Vạch mặt thủ đoạn lừa đảo mới để cướp đất ở Gia Lai

VOV.VN -Một đối tượng đã chuyển nhượng hàng chục ha đất nông nghiệp về tên mình thông qua chiêu thức hỗ trợ làm hồ sơ vay vốn ngân hàng.

Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn và sự thiếu hiểu biết của bà con dân tộc thiểu số, một đối tượng ở xã H’bông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đã chuyển nhượng hàng chục ha đất nông nghiệp về tên mình thông qua chiêu thức hỗ trợ làm hồ sơ vay vốn ngân hàng. Cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra làm rõ việc.

Trong căn nhà gỗ xiêu vẹo, chị Ksor Pyar, làng Kte 2, xã Hbông bức xúc kể rằng, cách đây chừng hơn 1 tháng, khi cần tiền trả khoản vay ngân hàng và đầu tư vụ mới, vợ chồng chị Pyar đến gặp và nhờ bà Nguyễn Thị Thu ở thôn Ia Sa (cùng ở xã Hbông) giúp làm thủ tục vay tiền.

Bà Thu đồng ý với điều kiện vợ chồng Pyar mang theo sổ đỏ của mảnh vườn 2ha cùng mình lên thị trấn Chư Sê làm thủ tục. Chồng Pyar biết chữ thì ký, còn vợ không biết chữ thì lăn tay. Nhận 65 triệu đồng và giấy nhận nợ chưa bao lâu, chị Pyar tá hỏa khi biết mảnh vườn 2ha của gia đình mình đã có chủ mới. Chị không biết lăn tay như vậy là bán đất.

Cơ quan Công an huyện Chư Sê đang tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc

Nơi bà Thu dẫn vợ chồng chị Pyar đến lăn tay, ký tên không phải ngân hàng, mà là văn phòng công chứng Chư Sê. Số tiền 65 triệu đồng chị Pyar nhận cũng không phải vốn ngân hàng mà là tiền của bà Thu. Có gần chục hộ khác ở Hbông cũng chuyển nhượng đất cho bà Thu với cách làm tương tự.

Điều đáng nói, việc chuyển nhượng này diễn ra suôn sẻ do bà Thu có sự giúp sức của ông Ksor Thí, một người có uy tín trong làng, xã. Ông Thí vừa tìm người có nhu cầu vay vốn để giới thiệu cho bà Thu, vừa đóng vai trò người làm chứng khi làm thủ tục chuyển nhượng, nếu chủ đất không biết chữ. Sau mỗi vụ chuyển nhượng thành công, ông Thí nhận được tổng số tiền từ 1 đến 2 triệu đồng từ cả 2 phía.

Đến nay, số đất các hộ chuyển nhượng cho bà Thu đã lên tới hàng chục ha, hộ ít thì 1ha, nhiều thì hơn 3ha, nhưng số tiền họ nhận được chỉ từ 40 đến 100 triệu đồng và phải chịu lãi hàng tháng. Và dù đã được công chứng viên giải thích rõ ràng về bản chất của việc lăn tay, ký tên là “bán đất”, nhưng họ vẫn không hề nghi ngờ.

Đáng lo là đến khi vụ việc có dấu hiệu phạm tội và đang được cơ quan công an vào cuộc điều tra, nhiều người dân vẫn tin rằng, chỉ cần trả tiền, sẽ được trả đất. Đơn cử trường hợp của anh Rơ Mah Thân, sau khi đã làm thủ tục chuyển nhượng 3,2ha đất nông nghiệp cho bà Thu, nhận về số tiền 70 triệu đồng, vẫn ngây ngô tin rằng, đất mình đang canh tác, thì vẫn là đất của mình.

Dù 3,2ha đất nông nghiệp đã bị chuyển nhượng, nhưng anh Rơ Mah Thân vẫn tin rằng, trả hết tiền vay, sẽ được nhận lại đất

Anh Rơ Mah Thân nói: “Bà Thu nói là vay, người công chứng nói là bán. Tôi hỏi: Sao vậy Thu? Người công chứng nói là bán mà, sao mày nói là vay? Nó nói là “cứ ký đi thì mới có tiền chứ!”.

PV hỏi: “Anh có biết đất của mình bây giờ đã bán rồi không?”

Trả lời: “Đâu có bán đâu, đất mình vẫn làm mà, họ chỉ giữ bìa đỏ thôi. Nó nói vay mà, đâu nói bán đâu. Nếu bán, làm sao mình chịu. Nếu bán, 1ha phải 200 triệu chứ”.

Theo thống kê ban đầu từ cơ quan điều tra huyện Chư Sê, hiện có 9 hộ bị bà Nguyễn Thị Thu lừa chuyển nhượng đất, với cùng một cách thức là giúp vay vốn, rồi dẫn đến văn phòng công chứng làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Đồng thời, tại xã H’Bông, tính từ tháng 7 đến đầu tháng 11 năm nay, có 16 hộ đồng bào dân tộc thiểu số khác đã thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, với diện tích đất lên tới hàng chục ha. Toàn bộ những vụ chuyển nhượng này đều được thực hiện tại các văn phòng công chứng, nên Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất huyện chỉ nắm được khi các giao dịch đã hoàn thành.

Để cảnh báo, ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra, chính quyền địa phương đang tích cực vào cuộc.

Ông Đoàn Văn Tùng, Chủ tịch UBND xã H’Bông, huyện Chư Sê cho biết: “UBND xã đã có thông báo gửi đến 12 thôn làng, tuyên truyền, vận động nhân dân không nghe lời bà Thu. Qua sự việc này xảy ra trên địa bàn, chính quyền địa phương đã chỉ đạo Ban Công an phối hợp với Công an huyện Chư Sê để làm rõ vụ việc.

Đồng thời, sẽ chỉ đạo và ra công văn cụ thể để báo các ngành chức năng cấp trên dừng việc giao dịch đất đai với bà Thu và các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn”.

Cùng với đó, cơ quan Công an huyện Chư Sê và các ngành chức năng địa phương đang tích cực làm rõ hành vi của các đối tượng. Tuy nhiên, cùng với đó, chính quyền địa phương cần có giải pháp nâng cao ý thức bà con, đặc biệt tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong các hoạt động liên quan tới lĩnh vực đất đai thì mới có thể ngăn chặn tận gốc những vụ việc tương tự./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Tại một số tỉnh, thành phố từ đầu năm 2015 đến nay đã xảy ra 80 vụ lừa đảo gây thiệt hại lên tới 30 tỷ đồng. 

Cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Tại một số tỉnh, thành phố từ đầu năm 2015 đến nay đã xảy ra 80 vụ lừa đảo gây thiệt hại lên tới 30 tỷ đồng. 

Bắt đối tượng giả danh luật sư để lừa đảo
Bắt đối tượng giả danh luật sư để lừa đảo

Lỗ Văn Dũng tự nhận là luật sư, có mối quan hệ với nhiều lãnh đạo Trung ương, có thể giúp người dân đòi thêm tiền đền bù, giải tỏa.

Bắt đối tượng giả danh luật sư để lừa đảo

Bắt đối tượng giả danh luật sư để lừa đảo

Lỗ Văn Dũng tự nhận là luật sư, có mối quan hệ với nhiều lãnh đạo Trung ương, có thể giúp người dân đòi thêm tiền đền bù, giải tỏa.

Thưởng nóng Ban Chuyên án phá thành công kẻ lừa đảo 2 tỷ qua Facebook
Thưởng nóng Ban Chuyên án phá thành công kẻ lừa đảo 2 tỷ qua Facebook

VOV.VN - Đối tượng sử dụng internet chiếm quyền quản trị tài khoản Facebook của hơn 100 Việt kiều để lừa đảo, chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng.

Thưởng nóng Ban Chuyên án phá thành công kẻ lừa đảo 2 tỷ qua Facebook

Thưởng nóng Ban Chuyên án phá thành công kẻ lừa đảo 2 tỷ qua Facebook

VOV.VN - Đối tượng sử dụng internet chiếm quyền quản trị tài khoản Facebook của hơn 100 Việt kiều để lừa đảo, chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng.