“Trăm mối lo" của công nhân, doanh nghiệp Bình Dương khi phải di dời

VOV.VN - Việc di dời khoảng 2.900 nhà máy từ khu vực phía Nam sang khu vực phía Bắc tỉnh Bình Dương đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Việc di dời này được cho là sẽ mang lại nhiều lợi ích trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, nó cũng gây ra nhiều lo lắng cho người lao động, doanh nghiệp thuộc diện chuyển đổi công năng, di dời.

 

Nhiều trăn trở 

Những ngày gần đây, khi Bình Dương có danh sách sơ bộ doanh nghiệp sản xuất nằm ngoài khu công nghiệp ở địa bàn phía Nam phải chuyển đổi công năng, di dời vào các khu công nghiệp tập trung khiến người lao động và chủ doanh nghiệp lo lắng.

Công nhân lo ngại việc di dời nhà máy sẽ ảnh hưởng đến đời sống của họ, bao gồm thay đổi chỗ ở, môi trường học tập cho con cái và khó khăn trong việc đi lại. Họ mong muốn chính quyền quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội, phòng trọ, trường học, và giảm học phí cho con em công nhân khi di dời.

Ông Trần Hậu Thành, công nhân Công ty Rochdale Spears, ở phường Thạnh Phước, TP. Tân Uyên cho biết, công ty có hơn 5.000 lao động. Nếu di dời thì không chỉ có 5.000 công nhân đi theo mà còn có gia đình.

"Đi theo công ty thì không phải mỗi mình mà cả gia đình. Hiện nay, gia đình có 2 bé đang học lớp 6 và lớp 7 nên mong muốn chuyển trường cho con thủ tục đơn giản, bớt rườm rà để cha mẹ đỡ mất thời gian, đồng thời được giảm học phí. Mặt khác, phòng trọ sẽ được xây dựng an toàn và giảm giá phòng trọ để thu hút lao động di chuyển theo nhà máy”, ông Thành nói.

Ngoài ra, người lao động cũng có nhiều băn khoăn về chế độ hỗ trợ trong thời gian di dời nhà máy như : hỗ trợ thu nhập khi nghỉ việc. Nhiều lao động lớn tuổi không thể theo chân doanh nghiệp thì mong muốn được tạo việc làm mới.

Đối với các doanh nghiệp thì quan tâm đến lộ trình di dời, tiêu chí di dời, chính sách ưu đãi về cho thuê đất và chính sách hỗ trợ khi di dời. Các doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ chuyển đổi công năng đất và cho thuê lại mặt bằng đang sử dụng.

Doanh nghiệp cũng lo lắng, khi công nhân không theo chân, nhà máy sẽ thiếu hụt lao động. Nhiều đơn vị đang gặp khó khăn về tài chính do đang trong giai đoạn phục hồi sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, chiến tranh, lạm phát nên cần được hỗ trợ thực hiện việc di dời.

Ông Nguyễn Hùng, Kế toán trưởng kiêm Trưởng phòng xuất nhập khẩu của Công ty Vina Chang Tai ở phường Tân Đông Hiệp, TP. Dĩ An chia sẻ: "Hiện tại, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng nhà xưởng mới để tiếp tục sản xuất. Doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ về vốn, vốn vay hoặc các chính sách ưu đãi khác để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Doanh nghiệp cũng muốn biết rõ liên hệ với ai để được nắm rõ các chính sách hỗ trợ di dời”.

Xem xét, cân nhắc để đảm bảo hài hòa lợi ích

Trước nỗi lo của công nhân, doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng đã có những buổi tiếp xúc, đối thoại, gặp gỡ, trao đổi để cùng tìm tiếng nói chung.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết: Đề án di dời đã được ban hành từ năm 2019, không phải là quyết định đột ngột. Việc di dời sẽ được thực hiện theo lộ trình cụ thể, có sự tham gia ý kiến của các bên liên quan và không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 

Hiện nay, Sở Công Thương đang phối hợp với các ngành xây dựng chính sách hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp. Sở đã đề xuất bố trí quỹ đất ưu tiên cho doanh nghiệp di dời tại các khu, cụm công nghiệp phía Bắc.

Đối với lo ngại về chỗ ở và các cơ sở vật chất phục vụ đời sống công nhân lao động, bà Hà cho biết: “Sở cũng đã có sự chuẩn bị, tính toán và bố trí nhà ở xã hội trong phương án di dời. Nơi đây sẽ có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật như đường sá, điện nước, cùng với các nhu cầu thiết yếu như chợ, siêu thị để đáp ứng nhu cầu của công nhân lao động”.

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội bày tỏ sự thấu hiểu những khó khăn mà người lao động và doanh nghiệp gặp phải khi di dời.

Ông Tuyên nhấn mạnh: Việc di dời máy móc, thiết bị tương đối đơn giản, nhưng di dời người lao động là một vấn đề lớn hơn, đặc biệt khi họ đã quen với cuộc sống ổn định ở phía Nam.

Về thời gian ngừng việc để doanh nghiệp di dời thì người lao động sẽ được hưởng mức lương tối thiểu vùng trong 14 ngày đầu tiên. Sau đó, mức lương sẽ được thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, theo quy định của pháp luật. Nếu mất việc làm, người lao động sẽ được hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

“Tỉnh đang xem xét xây dựng thêm các chính sách hỗ trợ đặc thù cho người lao động di dời theo doanh nghiệp. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Sở Công Thương để đề xuất mức hỗ trợ cụ thể, trình UBND tỉnh xem xét dựa trên khả năng thực tế. Di dời sẽ có sự hỗ trợ, sẽ tính toán, hạn chế thấp nhất cho doanh nghiệp và người lao động”, ông Phạm Văn Tuyên cho hay.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương cũng cam kết sẽ giải quyết về trường lớp và thủ tục chuyển trường cho con em công nhân khi di dời. Sở đề xuất quy hoạch các trường học ở khu vực phía Bắc trong giai đoạn 2024 - 2030 để đáp ứng nhu cầu học tập của con công nhân; phối hợp với các đơn vị liên quan để có phương án tốt nhất cho con công nhân ở nơi mới.

Chuyển đổi công năng, di dời các doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam vào khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương được thực hiện theo Đề án 3210 của tỉnh. Đề án được thực hiện nhằm phát triển đô thị phía Nam; bảo vệ môi trường; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực phía Bắc, thu hút đầu tư, tạo việc làm.

Theo đề án này, TP. Thuận An sẽ di dời từ nay đến năm 2028; TP. Tân Uyên sẽ di dời đến năm 2029; TP. Thủ Dầu Một, Bến Cát, Dĩ An phải hoàn thiện di dời đến năm 2030.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bình Dương từng bước di dời 2.900 doanh nghiệp khỏi khu dân cư
Bình Dương từng bước di dời 2.900 doanh nghiệp khỏi khu dân cư

VOV.VN - Hôm nay (17/4), lãnh đạo Ban quản lí các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết đơn vị đang xây dựng phương án, lộ trình để tham mưu lãnh đạo tỉnh về việc di dời các doanh nghiệp ra khỏi khu dân cư.

Bình Dương từng bước di dời 2.900 doanh nghiệp khỏi khu dân cư

Bình Dương từng bước di dời 2.900 doanh nghiệp khỏi khu dân cư

VOV.VN - Hôm nay (17/4), lãnh đạo Ban quản lí các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết đơn vị đang xây dựng phương án, lộ trình để tham mưu lãnh đạo tỉnh về việc di dời các doanh nghiệp ra khỏi khu dân cư.

Ít người xin việc, doanh nghiệp ở Bình Dương không kén chọn lao động
Ít người xin việc, doanh nghiệp ở Bình Dương không kén chọn lao động

VOV.VN - Thời điểm sau Tết Nguyên đán, rất nhiều lao động nhảy việc để tìm việc làm mới, hoặc từ các nơi đổ về Bình Dương xin việc. Nhưng năm nay, người xin việc ít trong khi nhu cầu tuyển dụng tương đối nhiều, nên không còn tình trạng doanh nghiệp "dửng dưng", kén chọn lao động.

Ít người xin việc, doanh nghiệp ở Bình Dương không kén chọn lao động

Ít người xin việc, doanh nghiệp ở Bình Dương không kén chọn lao động

VOV.VN - Thời điểm sau Tết Nguyên đán, rất nhiều lao động nhảy việc để tìm việc làm mới, hoặc từ các nơi đổ về Bình Dương xin việc. Nhưng năm nay, người xin việc ít trong khi nhu cầu tuyển dụng tương đối nhiều, nên không còn tình trạng doanh nghiệp "dửng dưng", kén chọn lao động.

Doanh nghiệp ở Bình Dương cần tuyển khoảng 60.000 người để sản xuất
Doanh nghiệp ở Bình Dương cần tuyển khoảng 60.000 người để sản xuất

VOV.VN - Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, năm 2024, toàn tỉnh có 8.000 doanh nghiệp tuyển dụng hơn 60.000 lao động để sản xuất. 

Doanh nghiệp ở Bình Dương cần tuyển khoảng 60.000 người để sản xuất

Doanh nghiệp ở Bình Dương cần tuyển khoảng 60.000 người để sản xuất

VOV.VN - Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, năm 2024, toàn tỉnh có 8.000 doanh nghiệp tuyển dụng hơn 60.000 lao động để sản xuất.