Thầy thuốc giả hiệu đùa với mạng sống người dân

Vụ việc ở phòng khám Maria một lần nữa cho thấy sự yếu kém trong quản lý và thanh tra, khiến người bệnh có nguy cơ rơi vào tay thầy thuốc giả hiệu.

Sau cái chết bất ngờ của bệnh nhân tại phòng khám Maria- một phòng khám tư nhân do Sở Y tế Hà Nội cấp phép hoạt động, dư luận một lần nữa nóng lên về tình trạng “bác sĩ” nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc thoải mái hành nghề tại Việt Nam bất chấp các quy định pháp luật hiện hành.

Các cuộc họp “báo cáo”, “rút kinh nghiệm” về công tác quản lý và thanh tra các phòng khám đã được tổ chức, những người có trách nhiệm cũng đã phát ngôn, nhưng ở góc độ người dân, họ càng thấy lo hơn sau những thông tin mà đại diện cơ quan chức năng đưa ra thời gian qua.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, từ 11/2011 đến nay Sở chỉ cấp phép hành nghề bác sỹ giúp việc cho 2 người Trung Quốc tại phòng khám Maria. Theo đó, 2 bác sĩ người Trung Quốc được cấp phép này có trình độ cao đẳng, không phải người trực tiếp tham gia điều trị mà chỉ làm giúp việc bác sĩ như vào sổ sách, thay băng, tiêm, đo huyết áp… Tuy nhiên, sau khi sự việc đáng tiếc xảy ra, cơ quan chức năng vào cuộc và ban đầu phát hiện tại phòng khám này có tất cả 6 bác sĩ người Trung Quốc làm việc.

Khi được hỏi số “bác sĩ” này ở đâu ra, đại diện Sở Y tế Hà Nội khi trả lời báo chí cho biết “rất ngạc nhiên khi nhận được thông tin này, không hiểu 4 bác sĩ người Trung Quốc đó ở đâu ra và làm việc ở đây bao lâu rồi”. Và cũng dễ hiểu khi tới giờ này, con số “bác sĩ” người Trung Quốc là bao nhiêu vẫn còn phải chờ cơ quan điều tra xác minh cụ thể.

Báo cáo của Vụ Y dược cổ truyền trong cuộc họp với Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội và Bộ Y tế vừa qua cho biết, cả nước hiện có 41 thầy thuốc Trung Quốc được cấp phép đang hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại các cơ sở thuộc 16 tỉnh, thành phố.

Điều đáng nói là kết quả thanh tra cho thấy, đa số cơ sở này khi kiểm tra đều phát hiện vi phạm như hành nghề khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước về y tế cho phép; không niêm yết giá hoặc thu tiền khám và chữa bệnh cao hơn giá niêm yết; hành nghề quá phạm vi chuyên môn, có thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc không đảm bảo chất lượng...

Cũng theo báo cáo trên, do số bệnh nhân đến khám và điều trị tại các phòng khám y học cổ truyền có thầy thuốc nước ngoài hiện nay ngày càng ít nên xu hướng các phòng khám y học cổ truyền đang chuyển hướng sang phòng khám đa khoa? Hiểu nôm na là chuyển hướng kinh doanh nhưng vẫn dùng chiêu bài “thầy thuốc ngoại” để thu hút người bệnh.

Mục đích lợi nhuận không có gì xấu, nhưng vấn đề làm thế nào để đạt lợi nhuận lại là chuyện khác khi đối tượng phục vụ của các phòng khám là người bệnh- đặt vấn đề to tát hơn là sức khỏe và mạng sống con người. Nếu chỉ khi sự việc xảy ra mới nói rằng đó là “điều không ai muốn” và “lấy làm tiếc” thì không ai chấp nhận được. Pháp luật cũng như đạo đức người thầy thuốc không cho phép điều ấy, xét ở góc độ chủ quan.

Năm nào các Sở Y tế cũng có kế hoạch phân công các đơn vị chức năng kiểm tra định kỳ các phòng khám trên địa bàn, và cũng đã có xử lý những phòng khám vi phạm, nhưng theo như những gì lãnh đạo sở đã nói thì có vẻ như các phòng khám đang “đùa giỡn” cơ quan quản lý.

Thật khó hiểu, thậm chí bức xúc khi nghe thông tin: Tình trạng người nước ngoài khám chữa bệnh không phép tại các phòng khám rất khó kiểm soát, bởi vì cứ khi lực lượng của ngành y tế đến kiểm tra thì các “bác sĩ” Trung Quốc không xuất hiện, rồi sau đó lại hoạt động tiếp.

Có thể khẳng định, tình trạng nhộn nhạo tại các phòng khám có yếu tố người nước ngoài kéo dài nhiều năm, những sai phạm cũng đã được chỉ rõ, thập chí vi phạm sau nghiêm trọng hơn lần trước. Tuy nhiên, vì sao các cơ quan quản lý và thanh tra chưa tìm ra được biện pháp hữu hiệu để “trị” những phòng khám này thì hiện vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Với người dân, khi “có bệnh thì vái tứ phương” và không thể yêu cầu họ nhanh chóng trở thành “người tiêu dùng thông thái”. Bệnh viện quá tải và có thể còn nhiều lý do khác, người bệnh chọn đến phòng khám là lẽ bình thường, là nhu cầu tất yếu trong cuộc sống.

Hơn thế, có bệnh nhân nào vào phòng khám lại hỏi bác sĩ này đã được cấp phép chưa, trình độ đến đâu, thâm niên thế nào? Thậm chí họ còn bị đánh lừa bởi những dòng quảng cáo, giới thiệu hoành tráng vượt quá khả năng của phòng khám mà đáng lẽ cơ quan quản lý liên quan đã phải kiểm tra và xử lý từ đầu.

Các sai phạm đã thấy rõ, sự việc đáng tiếc cũng đã xảy ra, báo chí phản ánh đã nhiều. Giải pháp xử lý trong tương lai được các cơ quan chức năng đưa ra là kết hợp tuyên truyền cam kết và “đánh úp”, tức thanh tra đột xuất, kiểm tra toàn diện. Tuy nhiên, trước khi những giải pháp trên được thực hiện, thiết nghĩ cần xử lý nghiêm ngay lập tức những phòng khám có sai phạm vừa qua. Những người có trách nhiệm đến lúc phải thấy hạn chế của mình để chấn chỉnh công tác quản lý và thanh tra.

Quản lý yếu kém, dân bị vạ lây- điều đó khó có thể chấp nhận./.

Tin bài liên quan:

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên