“Tại sao đàn ông được đi học mà mình lại không?. Tại sao đàn ông làm chủ doanh nghiệp, làm lãnh đạo mà mình không làm được. Cứ ước mơ đi, quyết tâm thực hiện nó thì dù là phụ nữ hay đàn ông đều có thể đạt được. Không gì là không thể“ – Trăn trở ấy cứ đeo bám chị qua nhiều năm, nhiều tháng.

Sinh ra trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc, giữa bốn bề núi đá, những đứa trẻ ở đây cơ cực và lam lũ đủ bề. Những năm 80 của thế kỷ trước, Vàng Thị Cầu cũng như nhiều bé gái ở vùng cao Đồng Văn không được đến trường. Nhà chị có 8 anh chị em, Cầu là chị cả. Chị không đến trường vì phải chăm sóc các em khi bố mẹ đi làm nương.

“Thời điểm đó, ở một xã chỉ có 1-2 lớp học, lại cách xa nhà. Bố mẹ tôi thì nghĩ, là con gái, không cần phải đi học. Nhưng bản thân tôi lại rất thích truyện cổ tích qua những lần bố kể. Chính vì vậy, tôi cứ ước mơ một ngày nào đó sẽ được đi học, sẽ được biết chữ”.

18 tuổi, khi những đứa trẻ miền xuôi đã học xong lớp 12 thì Vàng Thị Cầu bắt đầu bước chân vào lớp 1. Học miệt mài để biết con chữ. Bằng nỗ lực bản thân, cộng với những chính sách ưu tiên cho học sinh người dân tộc thiểu số, cuối cùng thì Vàng Thị Cầu cũng có được tấm bằng Đại học vào năm 2013, khi đó chị đã 39 tuổi.

“Tôi học ĐH tại chức dưới Hà Nội. Cứ tối thứ 6 lên xe, đi một đêm thì đến nơi, học thứ bảy, chủ nhật rồi lại về Đồng Văn. Như vậy, 2 đêm ngủ trên ô tô, chỉ mất một đêm ở nhà trọ. Đường đi lúc đó vô cùng vất vả nhưng tôi vẫn quyết tâm học cho xong đại học. Lúc đó tôi đang nuôi 2 con nhỏ ”- Vàng Thị Cầu cho hay.  

Khi có thêm hiểu biết và tri thức, Vàng Thị Cầu không chỉ khát khao thoát nghèo mà chị muốn làm giàu trên chính quê hương mình.

Năm 2017, chị khởi nghiệp bằng việc thành lập HTX Lanh Trắng. Cây lanh là một trong rất ít cây trồng có thể sống trên những triền núi đá ngoài cây ngô. Ai cũng bảo chị liều bởi lúc đó Vàng Thị Cầu cũng đã “cứng tuổi” (43 tuổi) nhưng chị nghĩ “không gì là không thể”.

Những xã viên ban đầu của HTX Lanh Trắng là những phụ yếu thế như phụ nữ nghèo, phụ nữ bị mua bán quay trở về hay bị bạo lực gia đình. Chị muốn giúp họ bước ra khỏi những khổ đau, tự đứng trên đôi chân của mình, ngang bằng với người đàn ông.

“Đời sống ở vùng cao khó khăn. Vợ không có việc làm, chồng cứ đi uống rượu về, bức xúc chuyện này, chuyện nọ, thế là đánh vợ. Nhưng nay, cả thôn Sà Phìn A, không còn tình trạng đó nữa. Người phụ nữ không biết chữ, không biết tiếng phổ thông cũng có thể làm được sản phẩm từ lanh trắng.”- Vàng Thị Cầu cho hay.

Từ 15 xã viên ban đầu, HTX Lanh Trắng của Vàng Thị Cầu sau gần 7 năm hoạt động đã có 125 xã viên, trong đó có 32 người góp cổ phần, còn lại chị em làm việc tại 7 tổ liên kết tại các xã, thị trấn trong toàn huyện. Mức thu nhập cũng tăng từ 2-3 triệu/người/tháng lên 5-7 triệu đồng/người/tháng. Đó là con số vô cùng ấn tượng ở một huyện vùng cao có tỷ lên nghèo đa chiều lên tới 65%. Riêng xã Sà Phìn- nơi Vàng Thị Cầu sinh sống cũng có đến 45% hộ nghèo.  

“HTX đi khảo sát ở các thôn. Nếu hộ nghèo có nhu cầu thì chúng tôi sẽ hỗ trợ họ. Ví dụ như nhóm chuyên dệt vải thì chúng tôi sẽ hỗ trợ họ giống lanh để họ trồng, cam kết sẽ thu mua toàn bộ số vải lanh mà họ dệt. Sau đó, chúng tôi mang vải về HTX, nhuộm màu và may thành phẩm rồi xuất hàng đi”.

Những sản phẩm dệt từ lanh trắng đầu tiên được đưa ra thị trường từ năm 2018 và đến cuối năm 2023, HTX đã có doanh thu 4 tỷ đồng từ xuất khẩu vải lanh và nhiều sản phẩm khác, trong đó thị trường Lào chiếm 70%.

Đa dạng mẫu mã để thích ứng với nhu cầu của thị trường, tìm mọi kênh bán hàng, đi chào sản phẩm ở các hội chợ, giờ đây, sản phẩm của HTX Lanh Trắng do Vàng Thị Cầu làm chủ đã có 47 sản phẩm lanh các loại như quần áo, chăn, gối, túi đeo…. Ban giám đốc thường xuyên đi dạy nghề ở các xã, thậm chí sang cả huyện Xín Mần, Mèo Vạc để liên kết với các dân tộc khác, làm các mẫu mã hoa văn đa dạng để mở rộng sản xuất.

HTX Lanh Trắng do Vàng Thị Cầu phụ trách tọa lạc ngay ở một địa điểm du lịch có rất đông khách tham quan, trong đó phần lớn là người nước ngoài. Đó là Khu nhà Vương – Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia độc đáo tại huyện Đồng Văn. Khách đến đây không chỉ mua sản phẩm mà còn được thấy những người phụ nữ Mông se chỉ, dệt vải, nhuộm và làm bóng những sấp vải lanh…

Sùng Thị Si là một trong những người đầu tiên tham gia HTX từ năm 2017. Công việc của Si là may và trực tiếp bán hàng cho khách. Trước đây, Si chỉ biết lên nương. Chồng không có việc làm, nghe chúng bạn rủ rê qua biên giới lao động trái phép rồi trở về với hai bàn tay trắng. Cái nghèo, cái khó làm cuộc sống gia đình ngày càng tũng quẫn. Vợ chồng lục đục, chồng đi uống rượu tối ngày, lại về cãi nhau với vợ, thậm chí cả đánh vợ. Giờ, cả 2 vợ chồng Si đều trở thành xã viên HTX Lanh Trắng do chị Vàng Thị Cầu làm chủ với mức lương mỗi người khoảng 5 triệu đồng.

“Chị Cầu đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Không chỉ vợ chồng tôi, nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn đã thoát được nghèo. Chúng tôi rất quý chị ấy, nhìn vào chị ấy để noi gương vì chị ấy đầy nghị lực, rất giỏi dang và năng động”- Sùng Thị Si chia sẻ.

Nhắc đến Vàng Thị Cầu, Phó Chủ tịch xã Sà Phìn, ông Thào Mý Hờ không khỏi tự hào: “Chị Cầu là một người phụ nữ dám nghĩ, dám làm. Ở huyện Đồng Văn, chị Cầu là người đầu tiên thành lập HTX dệt lanh và là một mô hình rất thành công, được nhiều nơi trong huyện đến học hỏi. Chị ấy nỗ lực và quyết tâm rất nhiều để có ngày hôm nay. Chị Cầu là một tấm gương phụ nữ tiêu biểu của đồng bào Mông ở Đồng Văn nói riêng và Hà Giang nói chung. Hiện, chị Cầu đang là Phó chủ tịch Hội phụ nữ huyện và chúng tôi cũng mong muốn chị ấy sẽ tham gia nhiều hơn vào bộ máy chính quyền”.

Xã Sà Phìn có hơn 3.000 dân, 100% là người Mông, trải dài ở 11 thôn. 45% hộ dân ở đây vẫn trong diện nghèo đa chiều. Riêng thôn Sà Phìn A, nơi có Hợp tác xã lanh trắng chỉ còn 15% hộ nghèo.

“Toàn bộ xã viên của HTX Lanh trắng này đều là người của thôn Sà Phìn A. Tham gia vào HTX, đời sống của bà con khá lên rất nhiều so với trước. Từ lúc thành lập HTX, chị em có việc làm, làm ngay tại nhà, lại có thu nhập, chồng cũng đi làm ở công ty, gia đình ít lục đục, giảm đáng kể tình trạng bạo lực gia đình”- Phó Chủ tịch xã Thào Mý Hờ cho hay.

Qua 7 năm thành lập HTX, người phụ nữ Mông Vàng Thị Cầu đã 2 lần dành được giải thưởng Phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc. Năm 2018, chị là một trong 3 người được giải xuất sắc với số tiền 100 triệu đồng. Lần thứ hai là Giải thưởng Phát triển thương hiệu lanh trắng, được 150 triệu đồng do Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam tổ chức.  

“Theo tôi, người phụ nữ hay người đàn ông đều có ước mơ nhưng để thực hiện được ước mơ đó, người phụ nữ phải cố gắng hơn rất nhiều. Với phụ nữ đồng bào Mông, không nhiều người nói được tiếng phổ thông, tỷ lệ mù chữ cao nên ước mơ của họ rất khó thực hiện. Bởi vậy, tôi muốn thay đổi, muốn vươn lên. Đó là cách tôi thực hiện ước mơ của mình là tạo được việc làm cho chị em, hỗ trợ nhiều trẻ mồ côi. Nhưng đó mới chỉ là 80% giấc mơ, còn lại, tôi phải phấn đấu hơn nữa”- Vàng Thị Cầu tâm sự.

Quá trình đi đến các thôn, chị lại gặp những trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa. Lòng trắc ẩn thôi thúc. Chị đón các em về, nuôi ăn học, rồi giúp học nghề để có thể làm du lịch cộng đồng hay phục vụ trong các quán ăn để có thu nhập. Chị cũng liên hệ với bạn bè ở Hà Nội để tạo điều kiện cho các em học nghề ở thủ đô, có em đã tốt nghiệp và vào TP.HCM lập nghiệp…

Chia tay người phụ nữ Mông chất phác, đầy nghị lực, Vàng Thị Cầu cho biết, giờ 50 tuổi rồi nhưng tối nào chị cũng miệt mài học tiếng Anh trực tuyến để có thể giao tiếp được với người nước ngoài.

Vượt qua mọi trở ngại, định kiến, vượt qua muôn vàn khó khăn, Vàng Thị Cầu giống như một đóa hoa luôn hướng về mặt trời. Chị đã trở thành một phụ nữ Mông tiêu biểu, “dệt” thành công giấc mơ trên cao nguyên đá.


Thứ Năm, 06:00, 21/03/2024