Xuất phát điểm khác nhau nhưng họ có cùng niềm đam mê sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Những nông dân “tay ngang” với tư duy và cách làm mới, quyết tâm “biến” phế phụ phẩm, chất thải… thành nguồn tài nguyên trong chuỗi kinh tế tuần hoàn có giá trị ước tính hàng tỷ USD.

Mong muốn phát triển mô hình nuôi thủy sản “thuận tự nhiên” đã thôi thúc đại tá Nguyễn Thanh Bá, nguyên Trưởng đoàn văn công Quân khu 9 (Bộ Quốc Phòng Việt Nam) “rời phố về quê” sau hơn 30 năm cống hiến trong quân ngũ. Năm 2018, cựu quân nhân Nguyễn Thanh Bá tiến hành đào ao, dựng bạt để hiện thực hoá ý tưởng phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên diện tích 30.000m2 đất của gia đình tại xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Nằm ở cực nam của Tổ quốc, vùng đất ngập mặn Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau có nhiều tiềm năng để phát triển nghề nuôi tôm nước lợ.

Khi bộ quân phục được “gấp lại vào ký ức” cũng là lúc ông Bá lăn lộn với ao đầm, vuông tôm nơi “quê hương nước mặn, đồng chua”. Những đêm thức trắng bên đầm tôm không làm người lính Nguyễn Thanh Bá nản lòng. Điều khiến ông trăn trở đến mất ngủ nhiều đêm là hiểm hoạ dịch bệnh có thể cuốn đi toàn bộ vốn liếng, công sức trong chớp mắt. Những ngộ nhận về nghề nuôi tôm nước lợ đã từng khiến nhiều “nông dân thứ thiệt” ở vùng đất ngập mặn Cà Mau phải trả giá đắt. “Hồi nào giờ mình nuôi tôm bằng kinh nghiệm thôi. Thấy bà con nào nuôi trúng thì mình đến thăm, học hỏi. Quá trình đó, mình ngộ ra môi trường nước của bà con chỗ đó khác, chỗ mình khác. Vì thế mà đã có những thời điểm mình nuôi tôm giống như người mù”. Người “nông dân áo lính” Nguyễn Thanh Bá nói về phương cách nuôi tôm mà bà con địa phương đang làm để rồi mãi luẩn quẩn trong “canh bạc” may rủi.

Phải đổi mới tư duy để thích ứng và phát triển bền vững! Đó là điều mà ông Nguyễn Thanh Bá nghiệm ra sau những lần “lên bờ, xuống ruộng” với con tôm. “Quá trình làm và tiếp xúc với mô hình này, mình thấy có rất nhiều lợi ích. Trước tiên, nó rất thân thiện vì không xả thải ra ngoài môi trường bất cứ thứ gì. Thứ hai, tiết giảm đáng kể chi phí từ nhân công vệ sinh, điện, thuốc và các loại hoá chất, lại an toàn dịch bệnh”, ông Bá chia sẻ về mô hình nuôi tôm công nghệ tuần hoàn nước.

Không có thứ gì bỏ đi. Không có thứ gì gọi là chất thải. Tất cả đều là nguồn tài nguyên giá trị trong chuỗi sản xuất tuần hoàn. Mô hình nuôi tôm công nghệ tuần hoàn nước của nông dân - đại tá Nguyễn Thanh Bá đang được coi là mô hình điểm trong định hướng sản xuất thuỷ sản bền vững ở vùng đất ngập mặn Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Đối với các mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, phế phụ phẩm không còn là chất thải mà trở thành nguồn tài nguyên trị giá hàng tỷ USD.

Tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế quảng cáo, có công việc ổn định với mức thu nhập khá ở TP.HCM nhưng anh Trần Hữu Nguyễn lại quyết định “bỏ phố về rừng” gắn bó với niềm đam mê sản xuất nông nghiệp xanh. Trên khu vườn rộng 12.000m2 của gia đình ở xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, Trần Hữu Nguyễn lên ý tưởng và phát triển chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn với hạt nhân là con giun trùn quế. Anh Nguyễn cho rằng, mô hình nông nghiệp tuần hoàn là giải pháp tối ưu để giải quyết tình trạng ô nhiễm chất thải chăn nuôi, ô nhiễm môi trường sản xuất ở địa phương.

“Việc dùng phân và giun trùn quế bón cho cây giúp năng suất cà phê cao hơn, cây chuối thì cho trái chắc hơn, nặng và thơm ngon nên bán được giá hơn. Mùa hè lá không bị héo, thay vào đó lá dày hơn. Hệ vi sinh vật dưới đất quanh cây trồng đa dạng hơn, ngừa được các loại bệnh nấm mốc giúp giảm việc phải phun thuốc hoá học”, anh Nguyễn chia sẻ lợi ích khi thực hiện chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn.

Chuỗi sản xuất nông nghiệp của Trần Hữu Nguyễn được thiết kế thành từng phân khu, kết nối theo vòng tuần hoàn khép kín. Việc tận dụng nguồn phụ phẩm trong vườn giúp anh giảm chi phí sản xuất, tạo ra môi trường sinh thái trong lành. Các loại cây ăn trái như cà phê, sầu riêng, chuối… trong vườn được trồng theo quy trình hữu cơ. Sau khi thu hoạch, phụ phẩm của cây trồng được dùng làm thức ăn cho lợn rừng. Phân lợn được xử lý làm thức ăn nuôi trùn quế. Phân trùn quế được dùng bón cho cây trồng và cải tạo hệ sinh thái trong đất rất tốt.

Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh được đánh giá là mô hình dễ áp dụng giải pháp quản lý tổng hợp, giảm sử dụng hoá chất, ít gây hại đến môi trường tự nhiên và phù hợp với các yêu cầu thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP). Mô hình có thể áp dụng với định mức đầu tư phù hợp cho từng quy mô sản xuất khác nhau. Để nhà nông tự tin phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn bền vững thì cần sự đồng hành, hỗ trợ của nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp.

Nắm bắt được khó khăn và nhu cầu của người dân, năm 2021 Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau, Viện Nghiên cứu Thuỷ sản II và Công ty TNHH Khoa học công nghệ nuôi trồng thuỷ sản và môi trường (SAEN) đã triển khai mô hình nuôi tôm công nghệ tuần hoàn nước tại ao nuôi của gia đình ông Nguyễn Thanh Bá. Tiến sĩ Nguyễn Nhứt - Viện Nghiên cứu Thuỷ sản II khẳng định: Mô hình nuôi tôm công nghệ tuần hoàn nước (tái sử dụng nguồn nước thải) được thực hiện theo quy trình “vòng quay dinh dưỡng”. Chất thải của con tôm được xử lý để làm thức ăn cho một số loài cá như: cá đối, cá rô phi… Các loài cá và hệ thống rong trong chuỗi sản xuất có vai trò làm sạch nguồn nước trước khi được cấp vào ao nuôi tôm. Chuỗi tuần hoàn khép kín này đáp ứng được 3 tiêu chí: giảm carbon - giảm xả thải - giảm chi phí. Với hình thức nuôi truyền thống, người dân phải mất từ 1,2 - 1,3 kg thức ăn để ra 1kg tôm thành phẩm. Trong khi đó, mô hình nuôi tôm công nghệ tuần hoàn nước chỉ tốn khoảng 1,0 kg thức ăn để có 1,0 kg tôm thương phẩm.

“Trong nuôi trồng thuỷ sản, bùn bã hữu cơ trong ao nuôi không được xử lý hoặc xử lý không triệt để thì gọi là chất thải và xả ra môi trường. Với mô hình này, toàn bộ chất thải do con tôm thải ra được tái sử dụng thì gọi là “dinh dưỡng”. Tiến sĩ Nguyễn Nhứt nhấn mạnh.

Kinh tế tuần hoàn được coi là giải pháp bền vững để các địa phương giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường sản xuất, nâng cao giá trị ngành nông nghiệp. Toàn tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 300.000 ha diện tích mặt nước nuôi thuỷ sản, trong đó sản phẩm chủ lực là tôm nuôi nước lợ. Tốc độ phát triển hoạt động nuôi tôm nước lợ thiếu kiểm soát suốt một thời gian dài ở Cà Mau đã khiến nhiều loại dịch bệnh phát sinh, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ô nhiễm môi trường. Vì vậy, chủ trương của tỉnh Cà Mau là phát triển các mô hình nuôi tôm tuần hoàn để tăng hiệu quả kinh tế, giảm giá thành và bảo vệ hệ sinh thái bền vững. Sau gần 3 năm áp dụng, mô hình nuôi tôm công nghệ tuần hoàn nước của gia đình ông Nguyễn Thanh Bá được đánh giá cho hiệu quả kinh tế cao. Sản lượng trung bình đạt khoảng 70 tấn tôm/ha. Với giá bán khoảng 180.000 đồng/kg tôm thương phẩm thì người nuôi có doanh thu trên 10 tỷ đồng/ha. Công nghệ tuần hoàn nước giúp người dân có thể nuôi gối từ 6 - 8 vụ/năm và dễ áp dụng với nhiều loại ao nuôi.  

“Mình chủ trương kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu chung không xả thải, bền vững về môi trường, có hiệu quả về kinh tế và chất lượng sạch. Đó là hướng đi mà mô hình này là một điển hình cho những tiêu chí mà ngành khoa học công nghệ Cà Mau đặt ra. Mô hình này phù hợp và dễ thiết kế đối với nhiều đối tượng ao nuôi khác nhau”, bà Mai Xuân Hương - Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau) đánh giá về mô hình nuôi tôm công nghệ tuần hoàn nước đang triển khai ở địa phương.

Đầu ra của chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn là nguồn cung cấp nguyên liệu chất lượng cao cho doanh nghiệp chế biến. Hiện nay, các nông sản trong “khu vườn sinh thái” của Trần Hữu Nguyễn luôn được doanh nghiệp liên kết thu mua với mức giá cao hơn từ 15 - 20% so với thị trường. Nhờ đổi mới tư duy trong cách làm nông nghiệp giúp Trần Hữu Nguyễn có doanh thu hàng tỷ đồng/năm. Làm nông nghiệp mà không phải canh cánh nỗi lo được mùa rớt giá, dịch bệnh hoành hành như Trần Hữu Nguyễn thực sự là niềm mơ ước với mỗi bà con nông dân.

Bà Trương Thị Minh Phương - Phó Giám đốc Công ty TNHH Cà phê nguyên chất Thái Châu ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cho biết, để sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu đòi hỏi doanh nghiệp phải có được nguồn nguyên liệu sạch từ vùng trồng. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn đem lại lợi ích bền vững cho các bên tham gia chuỗi liên kết.

“Tất cả những sản phẩm của Thái Châu đều theo tôn chỉ là cùng bà con nông dân phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao như ở Cầu Đất, ở Đức Trọng... Nếu chúng ta muốn giá trị hạt cà phê cao thì bắt buộc phải xây dựng chuỗi liên kết từ bà con nông dân cho đến doanh nghiệp và người tiêu dùng. Để có được vùng nguyên liệu chất lượng cao theo hướng sản xuất tuần hoàn thì giá thu mua cho bà con phải luôn cao hơn thị trường”, bà Trương Thị Minh Phương cho biết.

Giá trị của chuỗi nông nghiệp tuần hoàn không chỉ dừng lại ở hiệu quả kinh tế thuần tuý. Về lâu dài, kinh tế tuần hoàn là giải pháp bền vững để tái tạo môi trường sống và hệ sinh thái tự nhiên. Cho nên, trong định hướng phát triển nền kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị thương hiệu nông sản địa phương, tỉnh Lâm Đồng xác định sản xuất tuần hoàn là một hướng đi trọng tâm. Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng khẳng định: “Trong các nội dung triển khai của ngành nông nghiệp, chúng tôi luôn chỉ đạo xây dựng các mô hình, tuyên truyền, tập huấn để người dân hiểu được việc phát triển kinh tế tuần hoàn giai đoạn hiện nay quan trọng như thế nào đối với ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng. Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tạo ra một nền nông nghiệp bền vững, hiện đại và đảm bảo môi trường sinh thái”.

Kinh tế tuần hoàn đang dần trở thành xu thế tất yếu, là giải pháp quan trọng giúp người nông dân nước ta sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh. Vượt qua khó khăn, trở ngại, những nông dân tân tiến như Nguyễn Thanh Bá, Trần Hữu Nguyễn… đang tiên phong lựa chọn cách làm nông nghiệp mới. Tinh thần dám thay đổi để thích ứng là cơ sở để chúng ta tin tưởng vào thành công của những nông dân đam mê “nông nghiệp xanh”.

>> Bài 1: SẠCH MÔI TRƯỜNG - LỢI NHÀ NÔNG

>> Bài 2: NHỮNG MỎ VÀNG BỊ BỎ QUÊN

>> Bài 3: NÔNG NGHIỆP TUẨN HOÀN - XU THẾ TẤT YẾU CỦA "KINH TẾ XANH"

Tác giả: Hữu Hưng, Hương Giang, Hương Lan | Thiết kế: Lê Anh

Thứ Hai, 14:29, 13/11/2023