Thời trang không phải chỉ là đẹp

Ngày nay, ngoài quan tâm những sản phẩm có chất liệu đẹp người tiêu dùng còn mong muốn những sản phẩm tốt, an toàn, được nhuộm bằng chất liệu không độc hại.

>> Cơ hội để doanh nghiệp dệt may tiếp cận thiết bị hiện đại / Dệt may điêu đứng vì phụ thuộc nguyên liệu nhập

Đây chính là một phần trong trách nhiệm xã hội của những người làm việc trong ngành dệt may. Để có được sản phẩm theo yêu cầu mới của người tiêu dùng, các nhà sản xuất phải thực hiện trách nhiệm và phải tuân thủ một số qui định như: không được dùng các chất độc hại trong sản xuất hàng may mặc, ghi nhãn mác, môi trường (xử lý nước thải), về trách nhiệm xã hội (cấm sử dụng lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, hệ thống quản lý).

Trách nhiệm và đạo đức trong nghề dệt may

Chị Valerie McKenzie, nhà thiết kế của nhãn hiệu thời trang Sống cho biết: “Khi đến Việt Nam tôi thấy mình có tất cả những gì cần thiết, đó là nguồn nhân lực dồi dào, chăm chỉ, khéo tay. Tôi đã tìm hiểu và biết trong tiếng Việt từ “sống” rất có ý nghĩa. Sau đó tôi quyết định lập thương hiệu “Sống” để định hướng cho sản phẩm của mình có trách nhiệm với xã hội. Nhãn hiệu của tôi thân thiện với môi trường và con người”.

Nhiều người làm việc trong xưởng của McKenzi là những phụ nữ làm dệt may ở các làng quê. “Việt Nam đang phải đối mặt với thực tế là ngành dệt may ngày càng phát triển, nhiều người ở các vùng nông thôn ra thành phố làm nghề nhưng các tay thêu giỏi lại đang ngày càng ít đi” - chị McKenzin nói.

Khi thương hiệu “Sống” được nhiều người biết đến thì đòi hỏi phải sản xuất nhiều hơn. “Vậy tôi có phải sản xuất bằng máy móc hay chỉ làm bằng tay. Nếu để có nhiều hàng hơn thì chúng tôi phải dùng đến máy móc. Liệu khi đó, những người thợ khéo tay này sẽ còn được trưng dụng nữa hay không và rồi họ sẽ phát triển nghề ra sao” – chị McKenzi cân nhắc.

Người tiêu dùng quan tâm đến màu sắc, chất lượng hàng may mặc (ảnh KT)

Còn Jean – Luc Francoi – Giám đốc nghệ thuật của thương hiệu thời trang Jean-Luc Francoi, ông cũng đồng thời là người sáng một lập quĩ mang tên mình để hỗ trợ ngành may ở Ilde France, cho biết: “Hiện tại, quĩ của tôi đã hỗ trợ được 23.000 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tham gia vào lĩnh vực may mặc, thời trang. Những người phụ nữ này trực tiếp làm nghề may và trình diễn các sản phẩm thời trang của hãng”.

Theo lời kể của Jean-Luc Francoi, nhiều phụ nữ khi nhận được sự giúp đỡ lại sợ không biết mình có làm việc được không. Nhưng khi được sự hỗ trợ của quỹ Jean-Luc Francoi họ đã được cung cấp kỹ năng làm việc theo nhóm. Anh còn cho biết thêm, các đề án của quĩ mở rộng hoạt động sang các nước Trung Đông, châu Phi và tổ chức các buổi trình diễn thời trang ở các sàn catwalk quốc tế như Madrid, Paris…

Bà Janine Maurice-Bellay – cố vấn khu vực Ilde France về Việt Nam bình luận thêm rằng: “Các doanh nghiệp đang ngày càng chú ý đến đạo đức và môi trường”.

Bản thân người tiêu dùng tại Pháp trong một khảo sát gần đây cho thấy, đã có 9% đặc biệt quan tâm đến những sản phẩm may mặc thân thiện với môi trường và 11% đã mua mặt hàng của các doanh nghiệp quan tâm đến môi trường, có trách nhiệm xã hội.

Quan tâm đến quyền lợi của người sản xuất và tiêu dùng

Theo đánh giá của bà Janine Maurice-Bellay, luật pháp về lao động của Việt Nam (Bộ luật Lao động) đã rất đầy đủ và rất tích cực, quan tâm thỏa đáng đến người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Các doanh nghiệp dệt may ở Việt Nam làm tốt theo luật này cũng đã đảm bảo phần lớn trách nhiệm xã hội của mình. “Nếu mỗi doanh nghiệp đặt ra cho mình một bộ qui tắc ứng xử thì sẽ rất rối” – bà Janine Maurice-Bellay nói.

Phân tích rõ hơn về vấn đề này, ông Lê Văn Đạo – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết: Hiện tại với ngành dệt may vẫn đang trong quá trình đàm phán để có bộ qui tắc ứng xử chung, nhưng từng doanh nghiệp đã áp dụng các tiêu chuẩn VSCI, ISO 26.000. Ngành cũng đã có Thỏa ước tập thể ngành, trong đó có nhiều điểm còn tốt, có lợi hơn cho người lao động.

Ông Đạo cũng cho biết, thời gian qua trong ngành dệt may xảy ra nhiều vụ đình công, nhưng trên 95% số vụ thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Hàn Quốc, Đài Loan…). Với các doanh nghiệp Việt Nam thì hầu như không xảy ra tranh chấp giữa người sử dụng lao động và công nhân.

Trách nhiệm xã hội, ngoài tạo lập quan hệ tốt với người lao động thì việc có các sản phẩm thân thiện môi trường, an toàn với người sử dụng là điều được nhiều nhà sản xuất quan tâm. PGS. TS Hoàng Thị Lĩnh (Khoa Công nghệ dệt may và thời trang Việt Nam-Đại học Bách khoa Hà Nội) đã có công trình nghiên cứu về việc sử dụng các chất màu tự nhiên nhuộm cho các sản phẩm dệt bằng các loại lá cây, vỏ, củ, quả...

Màu nhuộm bằng các loại vỏ cây (ảnh V.H)

PGS Lĩnh cho biết lá chè già (bị vứt bỏ trên các nông trường chè), hạt lương nho (hạt cà ri sẵn có trong miền Nam), lá hồng xiêm và lá bàng là những nguồn nguyên liệu dồi dào nhất, có thể được sử dụng trong sản xuất màu nhuộm. Mỗi loại có thể tạo ra 5 gam màu khác nhau, từ đậm tới nhạt. Đây là sản phẩm organic không có hóa học (không có azon cấm, formandehit), độ bền tốt, đạt các tiêu chuẩn ECOTEX - các tiêu chuẩn về sinh thái. Công nghệ này còn góp phần bảo vệ môi trường do không cần dùng thuốc nhuộm tổng hợp. Ngoài ra, rất dễ chuyển giao cho nông dân để sản xuất hàng thủ công, góp phần xoá đói, giảm nghèo.

“Thời trang liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người nên các doanh nghiệp phải chú ý đến vấn đề môi trường từ tất cả các qui trình chứ không phải một khâu nào” – PGS Hoàng Thị Lĩnh nói.

Được biết, VITAS đang tham gia thực hiện dự án trách nhiệm xã hội cùng với Hiệp hội Da giày, Điện tử do EU tài trợ với mục tiêu xây dựng quan hệ sản xuất và tiêu dùng bền vững./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên