Lương phi công, quản lý ngân hàng, khách sạn cao ngất

Sự chênh lệch trong thu nhập của người lao động và người quản lý hiện nay đang làm “méo mó” quan hệ tiền lương, thu nhập trên thị trường lao động.

Báo cáo của Bộ LĐ – TB & XH cho biết: Tại một số doanh nghiệp, ngân hàng liên doanh, ngân hàng cổ phần hiện nay, lương của các chức danh lãnh đạo khoảng 100 triệu đồng/tháng, có nơi trên 200 - 300 triệu đồng/tháng. Giám đốc là người nước ngoài điều hành khách sạn 5 sao có mức lương từ 7.000 - 10.000 USD/tháng. Cơ trưởng hàng không 15.000 USD/tháng. Chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí 13.000 - 15.000 USD/tháng…

Trong khi đó, tiền lương bình quân của người lao động trong những doanh nghiệp này chỉ từ 5 - 7 triệu đồng/tháng, lao động phục vụ từ 2 - 3 triệu đồng/tháng.

Cũng tại báo cáo này, người ta thấy rằng cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước chưa theo nguyên tắc thị trường. Các tiêu chí quản lý tiền lương gắn với nộp ngân sách, lợi nhuận và năng suất lao động chưa phản ánh hết hiệu quả kinh doanh, chưa phân biệt giữa doanh nghiệp có lợi thế và không có lợi thế, dẫn đến những doanh nghiệp có lợi thế, thì xu hướng tiền lương cao gấp 2 - 3 lần bình quân chung, chênh lệch thu nhập ngày càng tăng.

Tổng hợp từ 37 công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Công ty mẹ của Tổng công ty hạng đặc biệt cho thấy, năm 2010, tiền lương bình quân của doanh nghiệp có lợi thế đạt 8,14 triệu đồng/tháng, cao gấp 3,35 lần so với nhóm doanh nghiệp không có lợi thế.

Lượng của người lao động hiện nay còn ở mức thấp (Ảnh: KT)

Tiền lương bình quân của nhóm doanh nghiệp ngân hàng, tài chính khoảng 10,5 triệu đồng/tháng, cao gấp 4,32 lần nhóm doanh nghiệp không có lợi thế.

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng: Cơ chế quản lý tiền lương được xây dựng theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp tự chủ trong việc xác định chi phí tiền lương, không hạn chế mức thu nhập tối đa đối với lao động kỹ thuật cao, quản lý tài năng.

Cách giải thích nghe ra rất có lý, tuy nhiên, thực tế khoảng cách chênh lệch tiền lương quá lớn giữa các nhóm doanh nghiệp, nhóm lao động tại nhiều doanh nghiệp đã làm “méo mó” quan hệ tiền lương, thu nhập trên thị trường lao động.

Ai cũng biết, đã là nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường thì không thể có một sự cào bằng trong thu nhập. Nhưng qua những con số về sự chênh lệch mức lương mà Bộ LĐ-TB &XH mới công bố cho thấy, ngoài chuyện lương của người lao động và người quản lý chênh nhau tới 150 lần, còn ẩn chứa sau đó những bất bình đẳng giữa chính những người lao động với nhau.

Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng nới rộng mà mức độ chênh lệch thông qua lương mới là cái có thể nhìn thấy. Bởi đối với người công nhân, lương có thể là tất cả thu nhập của họ. Nhưng với nhiều cán bộ quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp thì không phải như vậy.

Khoảng cách về lương, bởi thế, không đơn thuần chỉ là con số 100 lần, hay 364 lần cho những khoản thưởng, càng không chỉ đơn thuần là khoảng cách giàu nghèo, mà còn ẩn chứa trong nó những bất công xã hội.

Một khi, chỉ đồng lương, đã chứa trong nó một khoảng cách mênh mông giữa những bộ phận người lao động với nhau thì có lẽ con số chênh lệch giàu nghèo 9,2 lần mà Tổng cục Thống kê công bố sau năm 2011 khi tiến hành cuộc khảo sát mức sống hộ dân cư, có lẽ cũng chưa phản ánh chính xác mức độ phân hóa giàu nghèo trong xã hội.

Nền kinh tế của chúng ta đang vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, chính sách tiền lương khu vực sản xuất kinh doanh, một mặt phải tuân thủ những nguyên tắc thị trường, mặt khác phải kết hợp với nguyên tắc công bằng xã hội trong tiền lương, không phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp về tiền lương. Trong đó, vấn đề cốt lõi là phải đảm bảo tiền lương trả đúng giá trị lao động, quan hệ cung - cầu lao động, song phải có sự quản lý, điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Có như vậy, chúng ta mới hoàn thành mục tiêu xây dựng xã hội dân giàu nước mạnh, đồng thời cũng xây dựng được xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên