Xuân Lộc - từ "cánh cửa thép" đến huyện nông thôn mới nâng cao

VOV.VN - Xuân Lộc là vùng đất anh hùng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Hoà bình lập lại, vùng đất này tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng vào trong lao động, sản xuất, xây dựng làm giàu đẹp quê hương.

Cách đây 49 năm, vùng đất Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai là “cánh cửa thép” nơi diễn ra những trận đánh ác liệt, hứng chịu nhiều bom đạn để các đơn vị chủ lực của quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Ngày nay, vùng đất cách mạng năm xưa đã thay da đổi thịt, đời sống của người dân phát triển, đạt thành tựu được công nhận nông thôn mới nâng cao.

Vùng nông thôn khang trang

Nằm trên con đường quê thuộc ấp Bình Tiến, xã Xuân Phú, vườn dâu Ba Hương nổi tiếng khắp vùng với những cây dâu da sai trĩu quả, vàng óng từ gốc đến ngọn.

Hàng năm, đến mùa trái dâu chín khoảng từ tháng 4 đến tháng 5, khách du lịch lại đổ về để tham quan, chụp hình với những cây dâu da.

Anh Lê Quang Việt, chủ vườn dâu Ba Hương kể, khu vườn này trước đây trồng nhiều loại rau củ quả nông nghiệp khác nhau. Đến khoảng năm 2000, anh Việt chuyển đổi sang trồng dâu da. Hiện vườn của anh có trên 100 gốc dâu, mỗi năm thu về khoảng 500 triệu đồng.

Làm nông nghiệp lâu năm, anh Việt nắm bắt xu hướng, thị hiếu của thị trường, cho ra đời sản phẩm du lịch nông nghiệp khoảng hơn 10 năm nay. Thời điểm thuận lợi, vườn dâu Ba Hương đón khoảng 4.000 khách/ngày vào dịp nghỉ lễ, bình thường cuối tuần khoảng 1.000 khách tới chụp hình, vui chơi.

Vườn dâu Ba Hương của anh Việt trở thành điểm mẫu điển hình cho việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, biết tận dụng thành quả từ quá trình cải tạo, chỉnh trang bộ mặt nông thôn. Những con đường trải bê tông thẳng tắp, sạch đẹp, góp phần không nhỏ vào việc tạo điều kiện thuận lợi cho khai thác du lịch.

Kết quả của nông thôn mới nâng cao giúp cho việc làm nông của người dân ngày một khấm khá, tạo ra nhiều điển hình nông nghiệp hiệu quả cao như vườn ca cao Xuân Lộc (xã Suối Cát). Đây là mô hình nông nghiệp du lịch góp phần cải thiện thu nhập từ cây trồng, nâng tầm giá trị nông thôn mới.

Ông Trương Văn Mỹ, Giám đốc Hợp tác xã ca cao xã Suối Cát cho biết, nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nên vườn ca cao cho năng suất lên đến hơn 100 tấn/năm. Năm 2020, ông Mỹ thử nghiệm chế biến sâu cho kết quả rất tốt, trong đó có 2 sản phẩm là socola, bột ca cao đạt chứng nhận 3 sao OCOP.

Thông qua Hợp tác xã, việc bao tiêu sản phẩm nông nghiệp được ổn định. Hiện vùng nguyên liệu của hợp tác xã trên 70ha. Quy trình sản xuất hữu cơ tiêu chuẩn VietGAP được các công ty trong và ngoài nước đánh giá rất cao về năng suất và chất lượng.

Từ vùng đất chiến tranh, đất đai bị bom đạn cày xới, điện nước thiếu thốn, ông Mỹ không khỏi xúc động, tự hào khi quê hương Xuân Lôc đạt được thành tựu như hiện nay.

"Bộ mặt địa phương biến chuyển rất rõ, như đường sá khang trang, nhà cửa sạch đẹp. Người dân xây dựng nhà cửa, có thu nhập, con cái được học hành nên bà con phấn khởi hơn rất nhiều, nâng cao mức sống cho người nông dân", ông Trương Văn Mỹ cho biết.

Kế thừa truyền thống anh hùng

Đến cuối năm 2023, huyện Xuân Lộc có 14/14 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 9 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Từ “vùng đất lửa” trong chiến tranh, kiên cường chiến đấu liên tục suốt 12 ngày đêm để phá tan “cánh cửa thép” ở phía Đông Sài Gòn của chế độ cũ, góp phần quan trọng làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, nay Xuân Lộc lại đi đầu tỉnh Đồng Nai và là một trong 3 huyện của cả nước về xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Bí thư Huyện uỷ Xuân Lộc Lê Kim Bằng cho biết, Xuân Lộc là vùng đất anh hùng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Hoà bình lập lại, vùng đất này tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng vào trong lao động, sản xuất, xây dựng làm giàu đẹp quê hương. Đạt được kết quả này là quá trình lâu dài phấn đấu của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện Xuân Lộc. 

Bên cạnh sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, còn có vai trò quyết định của các tầng lớp nhân dân cùng vào cuộc với phương châm người dân vừa là chủ thể của việc xây dựng nông thôn mới và cũng chính là đối tượng thụ hưởng thành quả do chính mình đem lại.

Đời sống người dân của huyện ngày một đi lên, hiện thu nhập người dân bình quân một năm đạt trên 90 triệu đồng/người. Kết cấu hạ tầng xã hội được triển khai đồng bộ, kinh tế tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Ông Bằng cho biết, trong thời gian tới huyện Xuân Lộc tiếp tục kế thừa và phát huy hơn nữa kết quả đạt được, gặt hái nhiều thành tựu cao hơn trong nông nghiệp, nông thôn:

"Đạt được chuẩn nông thôn mới nâng cao chỉ là tiền đề, điều kiện để tiếp tục hành trình tiến lên phía trước. Đích đến gần nhất là phải làm sao đầu năm 2025, huyện Xuân Lộc đạt được nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hoá nông nghiệp bền vững", ông Lê Kim Bằng cho biết.

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, vùng đất Xuân Lộc vẫn sáng ngời quá khứ lịch sử hào hùng, nhân dân phấn khởi với thành tựu đạt được, kinh tế phát triển, đời sống đi lên. Với tiền đề này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai tiếp tục đoàn kết, phát huy sức mạnh để thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu đề ra.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chuyện chưa kể về người lính vẽ bản đồ trận chiến lịch sử Xuân Lộc
Chuyện chưa kể về người lính vẽ bản đồ trận chiến lịch sử Xuân Lộc

VOV.VN - Nhờ những nét vẽ chính xác trên bản đồ trận chiến Xuân Lộc cùng tinh thần dũng cảm, kiên cường, sau 12 ngày đêm, quân đội ta đã tấn công chính xác, tiến vào Sài Gòn.

Chuyện chưa kể về người lính vẽ bản đồ trận chiến lịch sử Xuân Lộc

Chuyện chưa kể về người lính vẽ bản đồ trận chiến lịch sử Xuân Lộc

VOV.VN - Nhờ những nét vẽ chính xác trên bản đồ trận chiến Xuân Lộc cùng tinh thần dũng cảm, kiên cường, sau 12 ngày đêm, quân đội ta đã tấn công chính xác, tiến vào Sài Gòn.

Đập tan "cánh cửa thép" Xuân Lộc, mở đường tiến vào Sài Gòn 46 năm trước
Đập tan "cánh cửa thép" Xuân Lộc, mở đường tiến vào Sài Gòn 46 năm trước

VOV.VN - Đặt trong bối cảnh giai đoạn cuối của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, chiến thắng Xuân Lộc - Long Khánh có ý nghĩa rất lớn. Nó giáng đòn quyết định làm suy sụp tinh thần chiến đấu của quân địch.

Đập tan "cánh cửa thép" Xuân Lộc, mở đường tiến vào Sài Gòn 46 năm trước

Đập tan "cánh cửa thép" Xuân Lộc, mở đường tiến vào Sài Gòn 46 năm trước

VOV.VN - Đặt trong bối cảnh giai đoạn cuối của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, chiến thắng Xuân Lộc - Long Khánh có ý nghĩa rất lớn. Nó giáng đòn quyết định làm suy sụp tinh thần chiến đấu của quân địch.

"Kháng chiến gian khổ nhưng không ai thấy sợ hãi, quyết tâm giải phóng miền Nam"
"Kháng chiến gian khổ nhưng không ai thấy sợ hãi, quyết tâm giải phóng miền Nam"

VOV.VN - Theo bà Nguyễn Thị Anh Chín - người lính Trường Sơn năm ấy, trong những năm kháng chiến gian khổ là vậy, nhưng không ai thấy sợ hãi. Không phân biệt nam nữ, gái trai, ở vị trí nào cũng quyết tâm cao nhất là tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

"Kháng chiến gian khổ nhưng không ai thấy sợ hãi, quyết tâm giải phóng miền Nam"

"Kháng chiến gian khổ nhưng không ai thấy sợ hãi, quyết tâm giải phóng miền Nam"

VOV.VN - Theo bà Nguyễn Thị Anh Chín - người lính Trường Sơn năm ấy, trong những năm kháng chiến gian khổ là vậy, nhưng không ai thấy sợ hãi. Không phân biệt nam nữ, gái trai, ở vị trí nào cũng quyết tâm cao nhất là tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.