp trẻ dễ hấp thu thức ăn và bù nước bằng việc uống nhiều sữa, nước hoa quả, oresol, giúp trẻ hồi phục nhanh. “Thông thường, khi bị sốt do virus, sau 2 ngày uống thuốc hạ sốt và bù nước trẻ giảm triệu chứng rõ rệt và đỡ dần. Nhưng khi trẻ sốt cao, da xanh tái, mệt mỏi, dùng thuốc hạ sốt có thể đỡ sốt nhưng trẻ vẫn nằm mệt mỏi, không chịu chơi - có thể trẻ dễ nhiễm vi khuẩn. Khi đó cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế để làm thêm một số xét nghiệm đơn giản như công thức máu. Nếu thấy bạch cầu tăng cao, các thầy thuốc mới có chỉ định dùng thuốc kháng sinh. Còn trong các trường hợp viêm đường hô hấp do virus, đặc biệt là virus cúm, nếu cha mẹ tự ý cho con uống thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng mà còn dễ gây tình trạng kháng thuốc, việc điều trị sẽ rất khó khăn và gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ”, BS Thiện Hải phân tích.

Nên theo dõi và điều trị tại nhà

Khi trẻ bị sốt do cúm, cha mẹ không nên lo cuống cuồng mà phải bình tĩnh và có phương pháp chăm sóc con đúng cách. Theo BS Thiện Hải: “Hiện nay, các bà mẹ đưa con đến viện khám, thấy con sốt cứ đòi nhập viện là điều không nên bởi việc nhập viện sẽ không giải quyết được vấn đề gì, mà còn có nguy cơ lây nhiễm chéo vi khuẩn trong BV. Khi nhiễm trùng do vi khuẩn trong BV thì việc điều trị sẽ rất khó khăn. Vậy nên, nếu thấy trẻ có biểu hiện cúm, cha mẹ cần thăm khám để được các bác sĩ tư vấn cách theo dõi điều trị tại nhà, vừa đỡ tốn kém mà bố mẹ cũng đỡ vất vả hơn. Và điều quan trọng là con có môi trường sạch sẽ và được chăm sóc tốt hơn”.

“Trẻ chỉ có chỉ định nhập viện trong trường hợp cúm gây viêm phổi, hoặc có tình trạng suy hô hấp, khó thở, mệt mỏi hoặc cúm gây viêm nhiễm đường hô hấp nặng hoặc mắc cúm trên những cơ địa mắc bệnh lý mạn tính nào đó”, BS Thiện Hải khuyến cáo.

Một điểm đáng lưu ý, cha mẹ thấy con bị cúm thì không nên tự ý mua thuốc tamiflu cho con uống, bởi thuốc này chỉ có tác dụng giảm triệu chứng không đáng kể nếu dùng sớm trong vòng 48 giờ đầu mắc cúm, còn nếu dùng muộn sau 48 giờ sẽ không có tác dụng gì./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Xuất hiện ổ bệnh cúm A/H5N6 thứ hai ở Kon Tum
Xuất hiện ổ bệnh cúm A/H5N6 thứ hai ở Kon Tum

VOV.VN -Chiều 15/1, Chi Cục thú y tỉnh Kon Tum xác nhận trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ổ bệnh cúm A/H5N6 thứ hai với 2.100 con gia cầm phải tiêu hủy.

Xuất hiện ổ bệnh cúm A/H5N6 thứ hai ở Kon Tum

Xuất hiện ổ bệnh cúm A/H5N6 thứ hai ở Kon Tum

VOV.VN -Chiều 15/1, Chi Cục thú y tỉnh Kon Tum xác nhận trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ổ bệnh cúm A/H5N6 thứ hai với 2.100 con gia cầm phải tiêu hủy.