Mái ấm cho trẻ tự kỷ

Trung tâm Giáo dục hòa nhập trẻ em được thành lập với mong muốn giúp các em tự kỷ có thể hòa nhập và trở lại với cuộc sống bình thường.

“Trẻ em như búp trên cành, biết ăn biết ngủ biết học hành là ngoan”. Câu nói ấy thật giản dị cũng như tất cả mọi trẻ em sinh ra trên đời đều như vậy. Không có người bố, người mẹ nào không mong muốn con mình khỏe mạnh, chăm ngoan, học giỏi; bởi đó là niềm hạnh phúc của mỗi gia đình. Không một nhà trường nào lại không mong muốn có nhiều em học sinh giỏi tiến bộ. Song, thực tế hiện nay cho thấy: trong xã hội, có không ít những trẻ không may bị chậm phát triển, rối loạn ngôn ngữ và tăng động giảm chú ý…

Ở Việt Nam và một số nước trên thế giới, tỉ lệ các em mắc chứng bệnh này ngày càng tăng và phức tạp; trở thành một vấn đề của xã hội và đòi hỏi sự quan tâm của các cấp, các ngành để hạn chế, đẩy lùi căn bệnh tự kỷ.

Riêng tại Hà Nội – thành phố có tỷ lệ cao nhất trong khuyết tật học đường (30%); nhưng, trẻ tự kỷ vẫn chưa nhận được trợ giúp đáng kể để đến trường và theo học.

Thành lập một ngôi nhà chung

Là một trong những trung tâm hàng đầu của TP Hà Nội về giáo dục hòa nhập trẻ đặc biệt (chủ yếu là trẻ em mắc chứng bệnh tự kỷ); trong 10 năm qua, bằng sự phấn đấu, cố gắng và nhiệt huyết với tấm lòng vì trẻ thơ, Trung tâm Giáo dục hòa nhập trẻ em (Trung tâm GDHNTE) đã can thiệp thành công, có hiệu quả cho nhiều trẻ em tại địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận, góp phần đem lại niềm vui, hạnh phúc cho mỗi gia đình.

Năm 2011, trước những yêu cầu trong công tác giáo dục hòa nhập trẻ em theo phương pháp hiện đại, với quyết tâm của tập thể Ban giám đốc trung tâm và sự tài trợ giúp đỡ của phụ huynh học sinh; dự án xây dựng mới Trung tâm Giáo dục hòa nhập trẻ em đã được triển khai.

Cắt băng khánh thành Trung tâm Giáo dục hòa nhập trẻ em

Với 20 giáo viên có trình độ về chuyên ngành giáo dục đặc biệt, mầm non, tâm lý giáo dục và cơ sở vật chất hiện đại; trung tâm hy vọng, đây sẽ là mái nhà chung cho các em có thể hòa nhập và trở lại với cuộc sống bình thường như bao trẻ thơ khác.

Bên cạnh mô hình dạy trẻ đặc biệt, trung tâm còn giúp cho các phụ huynh có thể hiểu và tiếp cận con mình qua các dịch vụ tư vấn trực tiếp, các tài liệu… Đặc biệt, trung tâm còn thực hiện mô hình “lớp học mở”, cho phép và tạo điều kiện cho phụ huynh tham gia học cùng con mình. Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể quan sát các con qua hệ thống camera để biết cách can thiệp con trẻ.

Phòng chơi của các em

Trẻ tự kỷ cần được hòa nhập với cộng đồng

Hiện tại, trung tâm đã can thiệp cho gần 100 trẻ mắc chứng tự kỷ, chậm phát triển, rối loạn ngôn ngữ, tăng động giảm chú ý… Sau khi các em đã có thể hòa nhập được với cộng đồng, Trung tâm sẽ tạo điều kiện cho các em có thể học tập bình thường tại các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Giám đốc Trung tâm GDHNTE cho biết: “Chúng tôi mong muốn, Trung tâm GDHNTE sẽ là mái nhà yêu thương cho các em đặc biệt – trẻ khuyết tật. Việc Trung tâm được khánh thành sẽ tạo điều kiện tốt nhất để chúng tôi giúp các em khuyết tật, trẻ tự kỷ sớm hòa nhập với gia đình, nhà trường và xã hội”.

Trẻ tự kỷ là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi

Công tác giáo dục trẻ đặc biệt là việc làm vô cùng khó khăn, thử thách, đòi hỏi phải kiên trì, chịu khó, tâm huyết bằng tình cảm thực sự với con trẻ, xuất phát từ tấm lòng yêu thương vô hạn. Thế nhưng, tuổi đời của các cô giáo tại Trung tâm đều còn rất trẻ. Có những cô chỉ vừa mới rời ghế nhà trường nhưng đã cố gắng học hỏi, chấp nhận khó khăn để có thể góp sức bé nhỏ của mình giúp đỡ các em.

Cô Trần Thị Lê đã làm ở trung tâm được 4 năm. Mỗi một học sinh lại mang đến cho cô những kỷ niệm khó quên. Từ những lúc chập chững mới biết đi, rồi lúc các em học nói, học cách giao tiếp… tất cả là một quá trình dài rất vất vả.

Với mỗi một học sinh, các giáo viên phải xây dựng riêng một chương trình học, phối hợp với phụ huynh và thay đổi liên tục các phương pháp để phù hợp. Bên cạnh đó là các giờ tập phục hồi chức năng, các bài tập hít thở, học cách phát âm. Giáo viên phải theo sát các em nhưng đôi khi, như thế vẫn là chưa đủ.

Các giáo viên tại Trung tâm

Cô Lê tâm sự: “Những người chấp nhận đi theo nghề nghiệp này rất ít, hiện tại trung tâm cũng chỉ có 20 giáo viên. Chăm sóc và dạy dỗ trẻ em bình thường cũng đã khó, nhưng với các trẻ đặc biệt lại khó khăn hơn gấp bội. Đôi lúc, tôi ước mình có thêm nhiều thời gian hơn để dành cho các em”.

Sinh năm 1988, cô giáo trẻ Bùi Thị Thanh Huyền chia sẻ: “Đôi lúc, chúng tôi vẫn nói đùa với nhau rằng: chúng tôi muốn mình thất nghiệp. Thất nghiệp vì tất cả các trẻ em tự kỷ đều đã hòa nhập được với xã hội và không cần đến chúng tôi nữa. Trẻ tự kỷ thiệt thòi rất nhiều. Các em không biết cách bày tỏ cảm xúc của mình và xã hội cũng không hoàn toàn chấp nhận các em”.

Trên thực tế, có rất ít các trường bình thường nhận dạy trẻ tự kỷ. Một là vì không có giáo viên đủ chuyên môn, hai là vì tâm lý thường thấy. Có rất nhiều phụ huynh trẻ bình thường không thích cho con mình chơi chung với trẻ tự kỷ, sợ rằng sẽ bị lây “bệnh”. Đó là khó khăn lớn nhất cho trẻ tự kỷ để có thể hòa nhập được cộng đồng.

Thế nhưng, đứng từ góc nhìn từ một người có con là trẻ tự kỷ, anh Trần Ngọc Điệp lại hy vọng: “Tôi phát hiện ra cháu có dấu hiệu từ năm lên 2 tuổi. Lúc đấy cũng rất hoang mang, không biết phải làm như thế nào. Cũng nhờ có người giới thiệu đến với trung tâm. Dù cháu có tiến triển chậm thì tôi vẫn mong, có ngày cháu sẽ hòa nhập được với thế giới giống như bao đứa trẻ bình thường khác”.

Chính vì vậy, trung tâm được xây dựng và đi vào hoạt động là mong muốn, toàn xã hội sẽ quan tâm và dành nhiều hơn nữa nguồn lực cho công tác giáo dục trẻ đặc biệt. Vì trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai, chúng ta cần phải có trách nhiệm dành tình yêu thương cho trẻ em, đặc biệt là trẻ tự kỷ để các em có thể hòa nhập và trở thành một phần của cộng đồng xã hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên